1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cụ ông U90 kiện cháu ngoại đòi 20 triệu đồng

Xuân Duy

(Dân trí) - Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông N. vẫn phải đi kiện người cháu ngoại để đòi số tiền 20 triệu đồng. Yêu cầu của ông N. được tòa chấp nhận, đồng thời HĐXX cũng góp tiền giúp đỡ cho hoàn cảnh của ông.

TAND TPHCM vừa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp dân sự khá hy hữu, nguyên đơn là ông P.V.N. (87 tuổi) và bị đơn là N.T.T. (41 tuổi, cháu ngoại ông N). Trong phiên tòa này, bị đơn kháng cáo nhưng không có mặt (tòa xử vắng mặt bị đơn).

Tuổi già cô quạnh

Từ sáng sớm, cụ ông P.V.N. đã lặn lội đón chuyến xe buýt đường dài từ thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM) để đến trụ sở TAND TPHCM. Trong khi chờ HĐXX, bóng dáng cụ ngồi lọt thỏm giữa chốn công đường.

Chuông reng, phiên xử bắt đầu, cụ N. run run giọng trình bày. Theo đó, cụ có mặt tại đây vì người cháu còn thiếu cụ 20 triệu đồng mà không chịu trả. Đã vậy, đứa cháu còn đòi chia nhỏ món tiền nợ ra để trả dần 20 tháng. “Tôi không đồng ý. Tôi không còn sống được bao lâu, lại thân cô thế cô, bà nhà đã chết, còn tôi sống một mình”, cụ nói với giọng to nhất có thể của sức già còn lại.

Cụ ông U90 kiện cháu ngoại đòi 20 triệu đồng - 1
Ông N. đi kiện cháu ngoại đòi tiền.

Theo hồ sơ, vì gia đình khó khăn, cụ N. không có nhà, phải ở nhờ. Cháu ngoại cụ là anh T. kêu về đất của anh cất nhà để ở. Tổng số tiền vật tư xây dựng nhà là 30 triệu đồng. Cụ vừa có mái nhà che mưa, trú nắng được một thời gian ngắn thì cháu ngoại bảo cụ ở không hợp. Vì thế, cụ không ở nữa.

Giữa hai ông cháu có làm hợp đồng với nội dung anh T. sẽ trả lại số tiền cụ N. đã bỏ ra xây nhà mỗi tháng 1,5 triệu đồng đến 20 tháng thì dứt nợ. Ông cháu thỏa thuận là thế nhưng sau đó anh T. trả được 10 triệu đồng rồi không trả nữa. “Nó còn bảo tôi đừng gọi điện thoại, đừng đến nhà tìm”, cụ N. nói.

Đường cùng, cụ N. khởi kiện ra TAND huyện Củ Chi để đòi lại tiền. Tại buổi hòa giải, người cháu trình bày đúng là bị đơn có hứa trả tiền như ông ngoại đã nói nhưng khi nào kẹt quá thì ngưng. Vừa rồi do dịch Covid-19 nên cháu khất nợ thì bị ông đi thưa. Giờ người cháu cho rằng một là ông tháo dỡ nhà và trả lại số tiền cháu góp mấy tháng trước, hai là cháu tiếp tục trả ông mỗi tháng 1 triệu đồng đến khi hết 20 triệu đồng còn lại. Tuy nhiên, nếu kẹt quá thì cháu có quyền khất đến tháng sau…

Do đôi bên không thỏa thuận được, TAND huyện Củ Chi quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tòa này ra phán quyết anh T. phải trả ngay 20 triệu đồng cho cụ N. khi bản án có hiệu lực. Không đồng thuận với phán quyết trên của tòa sơ thẩm, bị đơn kháng cáo lên TAND TPHCM.

Tòa góp tiền cho đương sự

Tại tòa phúc thẩm, cụ kể về hoàn cảnh của mình qua từng câu hỏi của HĐXX. Cụ đang ở nhà thuê nhưng nhà này người ta đã bán, ít hôm nữa người ta kêu dọn đi. Nhà thuê này trước là của đứa con gái thứ sáu, nay nó bán cho người khác, rồi bây giờ người ta lại bán tiếp nên cụ không còn chỗ ở...

Nói về anh T., cụ kể lại quá trình trả tiền nhỏ giọt rồi dừng cùng những lời nói mà cụ cho rằng mình “không thể nào nghe lọt tai”. Nay cụ chỉ mong tòa cho một phán xét công bằng. Cụ cũng tự cảm thán cho hoàn cảnh của mình, rằng cụ có đến 9 người con nhưng các con phần lớn đều ở xa, kẻ ở Tiền Giang, người ở Bến Tre… và cụ không ở cùng ai cả.

Tòa hỏi thêm: “Có ai cho tiền ông xài không, ông có đi làm thêm gì không?”. Giọng cụ N. run run khi trả lời tòa, rằng thân thể cụ già cả vầy, chỉ đi lại không thôi đã té lên té xuống thì còn làm được việc gì, mỗi tháng Nhà nước cho được vài trăm ngàn theo tiêu chuẩn để sống qua ngày. Con gái, con rể ở gần lâu lâu cũng cho ít quà, khi thì trái cây, lúc thì mớ rau, con cá…

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên y án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của cụ N.

Tuyên án xong, chủ tọa và các thẩm phán vẫn nán lại nói cho cụ N. rõ, rằng: “Yêu cầu khởi kiện của ông được chấp nhận rồi nha”. Cạnh đó, tòa cũng gửi biếu cụ một ít tiền do các thành viên HĐXX đóng góp. Các thẩm phán cùng đại diện Viện Kiểm sát dặn dò cụ N. cất kỹ tiền để không làm rớt hay bị móc túi trên đường.

Thư ký tòa, người tại phiên xử thường nhắc lại câu hỏi của HĐXX để cụ N. nghe rõ, đã tận tình đưa cụ ra cổng. Đích thân thư ký tòa gọi xe ôm, trả tiền trước và dặn dò tài xế tỉ mỉ phải đưa cụ N. đến đúng bến xe buýt cho cụ đón xe về Củ Chi.