Có được tham gia giao thông khi bị thu giấy phép lái xe tích hợp?
(Dân trí) - Theo luật sư, trong các quyết định xử phạt hoặc giấy tờ xử phạt sẽ ghi rõ các loại xe bạn được quyền sử dụng, các loại năng định bạn còn được thực hiện.
Một bạn đọc hỏi: "Tôi vừa thi đậu và có giấy phép lái xe hạng B2. Trước đó, tôi có giấy phép lái hạng A1, bây giờ tôi có bắt buộc phải tích hợp hai giấy phép lái xe này thành một? Nếu tôi bị tịch thu giấy phép lái xe tích hợp khi vi phạm về nồng độ cồn vẫn lái ô tô thì sau đó tôi có được tham gia giao thông bằng xe máy không? Nhờ quý báo tư vấn giúp tôi".
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật Hợp danh FDVN xin trả lời như sau:
Theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, ngày 15/4/2017 Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, tại khoản 2 Điều 33 có quy định việc tích hợp giấy phép lái xe được thực hiện theo nhu cầu cá nhân. Pháp luật không bắt buộc phải tích hợp, do vậy, nếu bạn có nhu cầu thì thực hiện theo các thủ tục pháp luật quy định.
Trường hợp bạn vi phạm giao thông bị tước giấy phép lái xe tích hợp thì theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 30/20/TT-BGTVT, người có thẩm quyền xử phạt ghi rõ hạng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không có thời hạn (xe ô tô hoặc máy kéo hoặc xe mô tô), loại năng định liên quan đến việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; người vi phạm hành chính được điều khiển những loại xe, được thực hiện các loại năng định còn lại ghi trong giấy phép.
Do vậy, nếu có trường hợp này xảy ra, trong các quyết định xử phạt hoặc giấy tờ xử phạt sẽ ghi rõ các loại xe bạn được quyền sử dụng, các loại năng định bạn còn được thực hiện. Bạn nên mang theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc các giấy tờ khác có các thông tin này để tiện việc lưu thông và khi bị kiểm tra giấy tờ.