1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cuộc truy bắt kẻ trốn nã đặc biệt có hình xăm cá chép đầu rồng

Tuy còn trẻ tuổi nhưng trên đường trốn nã, đối tượng lì lợm, liều lĩnh có biệt danh “máy chém” này vẫn tiếp tục gây án. Hành trình tầm nã Trần Văn Nhị hết sức đặc biệt và hình xăm là biểu tượng “số má” trong giới giang hồ mà y đã khắc lên người đã khiến kẻ giang hồ này sa lưới.

Đối tượng Trần Văn Nhị
Đối tượng Trần Văn Nhị

KẺ GIANG HỒ CÓ BIỆT DANH “MÁY CHÉM”

Trần Văn Nhị (SN 1988, ở xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bước chân vào “thế giới giang hồ” từ rất sớm ở ngưỡng tuổi mà ăn chưa no, lo chưa tới và cần sự bao bọc của gia đình. Thế nên dù mới ở độ tuổi thanh niên nhưng “bảng danh sách” tiền án, tiền sự của Trần Văn Nhị đã dài dằng dặc. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con, từ nhỏ Trần Văn Nhị đã tỏ ra ngỗ ngược, gặp ai cũng đòi gây sự đánh đấm.

Bắt đầu từ năm 10 tuổi, Nhị đã bỏ học, bỏ nhà lang thang khắp nơi để trộm cắp tài sản bán lấy tiền sinh sống. Với tâm lý biết mình còn nhỏ nên chưa bị xử lý theo pháp luật hình sự nên dù gia đình, chính quyền địa phương nhiều lần khuyên răn, dạy dỗ nhưng Nhị không những chứng nào tật nấy mà càng tỏ ra hung tợn, côn đồ hơn. 15 tuổi Trần Văn Nhị đã không biết sợ ai, tay lúc nào cũng lăm lăm mã tấu gây thương tích cho một số người. Biệt danh Nhị “máy chém” xuất hiện từ đó cùng với việc ghi mốc đầu tiên trong bước đường tội lỗi của mình khi bị Công an huyện Điện Bàn xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản năm 2003.

Đối tượng Trần Văn Nhị với hình xăm đầu rồng trên lưng
Đối tượng Trần Văn Nhị với hình xăm đầu rồng trên lưng

Với thói ngông cuồng, coi thường pháp luật của mình, Trần Văn Nhị bị bắt đi cải tạo ở trường giáo dưỡng 4 năm. Trở về địa phương, Nhị được giới “anh chị” mà y đã từng giao du trong quãng thời gian dài trước đó chào đón trong sự kiêng nể, còn đám ngông nghênh trẻ tuổi thì ca tụng hết lời. Ngay khi trở về, Trần Văn Nhị đã nhanh chóng quy tụ đàn em hình thành băng nhóm tội phạm chuyên dằn mặt đòi nợ thuê, cướp bóc. Để “lấy số” cho bản thân và thị uy sức mạnh, Nhị “máy chém” còn trang bị cả vũ khí nóng và sẵn sàng đâm chém nếu có mâu thuẫn hoặc ai gây sự với mình. Với tham vọng trở thành “đại ca”, Trần Văn Nhị đi xăm trổ nhiều hình thù quái dị lên người, sau lưng có xăm hình một con cá chép đầu rồng và tự phong mình là “Thập nhất A ca”.

HÀNH TRÌNH NỐI DÀI TỘI ÁC

Ngay sau khi rời khỏi cổng trường giáo dưỡng không lâu, Trần Văn Nhị bị Công an huyện Điện Bàn khởi tố về tội trộm cắp tài sản và bị Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn tuyên phạt 24 tháng tù giam. Tháng 1-2008, thi hành xong án phạt tù, Trần Văn Nhị trở về địa phương và từ đây với vài trò cầm đầu, Nhị đã cùng đồng bọn gây ra hàng loạt vụ án đâm chém người gây hoang mang trong dư luận.

Đó là vào ngày 15-4-2008, khi đang ngồi uống rượu Nhị được đồng bọn là Thân Hoàng Đăng Trung (SN 1998) và Lê Tiến Sỹ (SN 1984) kể có chuyện xích mích với thanh niên xã Điện Dương, Nhị đã nổi thói côn đồ cầm mã tấu đến đâm chém số thanh niên kia. Trong lúc cơ quan công an đang xử lý vụ việc thì ngày 26-4-2008, Nhị cùng đồng bọn tiếp tục đi uống rượu tại ngã tư Thương Tín là khu vực giáp ranh giữa huyện Điện Bàn và TP Hội An. Thấy Nhị và đồng bọn mang theo đao kiếm vào quán, anh Thái Bá Thanh Vương (SN 1987), ở phường Thanh Hà, TP Hội An cùng bạn bè đang ngồi nhậu liền đứng lên đi về.

Cho rằng nhóm anh Vương khinh mình nên Nhị đã gọi đàn em chở mình đuổi theo và dùng mã tấu chém liên tiếp vào người anh Vương. Sau khi gây án Nhị nhanh chóng bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 19-5-2008, Công an huyện Điện Bàn ra quyết định truy nã đối với Trần Văn Nhị. Bất chấp việc đang bị cơ quan công an ra lệnh truy nã, đêm ngày 20-5-2008, Trần Văn Nhị đã mò về địa phương chém trọng thương anh Huỳnh Ngọc Quang (SN 1988), ở thôn 8B, xã Điện Nam Trung vì những mâu thuẫn trước đó. Khi anh Kiều Đình Thanh (SN 1987) chở anh Quang đi cấp cứu thì Nhị lại tiếp tục truy sát chém cả anh Thanh.

Trước sự manh động, liều lĩnh của đối tượng, Công an huyện Điện Bàn đã phối hợp với công an các địa phương tung các trinh sát tinh nhuệ nhất truy bắt đối tượng. Đến chiều ngày 21-5-2008, Trần Văn Nhị đã bị bắt. Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn kết án Trần Văn Nhị 5 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Đầu năm 2013, Trần Văn Nhị ra tù trở về địa phương, lần này y càng tỏ ra côn đồ, lì lợm hơn trước với rắp tâm tiếp tục con đường tội lỗi. Thời điểm này, để tăng thêm “sức mạnh” Trần Văn Nhị liên kết với một giang hồ có tiếng ở xã Điện Ngọc là Huỳnh Luận (SN 1987) để “làm ăn”.

Bằng mọi thủ đoạn, Nhị và Luận đi đòi nợ thuê và thu tiền bảo kê bất chính của hàng loạt các nhà hàng, khách sạn, quán bar từ lớn đến bé trên địa bàn. Có tiền, thu nạp thêm nhiều đàn em, Nhị tổ chức đánh bạc, tụ tập rượu chè, cướp, trấn lột tài sản; hễ ai làm y trái ý là đánh nhau, chém người gây rối trật tự công cộng. Trong khi cơ quan công an đang thu thập chứng cứ để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Trần Văn Nhị thì y lại tiếp tục gây ra vụ chém người.

Đêm ngày 27-7-2013, khi tổ tuần tra lực lượng Cảnh sát 113, Công an TP Hội An yêu cầu dừng xe kiểm tra một đôi nam nữa điều khiển xe môtô không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh vượt ẩu, đối tượng vi phạm Luật Giao thông đã gọi điện “cầu cứu” Trần Văn Nhị. Chỉ vài phút sau, Nhị dẫn theo khoảng 20 đàn em đến “bao vây” và có những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Tại đây, Nhị đã rút mã tấu và lao đến chém khiến một cán bộ công an bị vỡ xương cùi chỏ tay phải, đa chấn thương vùng ngực, mặt và tay chân. Sau khi gấy án, được đàn em manh động “che chắn”, Nhị nhanh chóng bỏ trốn khỏi địa phương.

TRUY BẮT VÀ CUỘC DẪN GIẢI ĐẶC BIỆT

Chuyên án 0813N để truy bắt Trần Văn Nhị đã được Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Nam xác lập với quyết tâm phải tổ chức vây bắt bằng được đối tượng trong thời gian sớm nhất. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác định các mối quan hệ nhân thân của đối tượng, các trinh sát bước đầu đã định vị được nơi Nhị “máy chém” ẩn náu. Tuy trẻ tuổi nhưng “kinh nghiệm” của Trần Văn Nhị có thừa khi thể hiện sự ranh mãnh và “cáo già” của mình để đối phó với cơ quan điều tra.

Là đối tượng giang hồ có “số”, cộng thêm mối quan hệ rộng nên Nhị có không ít đàn em thân tín ở khắp nơi và sẵn sàng “che chở” cho “đại ca” lúc hoạn nạn. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các trinh sát khi lần theo dấu vết Nhị. Để che giấu thân phận, Nhị lấy tên là Nguyễn Thanh Phong và tuyệt nhiên không giao tiếp với người lạ, lẩn sâu vào sống trong các vùng núi rừng. Để mưu sinh, Nhị xin đi làm cai vàng cho các chủ bãi vàng, rồi hành nghề bảo kê cho lâm tặc, thoắt ẩn thoắt hiện lúc Kon Tum, lúc Phước Sơn, lúc Đà Nẵng, lúc Nghệ An, lúc Quảng Nam, Bình Dương, TP.HCM… Nhị luôn mang theo người dao và mã tấu để nếu có “biến” thì sẵn sàng chém bất cứ ai. Không lâu sau đó Nhị đã tạo được vị thế độc tôn trong giới bảo kê cho lâm tặc.

Về phía cơ quan điều tra, sau nhiều tháng ròng lần theo từng thông tin để truy tìm dấu vết Trần Văn Nhị, các trinh sát đã phát hiện y đang lẩn trốn tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Cùng lúc một tổ công tác tức tốc vào Kon Tum tiếp tục truy tìm manh mối Trần Văn Nhị thì Ban chuyên án nhận được thông tin Nhị cùng đàn em bất ngờ đụng độ với băng nhóm bảo kê khác và bị bắn trọng thương và đang được cấp cứu tại một bệnh viện huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Với bản chất gian manh, xảo quyệt và không quên mình đang bị truy nã nên Nhị đã không chữa trị tại tỉnh Kon Tum mà di chuyển đến tỉnh Gia Lai để điều trị.

Cẩn trọng hơn, Nhị không vào bệnh viện đa khoa của địa phương mà lại vào Bệnh viện Quân y 211 với tên giả Nguyễn Thanh Phong. Với một khuôn mặt bị vết thương làm biến dạng được băng bó kín mít nên Nhị đinh ninh rằng cơ quan công an có vào đến bệnh viện cũng chẳng thể nhận ra được mình. Thế nhưng mọi tính toán của Trần Văn Nhị đã không tránh khỏi tầm theo dõi của các trinh sát. Khi tiếp cận bệnh viện, kiểm tra hồ sơ bệnh án thì thấy đối tượng mang tên Nguyễn Thanh Phong, không thể nhận dạng qua ảnh vì khuôn mặt bị băng bó gần như hoàn toàn, các trinh sát đã “ngụy trang” thành các bác sỹ đến thăm khám cho đối tượng để tiếp cận và khéo léo kiểm tra thân thể của y.

Khi nhìn thấy hình xăm rất đặc trưng trên lưng bệnh nhân này, các trinh sát xác định đây chính là “Thập nhất A ca”, “máy chém” Trần Văn Nhị. Quá trình di lý Trần Văn Nhị từ Gia Lai về Quảng Nam để chuẩn bị trả giá cho những hành vi tội ác mà y đã gây ra đã được các trinh sát bí mật tuyệt đối để đảm bảo sự an toàn, không chọn con đường quen thuộc để đi mà chọn đường vòng, quanh co, đồi núi xa hơn để đưa đối tượng về; sử dụng xe cấp cứu chuyên dụng với bác sỹ cùng đi vì đối tượng đang trong quá trình điều trị vết thương cùng với xe của cơ quan điều tra hộ tống đằng sau.

Theo Quân Trần

An ninh thủ đô