Cuộc hội ngộ chân tình
Trụ sở CATP Hà Nội sáng qua 7-10, nhộn nhịp hơn ngày thường. Từ rất sớm, các chiến sĩ Công an Hà Nội đã đứng dọc hai bên đường dẫn từ cổng vào đến hội trường nhà A để đón tiếp những vị khách mời đặc biệt.
Đó là những văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu của Thủ đô, những người được xem là “bậc hiền tài” của nước nhà.
Các văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu của Thủ đô chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Công an Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tuấn
Không gian đầm ấm, thân tình
Phía ngoài hành lang dẫn vào hội trường chính, nơi diễn ra buổi gặp mặt của lực lượng Công an Thủ đô với giới văn nghệ, trí thức tiêu biểu của Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc CATP Hà Nội ra tận cửa để đón tiếp và bắt tay từng vị khách mời. Không khí gần gũi và ấm cúng giống như cuộc hội ngộ của những người bạn chân tình, tri kỷ lâu năm.
Có lẽ cũng bởi sự gần gũi đó mà Đại tá Đào Lê Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô cùng Đại tá Đinh Hữu Tân - Trưởng phòng Bảo vệ An ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng được giao một nhiệm vụ vô cùng thú vị, đó là làm MC giới thiệu khách mời trong cuộc gặp.
Nhưng cũng nhờ có nhiệm vụ thú vị này mà nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã ồ lên thích thú vì thấy hóa ra công an cũng là những người rất vui tính và có khiếu văn nghệ khi nghe những màn giới thiệu vừa bình dị vừa hóm hỉnh: “Nhạc sĩ Hồng Đăng đây rồi, gặp anh đúng mùa hoa sữa”, hay “đây là nhạc sĩ Phú Quang - chương trình nào vé cũng rất khó mua”, “còn đây là nhà thơ Trần Ninh Hồ, vì quê mẹ ở Mận Ninh, quê bố ở làng sen Hồ nên ông lấy bút danh Ninh Hồ chứ tôi biết tên thật của nhà thơ là Trần Hữu Hỷ cơ”, rồi “nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ơi, có nhiều người nói tôi giống cụ Đỗ Nhuận, ông nghĩ sao ạ”…
Cũng trong cuộc gặp còn có rất nhiều bậc cao niên của làng văn nghệ, trí thức nước nhà như: Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TP Hà Nội, nhà báo Hữu Thọ, NSND đạo diễn Đặng Nhật Minh… và cả những văn nghệ sĩ trong lực lượng Công an như: nhà văn, Trung tướng Hữu Ước - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL, nhà thơ, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Văn hóa - Bộ Công an…
Trong không khí đầm ấm, chân tình, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội cảm ơn tình cảm chân thành và những đóng góp quý báu mà giới văn nghệ sĩ, trí thức của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã dành cho lực lượng Công an Hà Nội trong nhiều năm qua.
Cũng chính từ tấm lòng và sự tâm huyết đó đã có rất nhiều tác phẩm sáng tác về hình tượng người chiến sĩ Công an Thủ đô ra đời. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với giới văn nghệ sĩ và trí thức Thủ đô mà mỗi cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội có điều kiện nhìn nhận rõ hơn những việc cần phải làm, không ngừng nâng cao trách nhiệm để hoàn thiện bản thân và hoàn thành nhiệm vụ.
Những niềm vui đọng lại
Cũng tại cuộc gặp, nhiều nghệ sĩ cùng các nhà khoa học tên tuổi đã bày tỏ sự cảm kích trước tấm chân tình mà Đảng ủy, lãnh đạo CATP Hà Nội dành cho giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô, đặc biệt là trong 3 năm vừa qua. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ cũng như mọi người dân Hà Nội, ông luôn mong muốn chung sức xây dựng hình ảnh Hà Nội là một Thủ đô vì hòa bình, thành phố vì lương tri. Vì vậy ông cũng đặc biệt ấn tượng với 2 hình ảnh mà ông cho rằng xứng đáng trở thành điểm nhấn đánh thức sự sống động của báo chí Hà Nội thời gian qua.
Đó là hình ảnh Bí thư Thành ủy Hà Nội - Phạm Quang Nghị sau khi đi thị sát đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu chưa kịp đưa vào sử dụng đã xuống cấp, đã lập tức yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của những người liên quan; rồi sau đó Bí thư Thành ủy đi xe buýt cùng người dân để phát hiện những việc được và chưa được.
Hình ảnh thứ 2 là hình ảnh Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội một mình vào thuyết phục đối tượng đang cố thủ khống chế con tin tại phường Thanh Xuân Bắc gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Cả hai hình ảnh ấy đã khiến nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cảm kích, xúc động và đưa vào trong bài thơ mới nhất mà ông viết về Hà Nội.
Bài thơ “Chuyện thường ngày bên hồ Gươm” được bắt đầu từ hình ảnh những người đi bộ tập dưỡng sinh bên hồ Gươm. Ông bảo hình ảnh đó dẫn dắt ông liên tưởng đến hình ảnh những chiến sĩ Công an cũng đang ngày đêm phải “tập dưỡng sinh” trong công việc để bảo vệ bình yên cho xã hội - những người mà ông ví rằng: “dám sống quên mình vì một tương lai không phải dưỡng sinh”.
Có mặt tại cuộc gặp, NSND, đạo diễn Phạm Thị Thành tâm sự những năm gần đây bà nhận thấy công việc của lực lượng Công an Hà Nội rất gian truân vất vả nhưng các chiến sĩ ở bộ phận nào cũng làm việc rất chu đáo và tận tình. Bản thân bà cũng tham gia Hội đồng nghệ thuật của TP Hà Nội và luôn cố gắng hết sức để có thật nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa, góp phần gạt đi những định kiến không tốt. Đó cũng là một trong những việc làm thiết thực để chung tay góp sức cùng lực lượng Công an Hà Nội giữ bình yên cho đời sống xã hội.
Còn NSND Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng bày tỏ vui mừng vì đây là lần thứ ba Công an Hà Nội gặp gỡ các văn nghệ sĩ và trí thức Thủ đô. Lần gặp này khiến ông nhớ lại cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào năm 2012, khi ông chia sẻ mong ước về việc Hà Nội sẽ có những nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông và cho đến nay điều đó đã trở thành sự thật, tạo ra hình ảnh rất đẹp, thân quen và thanh bình mỗi ngày ở Thủ đô Hà Nội.
Bản thân Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng là một trong những đơn vị nghệ thuật thường xuyên bị mạo danh trong nhiều chương trình biểu diễn nhưng đều được lực lượng Công an Hà Nội bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.
PGS. TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lại xúc động nhớ lại lần xảy ra vụ côn đồ hành hung ở khoa cấp cứu của bệnh viện. Ngay sau khi nhận được tin này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp gọi điện cho ông và nói sẽ cho tăng cường lực lượng cảnh sát bảo vệ tại bệnh viện kịp thời.
Rồi cũng chính nhờ sự quan tâm kịp thời đó nên từ cách đây hai năm, quy chế phối hợp bảo vệ an ninh cho các bệnh viện của Công an Hà Nội ra đời, giúp các bác sĩ, nhân viên y tế yên tâm công tác và nhân dân đỡ bị cò mồi, trộm cắp, gây phiền nhiễu khi đến bệnh viện.
GS. sử học Lê Văn Lan dí dỏm kể trong thời gian vừa rồi UBND TP Hà Nội đặt hàng Sở VH-TT&DL Hà Nội cùng xưởng phim Hà Nội làm một phim tài liệu dài 30 phút để kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Vì có mặt trong Hội đồng thẩm định nghệ thuật nên khi xem xong, ông thấy phim làm rất khéo, rất công phu, rất mềm mại và có tính nghệ thuật cao nhưng lại thấy còn thiếu điều gì và nhận ra chính là thiếu những thước phim về ngành công an.
Lập tức Hội đồng đã nhất trí làm thêm 15 giây về ngành công an và ông nghĩ ngay đến việc dành 15 giây ấy để đưa hình ảnh các nữ chiến sĩ Cảnh sát điều khiển giao thông trên đường phố. Bởi đó cũng chính là một trong những hình ảnh thanh bình, êm ả và xinh xắn nhất về Hà Nội.
GS Lê Văn Lan nói, ông luôn nghĩ đến nhiệm vụ của lực lượng Công an Hà Nội trong cuộc sống thường ngày và tình cảm mà văn nghệ sĩ, trí thức dành cho Công an Hà Nội cũng vậy, dù ở thời bình nhưng vẫn giữ tinh thần “hiệp đồng theo tiếng súng” từ thời chiến xa xưa.
NSƯT Thái Bảo hâm nóng buổi gặp gỡ bằng ca khúc “Mẹ” của nhạc sĩ Phú Quang và “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng
Cuộc gặp khép lại đầm ấm và gần gũi với những câu chuyện tưởng chừng không dứt và cả những phút ngẫu hứng xúc động khi NSƯT Thái Bảo ôm đàn guitar ca hát, còn NSND Quang Thọ xướng lên ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” mà 60 năm về trước ông từng được nghe ở Quảng Ninh và hình dung ra không khí rộn ràng ở Hà Nội ngày giải phóng.
Cũng trong cuộc gặp, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội chúc mừng và tặng hoa cho nhạc sĩ Phú Quang khi nhận được tin vị nhạc sĩ tài hoa được vinh danh là 1 trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2014.
Cuộc gặp thật sự đã trở thành nhịp cầu để tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa lực lượng Công an Thủ đô với những người làm công tác trên mặt trận văn hóa văn nghệ và giới nghiên cứu khoa học của Thủ đô Hà Nội.