1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chuyện tình hiếm có giữa cô giáo với gã tù ngay trong thời gian trả án

Những tưởng cuộc đời gã từ đó sẽ phải trả chôn vùi vĩnh viễn phía sau song sắt. Tuy nhiên, trong những ngày trả án, gã đàn ông này lại khát khao sống hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi gặp được một cô giáo làng hiền lành.

Năm 23 tuổi, Phạm Văn Trắng bị kết án tù chung thân sau khi gây tội ác giết chị dâu rồi vứt xác nạn nhân xuống biển. Những tưởng cuộc đời gã từ đó sẽ phải trả chôn vùi vĩnh viễn phía sau song sắt. Tuy nhiên, trong những ngày trả án, gã đàn ông này lại khát khao sống hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi gặp được một cô giáo làng hiền lành.Chính cuộc gặp gỡ định mệnh này đã gieo trong gã một ý nghĩ mà trước đó có nằm mơ, Trắng cũng không chưa bao giờ dám nghĩ tới. Hắn đã mơ về một gia đình hạnh phúc. Kỳ lạ thay, mang án chung thân nhưng gã vẫn thực hiện được mơ ước giản dị nhưng lại cao quý đó.

Tình yêu của cô giáo làng đã giúp Trắng tìm thấy niềm vui cuộc sống sau ngày ra tù
Tình yêu của cô giáo làng đã giúp Trắng tìm thấy niềm vui cuộc sống sau ngày ra tù

Từng mang trọng tội giết người giấu xác

Năm nay đã bước qua tuổi 55, nhưng với dáng người đậm, nước da sáng, cùng với nụ cười luôn nở trên môi, nhiều người lần đầu gặp có thể sẽ khó tin Phạm Văn Trắng từng là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng, có tiếp xúc, nói chuyện với người đàn ông từng vào tù ra tội này mới thấy được dù từng phạm tội tày trời nhưng khao khát sống cuộc đời bình dị như bao người khác của Trắng chưa bao giờ dứt.

Lần ngược lại quá khứ, Phạm Văn Trắng sinh ra và lớn lên ở xã miền biển Tiên Tiến (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Là con út trong gia đình có 6 anh chị em, hàng ngày sau những buổi đến trường, Trắng lại cùng mọi người rong ruổi trên những chuyến tàu ra khơi đánh cá.

Cũng vì vậy, từ những ngày ấu thơ, cậu bé Trắng đã cảm nhận được sự khó nhọc của dân chài quê mình. Những cơn gió biển khô khốc càng khiến thân hình của dân vạn chài khắc khổ hơn nhiều so với số tuổi của họ.

Thế nhưng, tình yêu biển trong Phạm Văn Trắng không những vơi đi mà còn nhân lên gấp bội. Do vậy, học hết lớp 9, Trắng vào học ngành hàng hải. Một năm sau đó, Trắng lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng trai xin vào làm nghề lái tàu để theo đuổi đam mê từ nhỏ của mình.

Những tưởng Trắng sẽ có cuộc sống hạnh phúc, ổn định nhưng ở đời ai biết trước được chữ “ngờ”. Vào một ngày giữa tháng 7/1980, cũng như những lần khác, sau chuyến đi biển dài mệt mỏi, Trắng vào bờ để về quây quần bên gia đình.

Thế nhưng, lần này vừa đến đầu làng, Trắng đã nghe bà con bàn tán xì xào chuyện chị dâu đối xử bất nhân với bố mẹ chồng. Mang theo nỗi tức giận về nhà, chàng thanh niên bắt gặp ngay hình ảnh người chị dâu đó đang mắng xối xả vào mẹ già mắc bệnh, nằm liệt giường. Tức tối, Trắng lên tiếng liền bị chị dâu đáp trả bằng những lời nói khó nghe.

Không thể chịu đựng được những việc làm quá đáng, gã định bụng phải dạy cho người chị một bài học. Nhưng trong cơn bực tức, không làm chủ được mình, Trắng đã lỡ tay đánh chết chị dâu.

Hoảng loạn khi nhìn xác chết nằm dưới nền nhà, hắn bí mật bỏ chị dâu vào bao tải, bỏ thêm đá rồi chở xác nạn nhân lên tàu do mình lái ra biển để xóa dấu vết. “Mặc dù hoảng sợ, nhưng tôi vẫn cố tỏ ra bình tĩnh với mọi người, nhất là người thân trong gia đình. Do vậy, mọi người cứ nghĩ chị dâu bị mất tích”, Trắng kể.

Ngày đó, cơ quan công an đau đầu vì vụ án mạng không hề để lại dấu vết gì của nạn nhân. Còn đối với Trắng, dù chuyện chưa bị bại lộ nhưng trong thâm tâm hắn chưa bao giờ có một ngày được bình yên. Nhiều đêm thao thức, hắn bị tra tấn bởi những cơn ác mộng về hành động của mình. Từ đó, gã lao vào công việc để cố quên đi tội lỗi của mình.

Tuy nhiên, đúng 3 tháng sau khi gây án, vào một đêm cuối tháng 12/1980, khi chiếc tàu biển của Trắng chuẩn bị cập cảng thì một tàu của cảnh sát áp sát. Lúc cảnh sát lên tàu, Trắng chỉ nghĩ là kiểm tra giấy tờ bình thường như nhiều lần khác. Bất ngờ thay, cảnh sát đã tra tay Trắng vào còng số 8. Đến nước đó, hắn cúi đầu khai nhận mọi hành vi tội lỗi của mình.

Một năm sau, vụ án động trời được TAND Hải Phòng đưa ra xét xử công khai. Mặc dù trước đó, Phạm Văn Trắng đã cúi đầu xin sự tha thứ của hai bên nội ngoại, nhưng trước phiên tòa, giáp mặt với người thân, Trắng lại thấy tội lỗi mình gây ra quá lớn.

Tại tòa, cả hai bên nội ngoại của nạn nhân đều đứng lên xin giảm tội cho Trắng. Cuối cùng gã bị tuyên phạt án chung thân. Luật sư và nhiều người khuyên bị cáo kháng án để xử phúc thẩm nhưng Trắng không làm bởi gã thấy mức án như thế là xứng đáng với tội ác mình gây ra. Bước ra khỏi phiên tòa, Trắng không dám ngoảnh đầu lại nhìn mọi người, vì gã biết họ đang khóc. Thời khắc ấy, chính gã cũng đang khóc cho mọi tội lỗi mình gây ra.

Quyết làm lại cuộc đời từ chén nước chè của cô giáo làng

Một năm sau khi thi hành án tại trại giam ở tỉnh Quảng Ninh, Trắng được chuyển về trạm giam số 3, ở xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Ở trại, ý thức được mức án và tội lỗi mình gây ra, Trắng luôn tuân theo những quy tắc của trại giam, với hy vọng mình sẽ được giảm án.

Mặc dù sinh ra nơi vùng sông nước, nhưng vốn thông minh lại chịu khó nên chẳng mấy chốc, Trắng trở thành thợ mộc giỏi. Với tay nghề cao, tính tình thật thà, Trắng được cán bộ tin tưởng giao đi vào khu làng ở gần trại để làm nghề. Từ những lần được ra khỏi trại đi lao động tự giác này, chàng trai sống kiếp tù đày đã tự mở cho mình một cánh cửa mới trong cuộc đời.

Hằng ngày Trắng cố gắng làm việc để vun vén hạnh phúc gia đình mình.Ảnh: T.G
Hằng ngày Trắng cố gắng làm việc để vun vén hạnh phúc gia đình mình.Ảnh: T.G

Trong những lần đến làm thợ gần khu dân cư, Trắng vô tình vào xin nước nhà cô giáo làng tên Nguyễn Thị Nhật. Người phụ nữ này hơn Trắng tới 6 tuổi, quê gốc ở Ninh Bình, vốn là thanh niên xung phong. Sau chiến tranh, chị Nhật giải ngũ để làm giáo viên dạy cấp 1. Chị đã qua một lần đò và có hai người con.

Trắng kể, lần đó do trời nắng nóng, khát quá nên mới đánh liều vào ngôi nhà gần đó xin bát nước chè. Trong lần gặp gỡ đó, Trắng đã ấn tượng ngay hình ảnh người phụ nữ tần tảo với khuôn mặt phúc hậu. Trắng càng ấn tượng hơn về nghị lực phi thường khi chị một mình nuôi hai đứa con ăn học nên người.

Mặc dù chênh lệch về tuổi tác, hoàn cảnh lại khác nhau, nhưng chính sự đồng cảm như phép màu ma lực đã đẩy hai tâm hồn xích lại gần nhau. Cũng từ đó, Trắng thường xuyên ghé nhà cô giáo để… xin nước và những cánh thư tay trao đi ngày càng đều đặn hơn.

Cuối năm 1985, dù đang thi hành án, nhưng Trắng đã có đứa con riêng với chị Nhật. Đó là một bé gái kháu khỉnh được đặt tên là Phạm Thị Thiên Lý. Con gái chào đời trong niềm vui và nỗi sợ hãi đan xen của cả bố lẫn mẹ.

Trắng vui vì đã có đứa con với người thương yêu, nhưng vẫn nhận thức được mình đang tù tội. “Lúc đem chuyện tình cảm cá nhân báo cáo với cán bộ trại, tôi run lập cập vì sợ tăng thêm án. Nhưng khi vừa trình bày xong, tôi như vỡ òa khi được các cán bộ động viên, ủng hộ. Cũng từ đó, tôi quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm được về đoàn tụ với vợ con”, Trắng kể.

Từ sự phấn đấu, khao khát hoàn lương, Trắng được giảm án xuống 20 năm, rồi 19, 17 năm... Sát Tết Nguyên đán năm 1996, Phạm Văn Trắng được ra tù sau 16 năm thi hành án. Đón Trắng ở cổng trại ngày ra tù là người vợ và đứa con gái đã được 10 tuổi.

Có lẽ đó là cái Tết ấm cúng, đáng nhớ nhất của Trắng khi từ đây, anh hoàn toàn là một công dân bình thường. Tháng Giêng năm 1997, một đám cưới nho nhỏ giữa Trắng và chị Nhật được tổ chức. Trắng cũng quyết định ở rể tại xứ Nghệ chứ không trở về Hải Phòng nữa.

Để nuôi gia đình nhỏ, anh làm mộc, công việc đã được học trong trại giam. Hai năm nay, do hạn chế về sức khỏe, người đàn ông này quyết định chuyển sang nghề chăn nuôi và trồng hoa quả. Niềm an ủi lớn nhất là cô con gái 28 tuổi học trường nghề ra, hiện đang có việc làm ổn định ở TP. HCM.

Hiện nay, cuộc sống của gia đình nhỏ này mặc dù còn khó khăn khi người vợ bị bệnh tai biến, nhưng chưa bao giờ cựu tù đã từng lĩnh án chung thân than thở hay nản lòng: “Lúc tôi rơi xuống vực thẳm, Nhật đã kéo tôi lên làm lại cuộc đời. Giờ vợ mắc bệnh, tôi phải bù đắp tất cả. Đó là điều hạnh phúc nhất của tôi”, Trắng cầm tay người vợ hiền với ánh mắt trìu mến.       

Gia đình Anh Trắng là tấm gương về nghị lực vươn lên

Chia sẻ với chúng tôi về gia đình này, ông Hoàng Đình Tâm, Trưởng công an xã Nghĩa Dũng cho hay: “Từ ngày định cư tại địa phương, anh Phạm Văn Trắng chưa vi phạm điều gì. Gia đình anh không những là tấm gương điển hình về làm kinh tế mà còn là gia đình tiêu biểu về việc xây dựng gia đình hạnh phúc”.

 

Theo Kim Long
Gia đình và xã hội