1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Công chức gây oan sai: chết vẫn phải... hoàn trả!

Theo hướng dẫn của liên ngành vừa mới có hiệu lực thì trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây oan sai được thắt chặt hơn. Nhiều ý kiến quan ngại vì thế sẽ khiến công chức chùn tay, không dám “quyết”...

Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vẫn chưa biết khi nào mới được bồi thường

Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vẫn chưa biết khi nào mới được bồi thường

“Gánh” lỗi từ… chục năm trước

Mới đây nhất vào tháng 8/2013, cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai số tiền lớn nhất từ trước đến nay. “Khổ chủ” trong vụ án này là ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) – một doanh nhân đang làm ăn phát đạt tại thời điểm bị sa vào vòng lao lý. Trong hành trình đòi bồi thường của mình, ông Phi đề nghị tách vụ kiện thành hai vụ riêng và đã được TAND TP.Thái Bình chấp thuận.

Vụ thứ nhất được Tòa xét xử vào ngày 21/7/2009, tuyên buộc TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi 660 triệu đồng về các khoản thiệt hại về tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất sau 35 tháng bị giam oan. Vụ thứ hai được TAND TP.Thái Bình mở phiên xét xử ngày 26/8/2013, tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền 21,4 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông.

Nhận định về vụ án của ông Lương Ngọc Phi, nhiều chuyên gia cho rằng đây là vụ án oan lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông Phi bị bắt lẫn sự phức tạp, gian truân suốt gần một thập kỷ đi đòi bồi thường oan sai. Tuy nhiên, đáng nói hơn cả, số tiền TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi là số tiền không hề nhỏ và là tiền ngân sách phải “gánh” cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây, trong khi số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả khá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường.

Một vụ án oan “động trời” không kém mà tới đây các cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết khi người bị oan sai có đơn yêu cầu là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Mức bồi thường chưa được xác định nhưng các cán bộ gây oan sai thì người đã chết, người về hưu, người chuyển công tác. Vì vậy, việc hoàn trả sẽ không đơn giản, nếu không muốn nói là chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.

Theo Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (ngày 1/1/2010) đến ngày 30/7/2013, ngân sách nhà nước đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại trên 28,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền mà cán bộ, công chức hoàn trả Nhà nước (do việc thực thi công vụ sai) chỉ vài chục triệu đồng. Thậm chí có vụ trong lĩnh vực tố tụng, Nhà nước phải bồi thường hàng tỷ, song thu được một khoản tiền hoàn trả rất khiêm tốn – chừng 6 triệu đồng.

Nghỉ hưu, chuyển công tác hay… chết, vẫn phải hoàn trả

Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả (TNHT) của người thi hành công vụ, ngày 23/01/2014, liên ngành đã ban hành Thông tư liên tịch (TTLT) số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC (vừa có hiệu lực trong tháng 3 này).

Về xác định mức hoàn trả, TTLT quy định về các mức hoàn trả, cụ thể là: đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì mức hoàn trả tối đa không quá 3 tháng lương của người có TNHT tại thời điểm quyết định việc hoàn trả; đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của người có TNHT tại thời điểm quyết định việc hoàn trả; đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Đặc biệt, trong một số trường hợp đặc biệt như người thi hành công vụ đã nghỉ hưu, người thi hành công vụ chết, người thi hành công vụ đã chuyển sang cơ quan nhà nước khác hoặc người thi hành công vụ không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước, TNHT của người thi hành công vụ cũng được TTLT làm rõ.

Chẳng hạn, nếu người có TNHT là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho họ sẽ thu hồi bằng việc trừ dần vào lương hưu hàng tháng theo mức từ 10 - 30%. Trường hợp người đó chết thì những người thừa kế di sản phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật về thừa kế...

Với những quy định trên, đã có ý kiến lo ngại việc siết chặt TNHT sẽ khiến cho cán bộ, công chức chùn tay, không dám quyết định việc gì trong phạm vi thẩm quyền của họ. Tuy nhiên, hôm qua (28/3), Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Thị Tố Hằng cho biết, dù đã làm rõ từng trường hợp phải hoàn trả cho tương xứng mức độ vi phạm nhưng quy định của TTLT không thể vượt trần (không quá 36 tháng lương) mà Luật và Nghị định quy định.

Để bảo đảm công bằng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ, về lâu dài phải tiến tới sửa Luật, trong đó sửa đổi quy định về xác định mức hoàn trả theo hướng mọi trường hợp người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật do lỗi cố ý gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Theo Hoàng Thư
Pháp luật Việt Nam