Đường dây thi thuê đại học:

Cười ra nước mắt tại tòa án

(Dân trí) - Bị cáo dõng dạc khai nhận tội, tỉ mỉ hơn cả những hành vi bị cáo buộc. Vụ án về đường dây thi thuê đại học được “chêm” thêm những tình tiết đến phì cười. Nhưng hầu hết những nạn nhân đã mất nhiều khoản tiền lớn cho ước mơ đại học chỉ thấy méo mặt đau khổ.

Nguyễn Hồng Hải (40 tuổi, quê Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, không có nghề nghiệp) bị truy tố với vai trò chủ mưu trong vụ án thi đại học thuê bị phát hiện tại trường ĐH Bách Khoa mùa tuyển sinh 2006 vừa qua.

 

Đầu năm 2006, Hải thuê nhà ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hải đã trực tiếp đứng ra trung gian giới thiệu và nhận lo cho khoảng 30 người thi đỗ vào các trường đại học với giá từ 20 - 50 triệu đồng/người. Hải thành lập một đường dây, thuê một số “gia sư” dạy các học sinh dưới hình thức hướng dẫn cho họ cách đọc đề, nghe, chép đáp án mà không cần nhìn vào tài liệu.

 

Bị cáo thỏa thuận với 3 “thí sinh” Nguyễn Trung Hiếu, Ngô Văn Trung và Vi Văn Hưng đăng ký thi 2 khối A, B, trang bị điện thoại di động để đọc đề thi ra ngoài. Qua các mối quan hệ, Hải nhờ một số sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội II vời thêm 32 sinh viên khác có học lực khá làm nhiệm vụ giải đề thi và đọc lời giải với giá 3.250.000đ/người.

 

Trước ngày thi, 4/7/2006, Hải giao máy điện thoại di động cho Nguyễn Đức Hiếu, Nguyễn Văn Sơn (cháu ruột Hải) và Văn (sinh viên ĐH Bách khoa). Nhiệm vụ của Hiếu và Văn là lắp máy điện thoại cho số thí sinh để họ mang vào phòng thi nghe, chép lời giải.

“Ông trùm” đường dây đứng khá hiên ngang trước vành móng ngựa, giữa đám 7 anh em tay chân. Bị cáo khai rất rành mạch, hùng hồn về “công phu” xây dựng đường dây thi thuê của mình.

 

Chủ toạ hỏi: “Làm sao “khách hàng” biết tới dịch vụ “thi thuê” mà tìm tới?”. Hải lập tức giải đáp tận tình: “Phát tờ rơi ở cổng các trường đại học. Bị cáo đã nhờ những người thân quen đi phát những tờ quảng cáo “nhận dạy thi đại học, đảm bảo đỗ”.

 

Nói về hệ thống công nghệ hỗ trợ thí sinh, Hải cũng nhanh nhẹn giới thiệu “sản phẩm”, từ điện thoại, tai nghe, tóc giả cho tới áo tối màu có túi ngầm ở nách để giấu điện thoại. Bị cáo tranh thủ “tiếp thị”: “Ai có nhu cầu bị cáo sẵn sàng cung cấp ngay, bất cứ món gì”. Hai vị hội thẩm nhân dân tủm tỉm cười trước vẻ mặt tỉnh queo, đầy nhiệt huyết của bị cáo.

 

Buổi thi sáng 4/7, bằng cách này, nhiều thí sinh đã vượt qua môn thi Toán. Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày thì sự việc bại lộ do thí sinh Vũ Đức Việt bị bắt quả tang. Đường dây lộ tẩy, “đại ca” Hải bị bắt với tang vật là 51 điện thoại di động các loại, 77 sim điện thoại, 9 áo sơ mi tối màu có túi ở nách để giấu điện thoại di động, nhiều bộ tóc giả…

 

Dưới phòng xử án, những lời khai tỉ mỉ, thật như bịa của Hải không làm được cho những gương mặt gần như mếu giãn ra chút nào. Phần nhiều là những cô gái trẻ, đều có vẻ quê mộc, nước da bánh mật, áo sơ mi trắng và dép lê uể oải trên hàng ghế dự khán.

 

Họ chính là những “khách hàng” của dịch vụ thi thuê của Hải. Mang theo ước mơ đại học không chỉ riêng mình mà của cả gia đình, dòng họ, mỗi người nhắm mắt cắn răng giao hàng chục triệu đồng vay mượn của bố mẹ đặt cọc cho bị cáo để tham gia lớp “luyện thi” đảm bảo đỗ. Và nhiều trường hợp họ đã đỗ thật.

 

Nhưng giấc mộng tưởng đã thành hiện thực đã vỡ tan khi đường dây của Hải bị phanh phui, bài thi bị huỷ. Tiền mất, tật mang, dù có là nguyên nhân hay nạn nhân cũng chẳng còn hi vọng lấy lại những gì đã mất từ “nhân vật chính”, đang phải đứng trước vành móng ngựa.

 

Phương Thảo