1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Chủ tịch HĐQT cùng “bộ sậu” hầu tòa

Bị một số khoản nợ hối thúc và hòng có thêm vốn làm ăn, Lê Văn Dũng lệnh cho thuộc cấp “phù phép” giấy tờ, tài liệu để “qua mặt” ngân hàng. Với hành vi này, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông và “bộ sậu” đã tự đưa mình vào tù.

Sáng qua (5-8), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với Lê Văn Dũng (SN 1972) – nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông (gọi tắt là Công ty DVD) về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”.

Cùng tội danh và được xếp vào vị trí thứ hai là Cao Hồng Vân (SN 1972) - Phó Tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty DVD. Tiếp đến là Đào Xuân Hưởng (SN 1972) - thành viên HĐQT Công ty DVD, Tổng giám đốc Công ty CP Liên doanh LiLi of France; Hoa Triệu Long (SN 1976), Hoàng Thị Nhung (SN 1982), Lương Thị Thùy (SN 1981), Nguyễn Thị Chinh (SN 1974), đều là nhân viên của hai doanh nghiệp do Dũng và Hưởng đứng đầu.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Viễn Dương cùng “bộ sậu” tại phiên tòa
Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Viễn Dương cùng “bộ sậu” tại phiên tòa

Vòng quanh “qua mặt” ngân hàng

Đầu năm 2010, Cao Hồng Vân báo cáo Lê Văn Dũng về việc công ty đang cần 100 tỷ đồng để giải quyết một số khoản nợ đáo hạn tại Ngân hàng AB. Ngay lập tức, Lê Văn Dũng chỉ đạo Vân dùng số cổ phiếu của ông ta và của Đào Xuân Hưởng đang lưu ký tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt – Sài Gòn để thế chấp vay tiền, sau đó gạt ngang sang khoản nợ cũ tại Ngân hàng AB.

Cụ thể, ngày 12-3-2010, Ngân hàng AB đồng ý cho Đào Xuân Hưởng vay tối đa 21 tỷ đồng với lý do để góp vốn vào Công ty DVD, tài sản bảo đảm là số cổ phiếu doanh nghiệp này sở hữu. Cùng ngày, Ngân hàng AB cũng đã cho Lê Văn Dũng vay tối đa 30 tỷ đồng, phương thức và lý do vay như đối với Tổng giám đốc Công ty LiLi of France. Ít hôm sau, tại phần phụ lục, Ngân hàng AB và Đào Xuân Hưởng thay đổi hạn mức tín dụng lên 27 tỷ đồng.

Đối với cả hai hợp đồng tín dụng này, Cao Hồng Vân được giao trọng trách làm hồ sơ pháp lý. Trong mớ thủ tục ấy, các văn bản quan trọng nhất là phải được HĐQT Công ty DVD đồng ý cho Hưởng và Dũng góp vốn vào doanh nghiệp. Tiếp đến là hợp đồng góp vốn giữa các bên và tài khoản cá nhân của người vay tiền mở tại ngân hàng.

Nắm được thủ tục, Vân đã tự ý điền các thông tin cá nhân của Hưởng, rồi giả chữ ký của đối tượng này ở mục chủ tài khoản. Đối với biên bản họp HĐQT của Công ty DVD, dù không hề có bất kỳ cuộc họp nào về việc thu nhận thêm cổ đông và tăng vốn góp, song Vân vẫn “vẽ” ra văn bản với nội dung tương ứng.

Cùng với đó, Vân không ngần ngại “chế” thêm các hợp đồng, cùng phụ lục thể hiện Hưởng và Dũng góp 110 tỷ đồng vào Công ty DVD. Trong hành vi phạm tội này, Lê Văn Dũng trực tiếp ký tên vào hợp đồng góp vốn giả mạo, còn Cao Hồng Vân đã thay Hưởng ký vào các tài liệu, văn bản lập khống. Đối với phần ghi nhận sự góp vốn của đại diện Công ty DVD, Vân cũng “tiện tay” ký xác nhận luôn. Và rồi Ngân hàng AB đã giải ngân cho Dũng và Hưởng tổng cộng 61 tỷ đồng, hiện rất khó thu hồi.  

Tiếp tục cho Ngân hàng T “ăn… quả đắng”

Ở diễn biến khác, giữa năm 2010, bộ ba Vân, Dũng và Hưởng tiếp tục cho Ngân hàng T “ăn… quả đắng”. Sẵn có quan hệ rất tốt với một số cán bộ ngân hàng này nên Dũng đề nghị Ngân hàng T cho Công ty CP Liên doanh LiLi of France (gọi tắt là LOF – công ty con của Công ty DVD) vay 20 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi thẩm định năng lực tài chính, ngày 31-8-2010, Ngân hàng T đã chấp thuận cho Công ty LOF vay tới 100 tỷ đồng.

Để được giải ngân, Dũng và Hưởng chỉ đạo Vân lập khống hàng loạt hợp đồng kinh tế giá trị lớn. Thực hiện ý đồ của “sếp”, Vân lập tức truyền đạt lại cho Lương Thị Thùy, Hoàng Thị Nhung và với sự giúp sức của Nguyễn Thị Chinh, Hoa Triệu Long, các hợp đồng kinh tế cùng chứng từ kèm theo giữa Công ty LOF với nhiều đối tác đã nhanh chóng được hoàn thành. Trên thực tế trong khoản “vay khủng”, Ngân hàng T đã giải ngân cho Công ty LOF hơn 83,5 tỷ đồng. Lẽ dĩ nhiên, khoản vay nợ này cũng “bặt vô âm tín”.

Quá trình bị thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đã phải thừa nhận lại hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu, con dấu và thủ đoạn “qua mặt” ngân hàng như trên. Vậy nhưng HĐXX nhận thấy trong vụ án này còn có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Do đó, sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để làm rõ có hay không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông cùng những đối tượng liên quan.

Theo Trịnh Tuyến
An ninh thủ đô