1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đà Nẵng cảnh báo shipper "rởm" nhận tiền đi chợ hộ rồi… mất hút

Công Bính

(Dân trí) - Lợi dụng nhu cầu mua thực phẩm của người dân trong lúc "ai ở đâu ở yên đó", nhiều đối tượng shipper "rởm" dùng sim số điện thoại rác giao dịch nhận tiền của khách hàng rồi… mất hút.

Ngày 28/8, thông tin từ Công an TP Đà Nẵng cho hay, đơn vị đã tiếp nhận phản ánh của người dân về việc xuất hiện tình trạng giả shipper "rởm" lừa đảo nhận đơn đặt mua thực phẩm của người dân qua điện thoại.

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định 2 trường hợp mạo danh shipper lừa đảo trên mạng xã hội; trong đó một đối tượng ở Ninh Bình. Công an thành phố đã trao đổi với công an địa phương nơi đối tượng cư trú để đấu tranh, xử lý.

Đà Nẵng cảnh báo shipper rởm nhận tiền đi chợ hộ rồi… mất hút - 1

Sau khi liên lạc, xin số điện thoại để liên lạc, shipper "rởm" yêu cầu khách đặt hàng qua mạng chuyển khoản thanh toán trước rồi ... tắt điện thoại, và biến mất trên mạng xã hội.

Ngoài tình trạng shipper "rởm" lừa đảo còn có dấu hiệu một số cửa hàng cung ứng thực phẩm "ảo" trên mạng xã hội. Những cửa hàng "ảo" này rao bán nhiều mặt hàng thiết yếu. Khi người dân chốt đơn, chuyển khoản thì "cửa hàng" này biến mất, điện thoại cung cấp trên trang mạng xã hội của cửa hàng không liên lạc được.

Công an TP Đà Nẵng cảnh báo người dân cần cảnh giác, chỉ đăng ký mua hàng qua các đơn vị cung ứng, shipper chỉ là người vận chuyển chứ không được nhận đơn hàng… Người dân không nên mua bán hàng hóa với các số điện thoại chưa xác thực, không rõ lai lịch trên các trang mạng xã hội.

Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã có văn bản cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua việc mua, bán hàng online, shipper "rởm".

Theo đó, Sở Công thương TP đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp thông tin, tuyên truyền đến người dân chỉ đặt hàng qua các kênh liên lạc qua điện thoại hoặc mạng xã hội của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, qua shipper công nghệ; không mua bán hàng hóa thông qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc.

Đồng thời, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố quản lý chặt chẽ và yêu cầu đội ngũ nhân viên giao nhận hàng hóa của đơn vị mình phải bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật và quy định phòng, chống Covid-19.

Hiện tại, TP Đà Nẵng cho phép khoảng 900 shipper trên địa bàn hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu đặt mua lương thực, thực phẩm của người dân trong thời gian thực hiện "ai ở đâu ở yên đó".