1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thanh Hóa

Công việc âm thầm của những “chiến sĩ áo trắng”

(Dân trí) - Do tính chất và đặc thù công việc, các y, bác sĩ làm việc tại trại Tạm giam, Công an tỉnh Thanh Hóa luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và hiểm nguy. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, các CBCS, thầy thuốc CAND vẫn ngày đêm tận tụy thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho những can phạm, phạm nhân đang giam giữ, cải tạo.

Hiện nay, trại tạm giam công an tỉnh Thanh Hóa đang quản lý, cải tạo, giam giữ gần 1 nghìn can phạm, phạm nhân. Trung bình, luôn có từ 20 – 30 can phạm nằm điều trị tại bệnh xá của trại. Trong đó, phần đa đều mắc các bệnh nặng và có nhiều nguy cơ lây nhiễm như: Lao, phổi, HIV/AIDS…

Những chiến sỹ áo trắng đang làm nhiệm vụ chữa bệnh cho phạm nhân
Những chiến sỹ áo trắng đang làm nhiệm vụ chữa bệnh cho phạm nhân

Với công việc gặp không ít khó khăn, ngoài sự tận tụy với công việc thì các y, bác sĩ phải có lòng yêu nghề, sự dũng cảm và phải tinh thông nghiệp vụ. Bởi không ít bệnh nhân có rất nhiều chiêu trò giả bệnh để tìm cách trốn trại hoặc gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Trung tá Phạm Hoài Mong, Bệnh xá trưởng trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa tâm sự: “Với số lượng can phạm nhân chủ yếu là đối tượng tái tù nhiều lần, các băng ổ nhóm, đối tượng lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm khác do đó với tiêu chí đề ra: không để phạm nhân trốn, chết bất thường và phạm các tội khác trong trại thì cán bộ chiến sĩ làm công tác ytế trong trại tạm giam đã phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn mới có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra”.

“Đặc biệt những ngày thời tiết nắng nóng, nhà giam chật hẹp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người bệnh, trong khi đó nhân lực y tế thiếu trầm trọng, nhất là đội ngũ y bác sĩ do đó các CBCS chúng tôi đã phải “gồng mình” lên để làm việc thôi” – Trung tá Mong tâm sự.

Một trong nhiệm vụ đặc thù của bác sĩ trại tạm giam là phải “chẩn đoán” được bệnh giả của can phạm nhân. Không ít can phạm nhập trại trong tình trạng bụng chướng to, sùi bọt mép, tay chân “bại xuội” như thật… nhưng chỉ sau vài phút nhập viện, màn kịch “đau bụng”, “xuất huyết đường tiêu hoá” can phạm khai trước đó đã bị lật tẩy.

Nguyên nhân của việc “tự làm khổ mình” này là can phạm muốn trốn lao động. Trại tạm giam cũng là nơi tiếp nhận các can phạm nhân có đủ mọi loại bệnh, nhất là bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Vì sự kỳ thị, nhiều can phạm nhân đã bị gia đình bỏ rơi. Không ai khác, chính những CBCS trại Tạm giam Công an tỉnh lại trở thành người thân, trực tiếp lau rửa vết thương, chăm từng miếng sữa, theo dõi từng hơi thở cho họ. Môi trường đầy nguy cơ tới tính mạng, nhưng “bảo hộ” cho chính mình, người bác sĩ trại tạm giam cũng chỉ có đôi găng tay, khẩu trang y tế được cấp phát.

Dẫn chúng tôi đến thăm can phạm Nguyễn Văn Ca bị bắt và đưa vào trại tạm giam Công an Thanh Hoá vào ngày 23/2/2017, với án về tàng trữ trái phép ma tuý, trung tá Mong cho biết, khi mới vào trại, can phạm Nguyễn Văn Ca bị bệnh viêm gan, cơ thể gầy gò, ốm yếu. Thế nhưng hiện tại, bệnh tình của can phạm này đã có sự tiến triển rõ rệt.

Đảm nhận nhiệm vụ khó khăn,vất vả và nhiều hiểm nguy, thế nhưng với tinh thần "Lương y như từ mẫu", đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa– những “cán bộ chiến sĩ áo trắng” vẫn luôn cố gắng chữa trị tốt nhất cho các can phạm nhân - bệnh nhân cũng như luôn động viên, khích lệ họ cải tạo tốt để sớm có cơ hội trở về với gia đình và cộng đồng xã hội.

Bình Minh