Cảnh giác với các chiêu trò trao đổi, mua bán tiền giả qua mạng xã hội
Tiền thật được trao đổi lấy tiền giả giống y như thật với tỉ lệ 1 đổi 6, đổi 7 hoặc thậm chí 1 đổi 10 đang là những lời quảng cáo gây sốt trên mạng xã hội facebook trong thời gian qua. Không ít người đã cả tin bị các đối tượng xấu lừa đảo. Người tiêu dùng nên cảnh giác để không bị mắc bẫy các đối tượng lừa đảo.
Ngập quảng cáo tiền thật đổi tiền giả trên facebook
Thời điểm cuối năm, các dịch vụ đổi tiền trên mạng bắt đầu rầm rộ. Nhiều tài khoản facebook tung lên các chiêu quảng cáo tung trời. Đáng chú ý đó là dịch vụ dùng tiền thật mua tiền giả. Một facebooker có tên Thanh Yen Nguyen đưa ra lời mời chào: “Bên mình cho đổi 1 triệu tiền thật lấy 6 triệu tiền giả. Tỉ lệ 1 triệu đổi 6 triệu. Tiền giả giống 98% tiền thật làm từ polyme có Bác Hồ chìm giặt không ra màu chỉ khác một điều là số seri của các tờ có cùng mệnh giá giống nhau, chỉ khi ra máy quét ngân hàng mới bị phát hiện, đi chợ mua hàng tạp hoá đổ xăng thì không sao hết”. Để khách hàng yên tâm, chủ tài khoản facebook này còn quảng cáo thêm “bên mình sẽ lo lót từ A-Z, các bạn cứ yên tâm. Nhận ship hàng toàn quốc”. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn chủ tài khoản này cũng đưa ra lời nhắn “không giao dịch trực tiếp dưới mọi hình thức”.
Tại trang facebook có tên “Buôn bán tiền giả (Uy tín, chất lượng)” có lượng người theo dõi lên đến gần 5.000 người cũng thường xuyên xuất hiện các hình ảnh các cột tiền polyme với các mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng… với các lời chào như “khách hàng chuẩn bị nhận tiền nha, đi giao cho khách, các bạn ai muốn mua thì inb thẳng cho mình nhé”. Những thông tin trên thu hút đến hàng trăm lượt like, lượt tiếp cận.
Một số người vì hám lợi mà bất chấp thực hiện giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của các chủ tài khoản trên và rồi đợi mãi không thấy tiền chuyển lại thì mới té ngửa ra là mình bị lừa.
Cảnh giác không mắc “bẫy” tiền giả
Trao đổi với PV Lao Động, đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội khẳng định, những trang facebook đăng tải thông tin như vậy là giả mạo, lừa đảo.
Những người sử dụng trang facebook này luôn ẩn danh, đối tượng ngồi ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc với bị hại. “Phần lớn những kiểu lừa đảo này đều được bóc mẽ, ít người quan tâm. Tuy nhiên, cũng có những người chưa hiểu rõ, sự thiếu hiểu biết, ý thức vì cộng đồng, ý thức của người dùng chưa được nâng cao tinh thần cảnh giác nên có thể đã bị dính bẫy”, cán bộ này nói thêm.
Trong năm 2016, PC50 đã đề nghị xử lý hình sự 23 đối tượng và bàn giao nhiều đối tượng khác cho cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, tỉ lệ người vi phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chiếm gần 50%.
Theo ông Tô Vũ Tuấn - chuyên viên Ngân hàng HD Bank khuyến cáo để tránh rủi ro khi giao dịch mọi người nên kiểm tra tờ bạc của mình bằng những cách thủ công như: (1) Soi tờ bạc trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị); (2) Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); (3) Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, hình ẩn nổi…); (4) Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); (5) Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
Theo Vương Trần - Cao Nguyên
Lao động