Cựu công an lập hồ sơ dự án giả, chiếm đoạt tiền tỷ

(Dân trí) - Phan Anh Cường đã đưa ra thông tin gian dối về việc điều chỉnh số lượng căn hộ để chiếm đoạt tiền của nhiều người mua nhà.

TAND TP Hà Nội vừa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên phạt Phan Anh Cường (SN 1970, trú tại Ba Đình, Hà Nội) 8 năm tù về tội danh trên.

Cựu công an lập hồ sơ dự án giả, chiếm đoạt tiền tỷ - 1

Bị cáo Phan Anh Cường.

Diễn biến phiên tòa cho thấy, ngày 5/3/2005, Dự án Nhà ở cán bộ, chiến sĩ công an (thuộc một đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an) được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho triển khai trên diện tích 10.000 m2, tại thôn Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Năm 2006, Phan Anh Cường (cán bộ công an) được giao nhiệm vụ làm Phó ban Quản lý dự án. Đồng thời, Công ty CP Quốc tế (doanh nghiệp do Cường làm Phó giám đốc, đơn vị kinh tế nghiệp vụ) cũng được chọn làm chủ đầu tư dự án.

UBND TP Hà Nội phê duyệt 7.819 m2 đất để xây dựng 68 căn hộ thấp tầng trên ô đất ký hiệu TT và 2.323 m2 đất xây dựng khu nhà ở 25 tầng, thuộc ô đất ký hiệu CT1.

Tháng 5/2011, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu đất xây dựng công trình TT từ 68 căn hộ lên thành 91 căn hộ thấp tầng.

Tháng 7/2011, UBND TP Hà Nội tiếp tục chấp thuận việc thay đổi chủ đầu tư từ Công ty CP Quốc tế sang Công ty CP Quốc tế CT Việt Nam (Công ty CT Việt Nam), doanh nghiệp tư nhân thành lập năm 2008 do Phan Anh Cường làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.

Thời điểm Công ty CT Việt Nam được làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho cán bộ, chiến công an, doanh nghiệp này chỉ có 15 tỷ đồng vốn điều lệ, không đủ năng lực tài chính với tư cách chủ đầu tư dự án, theo quy định của pháp luật.

Mặc dù nhận thức rõ Công ty CT Việt Nam không liên quan gì đến lực lượng công an, song quá trình tham gia dự án, Cường luôn dùng biểu mẫu công văn, giấy tờ thể hiện doanh nghiệp tư nhân này là đơn vị nghiệp vụ của cơ quan công an khi gửi đề nghị tới các sở, ban ngành của thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, mặc dù khu nhà ở thấp tầng chỉ được phê duyệt 91 căn hộ với đối tượng thụ hưởng phải là cán bộ, chiến sĩ công an và Công ty CT Việt Nam không đủ năng lực tài chính nhưng để lừa dối khách hàng, Cường đã đưa ra nhiều thông tin gian dối đối với những người có nhu cầu mua nhà ở (không phải là cán bộ, chiến sĩ công an).

Cường loan tin rằng Công ty CT Việt Nam là chủ đầu tư dự án, đã có chủ trương mở rộng số lượng căn hộ và UBND TP Hà Nội đã phê duyệt; doanh nghiệp tư nhân do Cường thành lập đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh, mở rộng nâng số lượng từ 91 căn hộ lên thành 179 căn...

Để những người có nhu cầu mua nhà (không phải là cán bộ, chiến sĩ công an) tin tưởng hơn, Cường còn thuê một doanh nghiệp tư vấn thiết kế (thuộc Bộ Quốc phòng) lập bản vẽ tổng thể mặt bằng quy hoạch dự án 1/500, tương ứng với 179 căn hộ thấp tầng.

Bằng thủ đoạn lập lờ, gian dối trên, từ năm 2010 đến 2013, Phan Anh Cường đã thu tiền đăng ký mua nhà của 40 người (không phải là cán bộ, chiến sĩ công an) với tổng số lên đến hơn 22,7 tỷ đồng. Khi bị những người mua nhà yêu cầu ký hợp đồng, Cường đối phó bằng cánh thuê một công ty tư vấn thiết kế lập bản vẽ thiết kế chi tiết và ngày 26/11/2015 đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phê duyệt dự án từ 91 căn hộ thành 131 căn nhưng không được chấp thuận.

Đối với những người nộp tiền mua nhà cho Cường, khi biết mình không thuộc diện được mua căn hộ tại dự án nhà ở dành cho cán bộ, chiến sĩ công an đã liên tục đòi lại tiền. Quá trình giải quyết vụ án, chỉ có 8 người tố cáo, 32 người không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc không đề nghị xem xét hành vi của Cường.

Đến thời điểm vụ án được khởi tố, điều tra hồi tháng 8/2017, còn 4 người bị Phan Anh Cường chiếm đoạt tổng cộng gần 1,4 tỷ đồng. Trước khi phiên tòa diễn ra, Phan Anh Cường cũng đã tác động gia đình khắc phục hết hậu quả.

Tiến Nguyên