Đại án VNCB: "Tại sao chúng tôi phải trốn khi tiền hợp pháp của mình bị mất?"

(Dân trí) - Đó là khẳng định của bà Trần Ngọc Bích trong phần tranh luận tại phiên toà phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm trong vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Đại án VNCB: "Tại sao chúng tôi phải trốn khi tiền hợp pháp của mình bị mất?" - 1

Bà Trần Ngọc Bích khẳng định sẽ không bao giờ trốn chạy và phải ở đây để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chiều 13/1, bà Trần Ngọc Bích đã phát biểu công khai tại Tòa trong phần tranh luận. Ở những phiên tòa trước, đại diện Viện kiểm sát đã kiến nghị thu hồi thêm tiền, xem xét trách nhiệm và đề nghị cấm xuất cảnh với bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh.

Tại tòa chiều nay, bà Trần Ngọc Bích vẫn cảm ơn đại diện VKS sát vì đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm hình sự của bà và cha mình là ông Trần Quí Thanh, dù ngay lập tức phía bà Bích chịu thiệt hại từ đề nghị này. "Chính chúng tôi mong muốn và đã chứng minh điều này từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Việc một lần nữa làm rõ các tình tiết liên quan đến tôi và ba tôi chỉ chứng minh một sự thật: Chúng tôi có tiền gửi hợp pháp, gửi tiền tại VNCB; Chúng tôi chưa bao giờ và không bao giờ đồng phạm với Phạm Công Danh. Sự thật này đã được xác nhận tại Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm.

Việc VKS đề nghị Bộ Công An cấm xuất cảnh với tôi và ba tôi như là sợ chúng tôi bỏ trốn là không có ý nghĩa trên thực tế. Tuy nhiên, đề nghị này như là một thông điệp của Viện kiểm sát muốn hình sự hóa quan hệ của chúng tôi với ngân hàng, gây hoang mang cho xã hội và các quan hệ kinh doanh của chúng tôi. Tại sao chúng tôi phải trốn khi tiền hợp pháp của chúng tôi bị mất? Chúng tôi sẽ không bao giờ trốn chạy, chúng tôi phải ở đây để bảo vệ quyền lợi của mình", bà Bích trình bày.

Bà Bích trình bày thêm: Tôi đã tìm kiếm, xem lại các thông tin về VNCB vào thời điểm năm 2013, đầu năm 2014.Tất cả các thông tin đều tích cực.Tháng 3/2014, VNCB vẫn thông báo là đơn vị tổ chức gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, ngoài VNCB thì có 9 ngân hàng lớn khác tham gia.Chúng tôi không hề biết về thực trạng thua lỗ của VNCB. Thời điểm đó, cũng như hiện tại, chúng tôi có quan hệ với rất nhiều ngân hàng. Đó chính là lý do chúng tôi gửi tiền tại VNCB. Dù biết hay không biết Phạm Công Danh, dù biết hay không biết Phạm Thị Trang, chúng tôi cũng gửi tiền tại VNCB chứ không gửi tiền cho bất cứ cá nhân nào".

Các khoản vay của chúng tôi đều có tài sản bảo đảm hợp lệ!

Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm trong đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm trong đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB.

Bà Trần Ngọc Bích khẳng định trước HĐXX, hiện nay các khoản vay của chúng tôi đều có tài sản bảo đảm hợp lệ bằng chính tiền gửi tại VNCB. Chúng tôi không chiếm đoạt tiền của VNCB, việc vay và cho vay của chúng tôi với VNCB là các quan hệ dân sự, sai hay đúng thì các bên xử lý theo hợp đồng. Đó là quyền tự do của chúng tôi. Tôi chưa hề chuyển tiền cho Phạm Công Danh; tôi và ba tôi không hề biết Phạm Công Danh rút tiền trên tài khoản của mình. Chính tôi là người rất nhiều lần đi đòi số tiền 5.190 tỷ đồng thì tại sao lại nói tôi biết việc này.

Tất cả những vấn đề VKS đặt ra hoàn toàn mới, chưa hề có trong các giai đoạn trước. Tôi có quyền chứng minh mình trong sạch nhưng không có nghĩa vụ giải thích hết các nhận định không đúng về tôi, khi các nhận định này liên tục thay đổi. Đó là quyền tự do của chúng tôi.

Chúng tôi cùng luật sư của mình đã nỗ lực đến cùng để chứng minh sự thật như đề nghị giám định tài liệu, đề nghị triệu tập công ty kiểm toán … nhưng không được chấp nhận. Viện kiểm sát đã không cùng chúng tôi xác định sự thật trước khi kiến nghị xem xét trách nhiệm của chúng tôi.

Theo luật sư của chúng tôi, các tài liệu này có trong hồ sơ vụ án. Viện kiểm sát đã không xem xét các hồ sơ này, không xét hỏi về việc này trước khi đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự và cấm xuất cảnh với chúng tôi.

Bản án sơ thẩm xác định chúng tôi không có bất cứ sai phạm nào, xác định tiền gửi của chúng tôi là hợp pháp, nhưng chúng tôi vẫn bị mất hơn 5.600 tỷ do bị thu hồi. Quan điểm của VKS tại phiên tòa này còn đề nghị tiếp tục thu hồi từ chúng tôi với số tiền lớn hơn, cũng không xuất phát từ bất cứ sai phạm nào của chúng tôi. Việc Viện kiểm sát kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự của tôi và ba tôi không hề liên quan đến chuyện thu hồi.

Tại sao Phạm Công Danh có thể mua được ngân hàng, tại sao Phạm Công Danh có thể được làm Chủ tịch Ngân hàng, tại sao tình trạng thua lỗ của VNCB không được đưa công khai cho khách hàng biết, tại sao Phạm Công Danh có hàng loạt sai phạm trong thời gian dài? Tôi không thấy có ai phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường.

Chúng tôi đã không được trình bày chi tiết khi trả lời, luật sư của chúng tôi không được xét hỏi đến cùng. Với kết quả xét xử sơ thẩm, với kiến nghị của VKS với chúng tôi, chúng tôi thấy rằng về bản chất là xét xử chúng tôi, những nạn nhân của vụ án.

Bị cáo Phạm Công Danh.
Bị cáo Phạm Công Danh.

Tại phiên tòa trước đó, VKS cho rằng việc Phạm Công Danh cố ý làm trái gây thất thoát của VNCB 5.490 tỉ đồng có sự giúp sức của Phạm Thị Trang, ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích. Công tố viên phân tích, số tiền 5.190 tỉ đồng là việc rút tiền bằng các hành vi vay giả tạo, gây thiệt hại cho VNCB. Hành vi này, Phạm Công Danh cũng được xác định là đúng vai trò chỉ đạo. Liên quan đến hành vi có các khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh và một số khách hàng.

VKS đề nghị bác kháng cáo của nhóm ông Thanh và bà Bích liên quan đến việc không tịch thu số tiền 5.190 tỉ, trả lại sổ tiết kiệm, giải tỏa tài sản kê biên... Và chấp nhận một phần kháng cáo của Danh sửa án trong việc thu hồi đối với khoản gốc lãi liên quan. VKS cũng đề nghị HĐXX kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích, Võ Thị Như Thảo và Trần Trọng Nghĩa (2 nhân viên của VNCB) với vai trò đồng phạm, tiếp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 5.190 tỉ đồng.

Trung Kiên - Xuân Duy