1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chuyện vận động đầu thú của người cán bộ Công an giàu lòng trắc ẩn

Chuyện mua cho đối tượng trốn nã cái bánh mỳ, hay hộp sữa cầm hơi trong lúc họ oặt người vì cơn đói, hay thủ thỉ trò chuyện thân tình với họ, “đánh” vào điểm yếu trong tâm hồn họ… xuất phát từ tâm niệm của chính bản thân Thượng tá Ngọc…

Là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Phú Thọ, một trong những biện pháp mà anh cùng đồng đội của mình áp dụng từ ngày thành lập chính là “lấy nhân tâm thu phục lòng người”. Nhiều tên tội phạm gian manh đã khuất phục trước nhân tâm này và ra quy hàng. Anh là Thượng tá Chu Xuân Ngọc.

Phú Thọ là đích ngắm của nhiều đối tượng truy nã, bởi địa hình trung du dễ ẩn nấp, nhiều nơi là vùng sâu, vùng xa, phương tiện đi lại khó khăn, thuận tiện cho các đối tượng đến trốn hoặc chạy sang các tỉnh thành lân cận để vượt biên sang bên kia biên giới.

Đối tượng phạm tội đủ các loại từ cướp, giết người, buôn bán trẻ em đến tội phạm ma túy…chọn Phú Thọ làm nơi “ẩn mình”. Để truy bắt những đối tượng này, đòi hỏi trinh sát phải tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc nhân thân của đối tượng để tìm ra dấu vết của chúng.

Thượng tá Chu Xuân Ngọc cho biết, một trong những biện pháp mà các anh áp dụng thành công, đó chính là vận động đối tượng ra đầu thú. Biện pháp này sẽ giảm bớt sức người, sức của đối với lực lượng làm công tác đấu tranh truy nã tội phạm. Biện pháp này ngoài đòi hỏi công tác nghiệp vụ chặt chẽ, còn cần sự tâm huyết, chân thành của bản thân người vận động.

Dĩ nhiên, biện pháp vận động đối tượng truy nã ra đầu thú không hề đơn giản, bởi những kẻ trốn truy nã đều mang tâm lý trốn sâu, trốn kỹ, không để lại dấu vết, họ đã dùng mọi thủ đoạn để trốn khỏi sự truy đuổi của pháp luật. Việc chịu hình phạt của pháp luật là vô cùng khó khăn.

Với những đối tượng phạm tội có khung hình phạt nhẹ, xung quanh chúng còn rất nhiều mối liên hệ thân thiết như gia đình, vợ con, anh chị em…thì việc ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật, mong cơ hội làm lại cuộc đời sẽ dễ dàng hơn so với những tên tội phạm chịu mức án cao, thậm chí chẳng còn gì để mất… Quá trình đấu tranh, vận động ấy sẽ diễn ra căng thẳng, lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của lực lượng vận động truy nã.

Một trong những khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ Phòng PC52 đó là sự thay hình, đổi dạng của đối tượng trốn nã. Thông thường, những tên tội phạm trốn nã sẽ thay danh đổi tính, thay đổi tên họ, làm lại CMT, thậm chí nhiều kẻ chỉnh sửa ngoại hình, giọng nói để trốn tránh sự truy đuổi của pháp luật. Thượng tá Ngọc bày tỏ, có những đối tượng trốn nã cách đây khoảng 20 năm, thời gian đã “đồng lõa” cùng chúng tạo nên một ngoại hình hoàn toàn khác biệt so với tấm ảnh cũ mốc mà các anh có trong tay.

Có đối tượng trốn nã 20 năm nhưng tuyệt đối không bao giờ liên lạc với gia đình, họ hàng, bạn bè…việc lần theo dấu vết của chúng chẳng khác nào mò kim đáy bể. Nhưng, với đầu óc phân tích tâm lý tội phạm, năng lực quan sát nhạy bén… Thượng tá Chu Xuân Ngọc cùng đồng đội đã vận động được nhiều đối tượng trốn nã quay về đầu thú, trong đó, có những đối tượng đã lẩn trốn tới 1/3 cuộc đời.

Thượng tá Chu Xuân Ngọc.

Thượng tá Chu Xuân Ngọc.

Một trong những chuyên án vận động đối tượng trốn nã ra đầu thú khiến Thượng tá Chu Xuân Ngọc nhớ rất lâu đó là vận động đối tượng Đặng Đức Trí (SN 1974, HKTT tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì) trốn nã về tội cướp tài sản, chống người thi hành công vụ và trốn khỏi nơi giam giữ.

Sau 21 năm lẩn trốn ở nhiều địa bàn trong cả nước, được sự vận động của các chiến sĩ Phòng PC52 cùng hỗ trợ nhiệt tình của Đại úy Nguyễn Đức Phan, cán bộ Trại tạm giam - Công an tỉnh Phú Thọ, đối tượng Trí đã đến Công an tỉnh Phú Thọ đầu thú vào ngày 24/3 vừa qua.

Được biết, năm 1993, lúc đó Trí vừa tròn 19 tuổi, đang ở độ tuổi bốc đồng, thích thể hiện cùng với việc giao du với đám bạn xấu, Trí tham gia cướp tài sản. Hành vi phạm tội của Trí bị phát hiện, sau đó bị kết án 54 tháng tù giam về các tội danh trên. Nhưng, những ngày thụ án ở trại giam, Trí một mình bơ vơ không được gia đình thăm hỏi. Do đó, sau một thời gian suy sụp và hoảng loạn tâm lý, Trí tìm cách trốn khỏi trại giam. Nghĩ là làm, Trí đục tường, bỏ chạy khỏi nơi giam giữ, bắt đầu hành trình lẩn trốn kéo dài ròng rã 21 năm với cuộc sống trốn chui trốn nhủi, nơm nớp lo sợ.

Kí ức tội lỗi đẩy Trí chấp chới 21 năm trốn chạy, nương thân hết ở Vũng Tàu, lại ngược lên Lạng Sơn rồi lại lẩn trốn vào TP.HCM, kiếm sống qua ngày với đủ thứ nghề lao động chân tay nặng nhọc. Đến nỗi, người vợ đầu tiên cũng không níu giữ được bước chân của kẻ trốn chạy. Chung sống với nhau một thời gian, Trí lại tìm một trốn khác để dung thân. Sau một hồi chạy ngược, chạy xuôi khắp mọi miền Tổ quốc, Chí trở lại TP.HCM, hi vọng mảnh đất phồn hoa này sẽ đủ sầm uất để nhấn chìm một kẻ cù bất cù bơ như Trí. Chính trong thời gian sinh sống tại đây, Trí góp gạo thổi cơm chung với một người phụ nữ kém anh ta 10 tuổi quê ở Nghệ An và có với nhau 2 mặt con. Có điều, ngay cả vợ con Trí cũng không thể biết quá khứ tội lỗi của chồng, ngày ngày cặm cụi làm ăn, đắp đổi chật vật qua ngày.

Trong suốt 21 năm trốn chạy, từ khi còn là cậu thanh niên chớm 20 tuổi, tới nay đã là cha của hai đứa trẻ, ngoại hình thay đổi, công việc không cố định, sống nay đây mai đó, sợi dây liên kết duy nhất của Trí đối với quá khứ chính là gia đình của anh ta.

Khi lực lượng chức năng tìm tới nhà bà Phạm Thị Toàn, mẹ Trí, ban đầu người phụ nữ thương con này quyết liệt từ chối gặp gỡ, khẳng định đã không liên lạc với Trí hơn 20 năm nay. Bà không biết Trí hiện giờ còn sống hay đã chết, cuộc sống ra sao, bà cũng coi như Trí không còn sống trên cõi đời này nữa. Nhưng, bằng biện pháp nghiệp vụ, các chiến sĩ biết chắc bà Toàn và con trai vẫn liên lạc với nhau.

Sau nhiều lần bền bỉ tới thăm hỏi, trò chuyện, phân tích cho bà Toàn hiểu những chính sách khoan hồng của pháp luật, bà Toàn đã thay đổi thái độ, đồng ý hỗ trợ Phòng PC52 vận động con trai ra đầu thú.

Đầu tháng 3-2014, chính bà Toàn đã đích thân vào tận miền Nam, lần theo địa chỉ do chính Trí thông báo với hi vọng tìm gặp và vận động con dũng cảm đứng ra nhìn nhận lại quá khứ sai lầm của mình. Đến khi bà Toàn vào TP.HCM gặp vợ chồng Trí, cô con dâu lần đầu bà gặp mặt tên Vũ Thị Hà vô cùng bàng hoàng về thân thế của người đàn ông mình bao năm chung sống.

Chính chị cùng bà Toàn đã dốc lòng động viên Trí sớm ra Cơ quan công an đầu thú, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai trái năm xưa để có cuộc sống bình lặng, thanh thản như những người khác.

Nhờ sự tác động của đồng chí Chu Xuân Ngọc cùng các chiến sĩ Phòng PC 52, đối tượng Đặng Đức Trí đã được mẹ dẫn tới cơ quan Công an đầu thú vào ngày 24/3/2014.

Thượng tá Chu Xuân Ngọc tâm sự, cũng có nhiều trường hợp không thể vận dụng biện pháp vận động đầu thú mà phải sử dụng hình thức bắt giữ, trong đó có những đối tượng phạm pháp, sau khi bắt giữ để lại cho anh rất nhiều suy nghĩ, cảm thán.

Như trường hợp vợ chồng Vương Đăng Hùng (SN 1971) và Trần Hưng Tân (SN 1974), HKTT tại phường Gia Cẩm, Việt Trì, trốn nã vì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đây, vợ chồng Hùng đều công tác tại một trường cao đẳng ở Phú Thọ, cuộc sống vô cùng ấm êm, hạnh phúc.

Chỉ vì ôm hụi và bị đổ, đẩy cuộc sống họ bước sang một chương hoàn toàn khác. Sợ hãi trước bản án sau song sắt, vợ chồng Hùng dắt díu nhau cùng con nhỏ xuống Hà Nội lẩn trốn. Sau thời gian theo dõi, Thượng tá Ngọc cùng các trinh sát Phòng PC52 lần ra dấu vết của cặp vợ chồng phạm tội này.

Tìm tới địa chỉ nhà trọ vợ chồng Hùng thuê là một ngôi nhà nhỏ, chật chội thuộc địa phận Gia Lâm, lúc ập vào bắt giữ khi vợ chồng Hùng đều có ở nhà. Điều anh cảm thấy thương cảm là lúc dẫn giải hai đối tượng trốn nã lên xe, con của Hùng cứ chạy theo khóc lóc đòi bố mẹ.

Chứng kiến cảnh ấy, một chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm đánh án như anh cũng không khỏi mềm lòng. Chính Thượng tá Ngọc đã liên lạc với thân nhân của Hùng, đợi khi mẹ anh ta xuống tận nơi đón con của Hùng an toàn, anh mới rời địa điểm, trở về đơn vị. Tuy vậy, hình ảnh đôi mắt ngấn nước của đứa trẻ lên 5 nhìn bố mẹ chúng theo các chú Công an khiến Thượng tá Ngọc vẫn còn ám ảnh mãi.

Chuyện mua cho đối tượng trốn nã cái bánh mỳ, hay hộp sữa cầm hơi trong lúc họ oặt người vì cơn đói, hay thủ thỉ trò chuyện thân tình với họ, “đánh” vào điểm yếu trong tâm hồn họ… xuất phát từ tâm niệm của chính bản thân Thượng tá Ngọc: “Các đối tượng trốn nã phạm tội, nhưng họ cũng là con người, với tất cả những góc khuất sâu kín ái ố, tôi tin đó là con đường ngắn nhất để thức tỉnh lương tri của những người lầm lạc ấy”.

Theo Du Mục
Cảnh sát toàn cầu