1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

“Cố ý làm trái... tại A Lưới, Thừa Thiên Huế:

Cơ quan điều tra có bỏ sót người, lọt tội?

(Dân trí) - Ngày 9/1/2008, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản ký kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Ban quản lý dự án (QLDA) xoá nhà tạm cho các hộ nghèo huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

3 bị cáo gồm Nguyễn Văn Nghĩa (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban QLDA), Hồ Thị Nhung (nguyên kế toán) và Trần Văn Ninh (nguyên thủ quỹ Ban QLDA) trong đó bị cáo đầu vụ Nguyễn Văn Nghĩa bị HĐXX quyên phạt 7,5 năm tù, Hồ Thị Nhung và Trần Văn Ninh 6,5 năm tù.

Sau phiên toà, nhiều ý kiến cho rằng phải chăng cơ quan điều tra đã bỏ sót người, lọt tội khi ông Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban QLDA lại đứng ngoài vòng tố tụng.

Sai từ Trưởng Ban QLDA

Thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ Tướng Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo...”, ngày 3/9/2004, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra Quyết định số 3051/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án xoá nhà tạm huyện A Lưới gồm 2407 hộ với tổng mức kinh phí đầu tư 33,215 tỷ đồng và quy định: Chủ Đầu tư: UBND huyện A Lưới; Hình thức quản lý: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý và điều hành.

Để triển khai thực hiện các Quyết định trên, vào các ngày 24/9/2004 và 12/11/2004 Chủ tịch UBND huyện A Lưới đã ra Quyết định số 705/QĐ-UB và Quyết định số 848/QĐ-UB thành lập Ban quản lý dự án xoá nhà tạm.

Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban QLDA- Chủ tài khoản; Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch huyện, Phó Trưởng ban QLDA được uỷ quyền của chủ tài khoản; Hồ Thị Nhung làm kế toán và Trần Văn Ninh làm thủ quỹ.

Ngoài ra, ban QLDA còn ký hợp đồng với 10 người khác làm công tac cán bộ chuyên trách với nhiệm vụ theo dõi, báo cáo tình hình tiến độ và kết quả công tác tại các xã đã được phân công.

Ngày 10/11/2004, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư liên tịch số 819/2004/TTLT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 134/QĐ-TTg, tại điển 2 mục IV quy định: “Phòng Tài chính huyện phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý cấp phát theo các mục tiêu cho các đối tượng thụ hưởng theo tiến độ thực hiện. Việc cấp phát thanh toán cho từng chính sách, từng đối tượng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

Ngày 16/2/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 121/TT-BTC hướng dẫn công tác quản lý cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Quyết định số 134/QĐ-TTg. Tại điểm 2.1.1 mục II của Thông tư quy định: “Căn cứ danh sách các hộ đề nghị tạm ứng và đề nghị của UBND xã, Phòng Tài chính huyện làm thủ tục tạm ứng cho UBND xã qua kho bạc Nhà nước, để UBND xã tạm ứng cho hộ dân…”.

Tuy nhiên, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế thì: “Sau khi nhận được Thông tư 122/TT-BTC của Bộ Tài Chính, ông Võ Văn Dự và Giám đốc Kho bạc huyện A Lưới đã không tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Thông tư 121 mà vẫn thực hiện việc rút tiền mặt từ Kho bạc Nhà nước về Ban QLDA để chi trả trực tiếp cho các hộ dân”.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao, Nguyễn Văn Nghĩa, Hồ Thị Nhung và Trần Văn Ninh đã không thực hiện đúng trình tự thủ tục nguyên tắc tài chính, kế toán trong việc chi tiền khỏi quỹ.

Do không nắm được nội dung Thông tư 121 của Bộ Tài Chính nên Nguyễn Văn Nghĩa đã chỉ đạo Nhung khi có tờ trình kèm danh sách đề nghị tạm ứng của xã, đã được Ban QLDA phê duyệt thì cứ chi tiền trước, sau đó Nghĩa sẽ ký duyệt phiếu chi sau.

Mặc dù Ban QLDA không có chủ trương cho cán bộ chuyên trách trực tiếp nhận tiền xoá nhà tạm về chi trả cho dân nhưng Nhung và Ninh đã tự ý cho cán bộ chuyên trách nhận tiền và khi chi tiền ra khỏi quỹ không có phiếu chi. Chính vì lợi dụng việc làm này, Hồ Ngọc Thanh, một cán bộ chuyên trách đã chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng rồi bỏ trốn.

Cơ quan điều tra có bỏ sót người, lọt tội?!

Xuất phát từ chỗ không thực hiện đúng thủ tục và nguyên tắc tài chính, 3 bị cáo trên đã chi sai nguyên tắc và làm thất thoát số tiền trên 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn: Vậy việc thất thoát số tiền này liệu có liên quan đến trách nhiệm của ông Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Dự kiêm Trưởng Ban QLDA?

Tại Bản kết luận điều tra số 02/KLĐT/PC15 của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thì: “Với trách nhiệm Trưởng Ban QLDA, ông Võ Văn Dự đã không tổ chức thực hiện đúng Thông tư 121/TT-BTC của Bộ Tài Chính trong việc quản lý, cấp phát kinh phí Dự án 134. Việc làm sai trái của ông Võ Văn Dự là điều kiện dẫn đến những sai phạm gây thiệt hại tài sản của Nhà nước xảy ra tại Ban QLDA 134 huyện A Lưới”.

Như vậy nếu hiểu theo công văn này thì mọi hậu quả xảy ra đều xuất phát từ việc làm không đúng nguyên tắc của ông Võ Văn Dự. Là người đứng đầu dự án, nếu ông Dự chỉ đạo sát sao, đúng pháp luật thì liệu hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra?

Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế xác định ông Nghĩa là người được uỷ quyền của ông Dự, nhưng sự thật thì lại không có biên bản nào bàn giao công việc giữa ông Dự và ông Nghĩa.

Mặt khác, hàng tháng ông Dự vẫn chủ trì và kết luận các cuộc họp giao ban, mọi hoạt động của dự án ông Nghĩa đều báo cáo ông Dự.

Như vậy hoàn toàn có thể việc uỷ nhiệm chỉ là hình thức, còn thức tế mọi công việc của dự án đều có sự kiểm tra của Trưởng ban QLDA. Vậy tại sao cơ quan điều tra lại kết luận “không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Võ Văn Dự mà đề nghị cơ quan thẩm quyền có biện pháp xử lý hành chính nghiêm đối với ông Dự”?.

Vũ Văn Tiến