1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chuyện kể của người canh giữ tử tù

(Dân trí) - Bị chửi rủa, thậm chí bị ném cả chai dầu rửa bát vào người là chuyện như cơm bữa của những chiến sỹ công an làm người quản giáo buồng tử tù.

Đại úy Phan Viết Phúc: Nghề quản giáo là nghề nghe chửi đến bạc cả đầu.
Đại úy Phan Viết Phúc: "Nghề quản giáo là nghề nghe chửi đến bạc cả đầu".

Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An hiện quản lý, giam giữ hơn 1.000 can, phạm nhân, trong đó có 18 tử tù. Số tử tù này được phân thành 3 khu vực giam giữ B1, B2, B3 và do 3 cán bộ trực tiếp quản lý. Đối với phạm thường, công việc của quản giáo cũng không hề nhàn nhã một tý nào bởi hầu hết tội phạm “xộ khám” đều mang trong mình ít nhiều “máu yêng hùng” và hoàn toàn không hề dễ bảo. Nói vậy để thấy rằng quản lý những người đang chờ chết lại càng gian khổ và áp lực hơn nhiều.

Tử tù đều mang trong mình án nặng, không giết người cũng mua bán ma túy với số lượng lớn. Tức là những người “có số có má” ngoài giang hồ. Ở đời, họ xem cái chết nhẹ bẫng và tước đoạt mạng sống của người khác cũng nhẹ như một cái nháy mắt. Ấy vậy nhưng khi đã bị tuyên án tử, cận kề với cái chết thì họ lại sợ, sợ đến hoảng loạn. Họ gào thét. Họ khóc lóc. Họ đập phá. Và họ làm tình làm tội những người quản giáo - những người duy nhất gần gũi với họ lúc này.

“Những tử tù chúng tôi quản lý là những người “không còn gì để mất”, bởi vậy chúng cũng không biết sợ là gì. Đối với những tử tù ngoan, chấp hành kỷ luật tốt thì còn đỡ. Còn những tử tù quậy phá thì chúng không từ một thủ đoạn nào để chống phá cán bộ”, đại úy Phan Viết Phúc mở đầu câu chuyện của mình như thế.

Nhà tử tù B3 hiện chỉ còn 6 tử tù bởi 2 tử tù Lê Văn Tuấn và Phan Huy Đạt vừa mới được thi hành án cách đây hơn 1 tháng. Lê Văn Tuấn (SN 1980, quê Diễn Châu, Nghệ An) bị tuyên phạt án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Tuấn là tử tù có thời gian chờ thi hành án lâu nhất trong số các tử tù mà đại úy Phúc quản lý, hơn 5 năm trời. Lê Văn Tuấn cũng là tử tù đầu tiên được thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc tại Nghệ An.

Đại úy Phan Viết Phúc: Nghề quản giáo là nghề nghe chửi đến bạc cả đầu.
Nguyễn Văn Thành - kẻ bị tuyên án tử về tội giết người, hiếp dâm, trộm cắp tài sản nhưng ở trong phòng biệt giam, gã còn có biệt tài "chửi cán bộ quản giáo như hát hay".

5 năm, Lê Văn Tuấn đã quá quen với cuộc sống của kẻ bị xiềng chân đếm ngày đền tội. Chính vì thế, gã cũng nghĩ ra đủ chiêu trò “quái đản”, đủ mánh khóe, thủ đoạn để quậy phá, chống đối cán bộ. Một mình một buồng giam, chân bị xích lại nhưng cái mồm của gã tử tù chẳng bao giờ yên. Gã chửi hết bạn tù cùng dãy buồng rồi chửi sang cán bộ bằng những từ tục tĩu, khó nghe nhất. Chưa “đã”, gã lôi cả cha mẹ, họ hàng càn bộ quản giáo ra chửi “Nghe nhiều đến nỗi chẳng nghe thấy gì nữa cả”, đại úy Phúc cười.

Chửi, đó chỉ là “chuyện nhỏ” trong số những chiêu trò của tử tù. “Theo quy định, mỗi ngày tử tù được tháo xiềng, mở cửa buồng để vệ sinh, tập thể dục trong vòng 15 phút. Có lần, vừa mở cửa buồng, Lê Văn Tuấn xông sang buồng của một tử tù khác để đánh nhau. Hoặc có lần, chiếc màn đang lành lặn, Tuấn cũng xé cho rách bươm để đòi quản giáo mua cái mới chỉ vì “nạnh” tử tù khác được mình mua màn cho”, đại úy Phan Viết Phúc kể.

Còn đại úy Nguyễn Văn Vinh, quản lý buồng tử tù B2 mới được 8 tháng những cũng đã “vấp” phải những tử tù “không biết sợ là gì”. Nguyễn Văn Thành (SN 1989, quê Diễn Châu, Nghệ An) lĩnh án tử hình vì một lúc phạm 3 tội: giết người, hiếp dâm, trộm cắp tài sản. Gã tử tù có biệt tài “chửi như hát hay”. Gã có thể chửi cả ngày lẫn đêm. Và tất nhiên, đối tượng gã hướng tới không ai khác là các quán bộ quản giáo. Có lần, chửi chán, khi cán bộ đi kiểm tra các buồng, gã cầm nguyên chai nước rửa bát ném thẳng vào người đại úy Vinh chẳng một chút sợ hãi.

Đại úy Nguyễn Văn Vinh: Cán bộ quản giáo bị tử tù chửi là chuyện thường ngày.
Đại úy Nguyễn Văn Vinh: "Cán bộ quản giáo bị tử tù chửi là chuyện thường ngày".

Tử tù Nguyễn Tiến Thọ có lẽ là một trong những tử tù mà cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An “ngán” nhất. Thọ sinh năm 1972, quê Hải Phòng, bị tuyên án tử về tội mua bán trái phép chất ma túy và giết người. Biết tội mình khó thoát án tử, ngay khi vừa mới bị tạm giam chờ xét xử, gã đã nhiều lần tìm cách tự tử bằng cách trèo lên cây, trèo cột điện để nhảy xuống. Bởi vậy, khi được chuyển vào phòng biệt giam (năm 2009), gã cũng chẳng biết sợ là gì nữa.

“Những ngày đầu tiên vào đây, Thọ tuyệt thực rồi chửi bới suốt ngày. Ngồi trong phòng biệt giam, Thọ lớn tiếng đòi “bắn bố mày đi”. Trong suốt gần 5 năm ở đây, Thọ không từ một thủ đoạn nào để hành hạ quản giáo. Đến cả việc chia nước cho phạm, gã cũng có cách để đòi hỏi. Nước uống cho phạm, đặc biệt là tử tù phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhưng với Thọ, nhận nước xong, gã bảo “cán bộ đổ xà phòng vào nước uống của tôi” rồi nằng nặc bắt đổi nước khác. Nước tắm rửa, vệ sinh cho phạm, Thọ cũng gọi cán bộ vào “tố” nước không sạch, nhất định không chịu tắm rồi bắt phải đổi nước”, đại úy Nguyễn Văn Vinh kể.

Chửi bới là vậy, đủ cách hành hạ cán bộ quản giáo là vậy nhưng khi nhận lệnh đi thì hành án, cả Nguyễn Tiến Thọ, Nguyễn Văn Thành hay Lê Văn Tuấn đểu chỉ xin được gặp cán bộ quản giáo để nói lời xin lỗi và xin tha thứ. Như thế cũng đủ để hiểu cái tâm, cái tình của những người quản giáo đã cảm hóa những tử tù, để cho những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, họ cũng đã biểt đến yêu thương, biết sống như một con người.

Hoàng Lam