1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chuyên gia Tội phạm học “giải mã” vấn đề bạo lực trong dịp Tết

(Dân trí) - Trước hàng loạt vụ xô xát, ẩu đả, thậm chí dẫn đến án mạng vừa xảy ra trong dịp Tết, Trung tá, Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an - đã có những luận giải sâu sắc về căn nguyên của thực trạng này.

Trung tá Hiếu cho rằng, hiện tượng bạo lực đang gia tăng đáng lo ngại trong cộng đồng báo hiệu những điều bất thường trong tâm lý xã hội. Việc giải mã nguồn cơn của hiện tượng này, có ý nghĩa trong việc đề ra các giải pháp phòng ngừa, triệt tiêu các yếu tố tiêu cực là nguyên nhân phát sinh bạo lực cộng đồng.

Tác động tiêu cực của báo chí và mạng xã hội

PV: Vấn đề bạo lực trong dịp Tết không phải chuyện mới, nhưng vì sao lại làm nóng dư luận như chúng ta đã thấy?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Bạo lực công cộng ở nước ta không phải chuyện mới. Tuy nhiên, ở thời buổi bùng nổ về công nghệ thông tin, kỹ thuật số, thế giới phẳng bởi internet và hoạt động báo chí, mạng xã hội…, thông tin về bạo lực ở tất cả mọi nơi đến với cộng đồng nhanh hơn, đa chiều hơn, gây ra cảm giác chúng ta đang ở thời kỳ bạo lực lên ngôi.

Trung tá có thể nói rõ hơn về tác động tiêu cực của thông tin bạo lực trên báo chí và các diễn đàn mạng xã hội?

Việc xuất hiện quá nhiều thông tin bạo lực trên mạng xã hội và báo chí đã tác động tiêu cực đến tâm trạng xã hội, tạo tâm lý bất an, lo lắng, kích động. Khi người ta đã quá quen với bạo lực vì tần xuất xuất hiện của nó thì nó có thể trở thành một xu hướng ứng xử. Nghĩa là, khi có xích mích, người ta lại tìm cách giải quyết bằng nắm đấm chứ không chọn các giải pháp khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội và pháp luật.

Đặng Văn Hòa, nghi phạm gây ra cái chết của một nam thanh niên chỉ do mâu thuẫn từ việc nhiều lần gọi... tăm và giấy ăn ở quán ốc.
Đặng Văn Hòa, nghi phạm gây ra cái chết của một nam thanh niên chỉ do mâu thuẫn từ việc nhiều lần gọi... tăm và giấy ăn ở quán ốc.

Phải chăng người Việt đang ngày càng hung hãn hơn, thưa Trung tá?

Tôi nghĩ không đến mức gọi là hung hãn, nhưng phải thừa nhận, con người ta dường như càng ngày càng thiếu kiên nhẫn và kiềm chế. Hình như chất chứa điều gì đó rất không ổn bên trong tâm lý cá nhân, tâm lý nhóm, chỉ cần gặp tác nhân là bùng nổ để giải tỏa bằng sức mạnh cơ bắp. Người ta có thể đánh nhau, thậm chí giết người vì những nguyên nhân nhỏ nhặt: từ chuyện va chạm giao thông, va chạm không xin lỗi, nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời...

Đâu là nguồn cơn sâu xa của bạo lực?

Vậy theo Trung tá, nguồn cơn của thực trạng đáng buồn đó là gì?

Tôi nghĩ nhiều đến những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội. Những tiêu cực xã hội tồn tại trong môi trường sống hàng ngày tác động trực tiếp lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng giá trị của con người, nhất là với giới trẻ.

Chúng ta có rất nhiều lỗ hổng trong lời giải bài toán xây dựng con người. Hệ lụy của nó là sự vô cảm. Xu thế xã hội hiện nay đề cao giá trị vật chất, lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi. Biểu hiện của nó là con người có thái độ sống ích kỷ, chỉ biết mình, tâm lý chụp giật, tôn thờ vật chất, thờ ơ với nỗi đau đồng loại, vô cảm trước việc làm sai trái xảy ra hàng ngày, sẵn sàng cướp đoạt, trang giành nhau vì lợi ích. Đó là nguồn cơn sâu xa của bạo lực.

Trên cái nền tâm lý chung đó, con người lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động lên tâm lý. Vì vậy, khi nảy sinh mâu thuẫn bức xúc, họ có thiên hướng chọn giải pháp “tự xử”, dùng bạo lực để giải quyết chứ không làm theo đòi hỏi của pháp luật.

Nguyễn Quang Thành và con dao Thành dùng để đâm chính người can ngăn mình gây sự.
Nguyễn Quang Thành và con dao Thành dùng để đâm chính người can ngăn mình gây sự.

Bạo lực chủ yếu rơi vào nhóm thanh thiếu niên. Nhóm xã hội này đang chịu những tác động rất xấu của môi trường, đó là văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, các trò game online bạo lực. Hơn nữa, chính lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm, sẵn sàng tàn nhẫn với người khác của cha mẹ, người lớn xung quanh... vô hình trở thành khuôn mẫu ứng xử cho trẻ khi chúng vướng phải các vấn đề cần giải quyết.

Cần làm gì khi rơi vào vụ ẩu đả?

Trung tá thử cắt nghĩa nguyên do của những vụ ẩu đả ngày Tết?

Trước hết, Tết là dịp nhu cầu chi tiêu, mua sắm tăng cao, lúc này ai cũng cần tiền. Các khoản vay trong năm không trả, xù nợ, trốn nợ... rất dễ dẫn đến những hành động bạo lực để thu nợ, giải tỏa bức xúc.

Tết còn là thời điểm giao thông phức tạp, mọi người đổ ra đường, về quê, đi lại thăm hỏi, mua sắm... Việc xảy ra va quệt giao thông là khó tránh khỏi. Khi không có một phông văn hóa ứng xử phù hợp, người ta dễ dùng đến nắm đấm để giải quyết.

Ngày Tết là dịp gặp gỡ, rượu chè. Dưới tác động của nồng độ cồn, khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi của con người có thể xuống đến mức thấp nhất. Khi đó, chỉ cần những xung động thần kinh nhỏ, lời qua tiếng lại, hay bức xúc chuyện gì đó là người ta đã có thể đánh nhau.

Vậy thưa Trung tá, cần làm gì để có thể bảo đảm an toàn trong một xã hội có phần bất an vì bạo lực cộng đồng như hiện nay? Chẳng may vướng vào một vụ xung đột, cần làm gì để thoát ra?

Tôi cho rằng cần phải sở hữu những kỹ năng ứng xử cần thiết khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội, nhất là khả năng quan sát, nhận diện những nguy cơ có thể đến với mình để chủ động phòng tránh.

Kỹ năng ứng phó với một vụ bạo lực tùy thuộc vào vai trò của mình trong sự kiện đó. Nếu chỉ là người chứng kiến, cần tỉnh táo khi quyết định can thiệp vào một vụ ẩu đả có nguy cơ biến thành xung đột lớn. Nếu tự thấy không có đủ khả năng và trách nhiệm giải tán đám đông thì nên tránh xa vì chính bạn có thể trở thành bị hại khi xen vào đám đông đang kích động hay bị nhầm là đồng bọn của kẻ họ đang trút giận.

Trường hợp chính mình là nạn nhân, cách thoát ra khỏi một cuộc ẩu đả là tránh hẳn. Xử sự khôn ngoan là mềm mỏng, không đôi co vì sĩ diện, sẵn sàng nhận sai và xin lỗi đối phương. Nếu đối phương vẫn hùng hổ xấn tới thì giải pháp khôn ngoan là chạy. Hãy chạy vào nhà dân, chạy đến các chốt công an đang làm nhiệm vụ trên đường, vừa chạy vừa kêu cứu.

Chạy khỏi khu vực nguy hiểm không hề là hèn nhát, mà đó là cách mạnh mẽ nhất để bạn bảo vệ bản thân mình. Trường hợp bị “đuổi cùng giết tận”, hãy nhớ rằng pháp luật dành cho bạn quyền phòng vệ chính đáng.

Bạn có quyền tự vệ bằng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công đang thực tế diễn ra. Kể cả bạn gây ra những thiệt hại cho kẻ tấn công, hành vi đó cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tính chất phòng vệ đã loại bỏ tính nguy hiểm của hành vi chống trả.

Xin cảm ơn Trung tá!

Tiến Nguyên