1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Công tử sa ngã làm lại cuộc đời từ nơi đất trại

Với đôi bàn tay khéo léo trời phú, gã đã trở thành người thiết kế nên nhiều mô hình khuôn viên trại giam. Sau những lầm lỡ và sa ngã của tuổi trẻ, gã giờ đây đang nếm trải những dư vị ngọt ngào của cuộc sống hoàn lương nơi quê nhà.

Sinh ra trong một gia đình khá giả, thay vì chăm chỉ học hành để có cuộc sống, lần thứ 2 vào tù, với mức án gần 9 năm tù về tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, gã đã nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống nên quyết tâm cải tạo.

“Công tử” hai lần vào trại giam

Đến Trại giam Đồng Sơn (Tổng cục VIII – Bộ Công an), đóng chân trên địa phận phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới (Quảng Bình) những ngày này, cảm nhận rõ rệt là sự khang trang, sạch đẹp và sự sắp xếp hợp lý, bắt mắt những sinh vật cảnh trong khuôn viên đất trại, khiến cho phạm nhân, Ban giám thị, cũng như những ai lần đầu đến đều cảm thấy rất hài hòa.

Điều bất ngờ hơn khi Giám thị trại giam, Đại tá Nguyễn Quốc Trị cho biết, đó là sản phẩm “cây nhà lá vườn”, do một phạm nhân rất tài hoa trong thời gian thụ án tại đây thực hiện. Phạm nhân này là Trần Xuân Hoàng (SN 1984), quê tại thị xã Quảng Trị, thụ án với thời gian 8 năm 6 tháng về hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy.

Trần Xuân Hoàng sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở thị xã Quảng Trị. Bố là công chức Nhà nước, mẹ bán buôn ở chợ nên cuộc sống khá đủ đầy. Tuy vậy, không như người chị của mình, Hoàng không chí thú học hành, mà lợi dụng sự buông lỏng quản lý của bố mẹ, đã sớm sa vào con đường đua đòi, hư hỏng.

Năm học dở lớp 12, Trần Xuân Hoàng đã cùng nhóm bạn tham gia vào việc trộm cắp tài sản, trước đó do đã nhiều lần bị phạt hành chính nên Hoàng đã bị phạt tù, đưa vào Trại giam Nghĩa An đóng trên địa bàn tỉnh để cải tạo, giáo dục. Những tưởng sa ngã đầu đời đã giúp Hoàng tỉnh ngộ, nhưng không, sau khi ra trại được một thời gian, Hoàng lại tìm cách giao du cùng đám bạn xấu.

Tệ hơn nữa là lần này, Hoàng không chỉ đua đòi hút chích, mà còn móc nối với đối tượng xấu để đi gieo rắc cái chết trắng cho các con nghiện trên địa bàn. Chỉ sau 2 tháng kể từ ngày được trở về xã hội, trong một lần ra Nghệ An lấy hàng về để bán lại cho các đối tượng nghiện trên địa bàn thì Hoàng bị Công an tỉnh Nghệ An phát hiện và bắt giữ. Ngay sau đó, Hoàng đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù về tội danh buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và được đưa đi thụ án tại Trại giam Đồng Sơn.

Nói về những tháng ngày bồng bột của tuổi trẻ, phạm nhân Trần Xuân Hoàng cho biết, lúc ấy bị bạn bè rủ rê, lại thiếu sự quan tâm, kèm cặp của cha mẹ nên đã không làm chủ được bản thân. Biết Hoàng mới thụ án tù trở về, nhiều đối tượng xấu đã đến tận cửa nhà dụ dỗ, dọa nạt, đồng thời đưa ra những lời ngọt nhạt để rủ Hoàng tham gia đường dây buôn bán ma túy. Do tuổi trẻ bồng bột, thiếu bản lĩnh nên Hoàng đã ngã theo những lời đường mật ấy. Lần thứ hai bị bắt vào trại giam, những giọt nước mắt ân hận đã lăn dài trong những đêm trường lạnh lẽo, nhưng tất cả đã muộn màng.

Phạm nhân Trần Xuân Hoàng với những tác phẩm chạm khắc từ đá của mình.

Phạm nhân Trần Xuân Hoàng với những tác phẩm chạm khắc từ đá của mình.

Trưởng thành từ nơi đất trại

Những ngày mới nhập trại, thời gian đầu Hoàng tỏ ra ngang tàng, chống đối. Một thời gian sau, nhờ sự giúp đỡ tận tình của cán bộ quản giáo, Hoàng đã ngoan ngoãn chấp hành và có quá trình cải tạo rất tốt. “Cách đây khoảng 5 năm về trước, trong đợt phát động phạm nhân toàn trại giam, ai có năng khiếu gì thì đăng ký để trại tổ chức các cuộc thi nhằm động viên tinh thần của anh em, Ban giám thị đã phát hiện tài năng của Hoàng khi phạm nhân này viết thư cho biết, mình có biệt tài vẽ và tạo ra hình dáng các loài vật, loài thú y như thật. Sau khi biết phạm nhân này có tài điêu khắc, đục đẽo đá gỗ và chạm trổ hoa văn nên Ban giám thị đã tạo điều kiện, khuyến khích Hoàng phát huy tài năng của mình”, Đại tá Nguyễn Quốc Trị cho biết.

Sau khi được Ban giám thị tin tưởng và giao phó, Trần Xuân Hoàng đã dốc hết tâm sức để “thiết kế” lại khuôn viên trại giam hướng tới sạch đẹp hơn, thân thiện hơn và bắt mắt hơn. Với khả năng phong phú trong tưởng tượng của mình, Hoàng đã nghĩ ra những chú sư tử, những con ngựa, con nai trong thực tế cuộc sống đến mô hình nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Chí Phèo – Thị Nở trong các trang sách… để chạm khắc thành hình tượng thật, trang trí quanh khuôn viên trại giam.

Chất liệu chủ yếu để Hoàng chạm trổ phần lớn là từ đá, những tác phẩm điêu khắc tỉ mẩn này được Ban giám thị ưu tiên đặt ở những vị trí quan trọng, quanh các lối đi để giới thiệu với thập khác mỗi khi đến thăm trại giam.

Công trình mà bản thân Trần Xuân Hoàng cũng như Ban giám thị, lẫn các phạm nhân tâm đắc nhất do Hoàng tự nghĩ ra, ấy là việc chạm khắc 2 con sư tử nằm phủ phục trước ngay lối vào trại giam, nơi mà phạm nhân ở bất cứ buồng giam nào nhìn ra cũng có thể trông thấy. Lý giải cho việc này, Trần Xuân Hoàng cho rằng, khi nhìn vào hình ảnh này mỗi ngày, bất cứ phạm nhân nào cũng mong muốn nhanh chóng cởi áo tù, rũ bỏ quá khứ tội lỗi để thành người lương thiện.

Với bàn tay khéo léo, sự cần mẫn trong công việc, Hoàng đã dần dần lấy lại được niềm tin. Hoàng đang ngày đêm hối lỗi sau chấn song và cánh cửa sắt nặng trịch, mong sớm được hoàn lương. Trần Xuân Hoàng cho biết, sau nhiều năm ở trại giam, đến nay bản thân cũng không nhớ hết mình đã tạo ra bao nhiêu công trình làm đẹp cho đất trại.

Chỉ biết rằng, mỗi ngày tỉnh giấc, nghĩ đến cha ẹm già là Hoàng lại ứa nước mắt, vậy là lại lao vào chạm trổ để mong ngày về lại xã hội nhanh hơn, cũng là cách để tri ân với nơi đã khai sinh ra mình lần thứ hai trong đời này.

Năm 2012, khi Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức phát động cuộc thi mang chủ đề “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, Trần Xuân Hoàng đã tham gia và đoạt giải ba với tác phẩm tự sự mang tên “Trượt dốc”. Trong tác phẩm này, Hoàng đã chia sẻ: “Khi màn đêm buông xuống, nó lộ rõ sự yếu đuối của một kẻ tội đồ. Trong bóng đêm của tội lỗi nó nghĩ đến mẹ già, đến người thân phải vì nó thêm một lần tủi”.

Trên chặng hành trình miệt mài tìm lại bản thân của mình, ngoài sự giúp đỡ tận tình và trực tiếp của Ban giám thị Trại giam Đồng Sơn, Trần Xuân Hoàng còn có sự động viên thường xuyên của người mẹ già ở quê nhà. Sau hai lần con vướng lao lý, người mẹ này đã nhận ra tiền chưa hẳn là tất cả nên đã đều đặn mỗi tháng một lần đánh xe từ Quảng Trị ra Đồng Hới để thăm nuôi, động viên con gắng cải tạo tốt để sớm trở về sum họp với gia đình.

Cảm động trước tấm lòng của mẹ, phạm nhân Hoàng đã tu tâm cải tạo tốt và đã 2 lần được giảm án với thời hạn 6 tháng. Tháng 3/2014 là thời điểm chúng tôi tiếp xúc với Hoàng ở Trại giam Đồng Sơn, phạm nhân này phấn khởi cho biết, đã nhận được thông tin về việc Ban giám thị điền tên mình vào danh sách giảm án nhân dịp 30-4.

Từ khi biết được tin này, Hoàng đã ngày đêm cố gắng hoàn thành nốt những phần việc của mình trong trại giam, hoàn thiện những công trình còn dang dở, làm đẹp cho đất trại để ngày về được thanh thản, ít ra cũng đã để lại dấu ấn, tri ân với nơi đã giúp bản thân làm lại cuộc đời.

Trở về xã hội, để tránh xa cám dỗ cuộc đời và làm lại tất cả, Trần Xuân Hoàng chia sẻ, sẽ vay tiền bố mẹ để mở một cơ sở điêu khắc, tạo hình các loài sinh vật cảnh từ chất liệu đá. Hoàng cũng sẽ vận dụng hết những kinh nghiệm, kiến thức đã trau giũa được trong suốt thời gian thụ án để làm ra những sản phẩm bắt mắt nhất, đồng thời sẽ truyền nghề cho những người khác có nhu cầu.

Cánh cửa trại giam khép lại sau lưng, tưởng như đã đóng chặt tương lai cuộc đời của Hoàng, nhưng bằng nghị lực, ý chí và niềm tin, sau gần 7 năm, khi cũng cánh cửa ấy mở ra, Trần Xuân Hoàng đã không còn bơ vơ, lạc lõng như lần ra tù trước. Với những hành trang đã tích cóp được, tương lai xán lạn đang mở ra trước cuộc đời chàng trai vừa bước qua độ tuổi 30 này

Theo Quang Tuấn
Cảnh sát toàn cầu