1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Quảng Nam:

Cương quyết dẹp nạn “cát tặc” trên địa bàn

(Dân trí) - Thời gian vừa qua, nạn “cát tặc” ngày đêm hoành hành làm cho các con sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng và ăn sâu vào bờ cuốn đất nông nghiệp ra sông. Để ngăn “cát tặc”, nhiều người dân bị bọn chúng đánh đến trọng thương.

Để chấn chỉnh lại nạn “cát tặc” hoành hành trên các sông trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND và Công văn số 2037/UBND-KTN yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát lòng sông Tam Kỳ trên địa bàn giáp ranh giữa TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng xử phạt nặng và thu giữ các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Cương quyết dẹp nạn “cát tặc” trên địa bàn - 1
Dù lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng song “cát tặc” vẫn hoạt động ngày đêm trên sông Bàn Thạch

Chỉ thị và Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu rất rõ, nhưng thời gian gần đây nạn “cát tặc” vẫn hoành hành nhiều hơn, quyết định xử phạt cũng không ăn thua. Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày đầu tháng 8, tại Sông Bàn Thạch, thuộc nhánh sông Trường Giang chảy qua nhiều địa phương của TP Tam Kỳ giáp với xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành). Hiện tại, các bờ ruộng ở khu vực xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) nhiều đoạn đã bị sạt lở nặng.

Ông Nguyễn Hùng (63 tuổi, trú xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) bức xúc cho biết: Con sông không còn như trước nữa, ngày trước làm ruộng chúng tôi đủ ăn quanh năm nhưng gần ba năm nay gia đình tôi bỏ ruộng vì đất đai bị sông “nuốt” hết rồi.

Theo ông Hùng, đó là do nạn “cát tặc” hoành hành. Nhiều lần người dân ở đây gởi đơn lên chính quyền địa phương nhưng lúc cán bộ đi tuần tra thì bọn chúng lặn đâu mất, lúc các cán bộ về thì lại thấy hàng chục chiếc ghe, thuyền lớn nhỏ đổ về cứ vô tư thả vòi xuống lòng sông hút cát. Giữ mãi không được nên người dân ở đây đành buôn tay.

Đã nhiều lần chính quyền lập biên bản xử lý, bắt các chủ bãi phải ký bản cam kết không tiếp tục khai thác. Nhưng sau khi cơ quan chức năng rút lui thì các bến cát này vẫn hoạt động tốt.
Cương quyết dẹp nạn “cát tặc” trên địa bàn - 2

Bờ sông bị sạt lở nặng do “cát tặc” gây ra

Còn nhớ, vào chiều ngày 16/3/2011, hàng chục người dân thôn Phú Tân (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã cầm dao, rựa, gậy gộc bơi thuyền ra ngăn không cho hai chiếc ghe của “cát tặc” hút trộm cát.

Ban đầu, bọn “cát tặc” dùng dụng cụ trên ghe chống cự lại. Tuy nhiên, trước sự bảo vệ đất đai quyết liệt của người dân, bọn chúng đã đầu hàng vô điều kiện.

Mới đây nhất, khoảng 14 giờ ngày 14/7, hàng chục chiếc ghe cào hến loại nhỏ của những người dân thôn Tân Phú (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) đang hành nghề cào hến trên lưu vực sông Bàn Thạch phát hiện một chiếc xà làn đang tổ chức hút cát trái phép dưới lòng sông. Thấy vậy hàng chục hộ dân đã đề nghị bọn “cát tặc” dừng khai thác vì ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân quanh đây.

Tuy nhiên, những lời khuyên của người dân ở đây bị “cát tặc” bỏ qua tai, chúng không những không nghe lời mà còn hành hung lại người dân khiến 2 người dân bị thương, 1 người phải nhập viện với vết thương ở đầu phải khâu 7 mũi.

Tuy thời gian qua dù UBND TP Tam Kỳ đã nhiều lần phối hợp với CSGT đường thủy tuyên truyền rộng khắp trong nhân dân, đồng thời ngành chức năng của TP Tam Kỳ đã đặt biển cấm tại các khu vực xung yếu để ngăn chặn việc khai thác cát sạn trái phép nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường... thế nhưng vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề này.
Cương quyết dẹp nạn “cát tặc” trên địa bàn - 3

Người dân xã Tam Phú (Tam Kỳ) vậy quanh một số xà lan khai thác trái phép của bọn cát tặc vào ngày 14/7 vừa qua

Trong tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cũng đã có chuyến kiểm tra thực tế trên tuyến sông Thu Bồn thuộc địa bàn huyện Điện Bàn về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép.

Sau khi kiểm tra thực tế, lãnh đạo tỉnh yêu cầu địa phương tích cực kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép; chính quyền huyện, xã phải có trách nhiệm thông báo cho các chủ phương tiện đăng ký lại biển số để thuận tiện trong việc kiểm tra, kiểm soát sau này; kiên quyết không cho phép khai thác cát vào ban đêm.

Lãnh đạo huyện Điện Bàn cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức nhiều đợt truy quét để giải quyết tình trạng phức tạp do khai thác cát trái phép gây ra trên sông Thu Bồn. Qua đó, xử lý 102 trường hợp vị phạm, phạt hành chính hơn 300 triệu đồng.

 Công Bính