1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cán bộ Đồng Tâm bán đất để xây dựng công trình xã?

(Dân trí) - “Cán bộ bán đất lấy kinh phí xây dựng các công trình cho xã. Đề nghị HĐXX xem xét việc làm các lãnh đạo qua các thời kỳ vì nhân dân xã Đồng Tâm...” là ý kiến đại diện UBND xã Đồng Tâm nói trước phiên tòa xét xử hàng loạt cán bộ của địa phương chiều nay.

17h58, HĐXX kết thúc phần xét hỏi. Tòa tạm nghỉ. Sáng 9/8, phiên tòa tiếp tục diễn ra.

17h24, HĐXX công bố lời khai của một số người có nghĩa vụ liên quan nhưng vắng mặt tại phiên tòa.

16h35, Các luật sư tham gia xét hỏi nhằm làm rõ các tình tiết trong vụ án, gỡ tội cho thân chủ của mình. Câu hỏi của 6 luật sư đối với 14 bị cáo xoay quanh việc xác định năng lực hành vi, nhận thức pháp luật của các bị cáo cũng như làm rõ trách nhiệm của từng bị cáo trong từng hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ.

16h05, đại diện Viện kiểm sát tham gia thẩm vấn, đề nghị các bị cáo phải nhận thức rõ hành vi vi phạm của chính mình, từ đó khai báo thành khẩn mới có cơ hội hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.


Luật sư tham gia xét hỏi

Luật sư tham gia xét hỏi


Đại diện Viện kiểm sát tham gia thẩm vấn

Đại diện Viện kiểm sát tham gia thẩm vấn

Bán đất vì phát triển... địa phương

15h24, HĐXX xét hỏi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trả lời HĐXX, đại diện UBND xã Đồng Tâm nêu quan điểm về việc xử lý các diện tích đất được hợp thức hồ sơ để cấp GCNQSDĐ. Theo vị đại diện này, trước kia, các cán bộ xã giao, cấp, bán đất trái thẩm quyền một phần do tình hình địa phương.

“Cán bộ bán đất lấy kinh phí xây dựng các công trình cho xã. Đề nghị HĐXX xem xét việc làm các lãnh đạo qua các thời kỳ vì nhân dân xã Đồng Tâm.” - đại diện UBND xã Đồng Tâm nói.

Đồng quan điểm với đại diện UBND xã Đồng Tâm về việc các cán bộ thực hiện giao, cấp đất trái thẩm quyền do nhu cầu của địa phương, đại diện UBND huyện Mỹ Đức cho rằng, một số khu đất được giao trái thẩm quyền nhưng không vi phạm quy hoạch chung của địa phương, phù hợp quy hoạch đất ở, hiện nay người dân đang sử dụng ổn định.

Từ đó, đại diện UBND huyện Mỹ Đức đề nghị các cấp chính quyền có phương án xử lý để người dân sinh sống. Các trường hợp khác đề nghị xử lý theo quy định hiện hành.

Cán bộ huyện đổ lỗi cho cán bộ xã

14h48, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Trần Trung Tấn (cựu cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức), người bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thừa nhận cáo trạng truy tố đúng hành vi sai phạm của mình, Trần Trung Tấn cho biết, bản thân được Văn phòng đăng ký đất đai phân công theo dõi biến động, làm thủ tục cấp GCNQSDĐ.

Tuy nhiên, khi được hỏi về trình tự cấp GCNQSDĐ, cựu cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai này lại cho rằng, thời điểm đó, bản thân bị cáo là cán bộ hợp đồng mới nên… không biết gì. Khai trước tòa, Trần Trung Tấn khẳng định mình không được hưởng lợi gì trong việc xem xét thẩm định, xác nhận hồ sơ cấp GCNQSDĐ.

Cho rằng cáo trạng truy tố mình có nhiều điểm không đúng, Đinh Văn Dũng (nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) “đổ lỗi” cho cán bộ xã Đồng Tâm. Bị cáo Dũng cho rằng, chính quyền xã Đồng Tâm đã lợi dụng một số kẽ hở của luật pháp để hợp thức hóa hồ sơ, xác nhận sai nguồn gốc đất.

“Về thủ tục, chúng tôi không sai. Đề nghị xem xét lại trách nhiệm của chính quyền xã.” - bị cáo Dũng nói trước tòa.

“Bị cáo đã hoàn thành trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ chưa? Cáo trạng truy tố bị cáo về tội danh trên có oan sai không?” - tòa hỏi.

“Tôi thiếu trách nhiệm là không phát hiện ra sự dối trá, lừa đảo, không trung thực ở dưới cơ sở.”- bị cáo Dũng đáp.

Bên cạnh đó, bị cáo Dũng không đồng ý với quy kết của Viện KS về số tiền bị cáo gây thiệt hại.

Trả lời trước tòa, bị cáo Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố. Đông được xác định đã ký xác nhận 4/12 hồ sơ với tổng diện tích 625 m2, gây thiệt hại hơn 580 triệu đồng.

HĐXX xét hỏi kỹ về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ để làm rõ sai phạm của bị cáo Đông cũng như các bị cáo khác. Đồng quan điểm với bị cáo Dũng, bị cáo Đông khẳng định: “Thủ tục chúng tôi đã làm đúng. Cái sai là do hội đồng tư vấn đất đai và người dân kê khai sai, chúng tôi không phát hiện ra được, họ khép kín từ đầu đến cuối như vậy.”.


Bị cáo Đinh Văn Dũng

Bị cáo Đinh Văn Dũng

Là người trả lời thẩm vấn cuối cùng, bị cáo Phạm Hữu Sách (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Mỹ Đức), thừa nhận, sai sót của bị cáo chủ yếu trong thẩm định nguồn gốc đất. “Chủ yếu sai ở các cán bộ thẩm định, không phát hiện ra gian dối trong hồ sơ nên đã đăng ký hồ sơ đủ điều kiện để bị cáo ký tờ trình.” - bị cáo Sách khai.

“Bị cáo có thẩm định lại hồ sơ không?” - tòa hỏi. “Khi có can thiệp làm sai lệch hồ sơ, cán bộ thẩm tra không phát hiện ra. Theo quy trình, Phòng TNMT có bộ phận thẩm định hồ sơ, sau đó bị cáo ký nháy vào tờ trình để trình huyện cấp GCNQSDĐ.” - Phạm Hữu Sách đáp. Theo khai nhận của bị cáo Sách, thời điểm có sai phạm, tại xã Đồng Tâm chỉ có 2 loại bản đồ năm 2003 và 2009, cả 2 đều được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

“Hai loại bản đồ đều xác định rõ đất các hộ, cho thấy các cán bộ đã tính toán từ rất lâu, từ 2002. Họ đều dựa vào 2 bản đồ đó, làm sai lệch hồ sơ. Huyện không có đủ hồ sơ hoàn chỉnh, cơ sở thẩm tra không có, chỉ dựa vào tài liệu xã cung cấp.” - nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Mỹ Đức khai.


Bị cáo Phạm Hữu Sách

Bị cáo Phạm Hữu Sách

Cán bộ địa chính xã hợp thức hóa hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ

Là người cuối cùng trả lời thẩm vấn trong nhóm bị cáo bị xét xử tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Nguyễn Xuân Trường (nguyên cán bộ địa chính xã) thừa nhận lời khai 9 bị cáo đã khai trước đó là đúng. Bị cáo Trường cũng cho rằng, số tiền thu lời bất chính, bị cáo không trực tiếp thu.

Nguyễn Xuân Trường bị cáo buộc đã cùng Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn cấp, bán đất, giao đất trái thẩm quyền cho 9 hộ với tổng diện tích 1.652,5 m2, thu số tiền vụ lợi 21 triệu đồng; cấp, giao đất cho 11 hộ không đúng đối tượng với tổng diện tích 1.285 m2, không thu tiền sử dụng đất;

Giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân với tổng diện tích 2.638 m2, thu số tiền vụ lợi hơn 1,566 tỷ đồng; hợp thức đất lấn chiếm cho 2 hộ dân với tổng diện tích 552 m2.

Đối với việc lập hồ sơ và hợp thức hồ sơ 13 trường hợp để đề nghị huyện Mỹ Đức cấp GCNQSDĐ, bị cáo Trường khai, trong việc cấp “sổ đỏ”, người dân mang chứng minh thư đến, ghi tên vào sổ, mọi giấy tờ đều nhờ cán bộ xã làm hết.

HĐXX xét hỏi cặn kẽ từng trường hợp kê khai hồ sơ và hợp thức hóa hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ có “dấu tích” của Nguyễn Xuân Trường, với chức trách là cán bộ địa chính xã.


Toàn cảnh phiên xử chiều nay

Toàn cảnh phiên xử chiều nay

"Mình không mua thì người bên cạnh cũng lấn chiếm"...

14h, Bị cáo Nguyễn Văn Bột (nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm) khai nhận bản thân mua 1 suất đất rộng 100 m2. Tuy nhiên, bị cáo Bột cho rằng, diện tích đất này do em trai bị cáo có trong danh sách được mua đất nhưng không mua vì chê đất nghĩa địa, giá lại cao. Khi mua suất đất trên, bị cáo Bột để con trai đứng tên.

Thừa nhận bản thân không nằm trong diện được giao đất, bị cáo Bột cho rằng “em trai mình không mua thì mình mua”, hơn nữa đất đó “ế ẩm” xen kẹt nhiều năm, “mình không mua thì người bên cạnh cũng lấn chiếm”. Sau khi mua diện tích đất trên, bị cáo Bột chuyển công tác, từ đó, bị cáo không biết đất chỗ nào. “Khu đất đó chưa có biên bản bàn giao, chưa được đo đạc, tôi không biết chính xác khu đất ở chỗ nào.” - nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm khai trước tòa.

Cũng theo lời khai của bị cáo Bột, năm 2013, nhận thấy chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, bị cáo đã trực tiếp trả lại GCNQSDĐ tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mỹ Đức. Khẳng định bản thân không ký bất kỳ giấy tờ nào đề nghị cấp giấy chứng nhận, bị cáo Bột cho rằng mình... nhầm với đơn của con trai. Bác lại, chủ tọa phiên tòa đọc lại các bút lục lời khai của Bột tại cơ quan điều tra.

Tòa hỏi: “Nếu chỉ là người dân bình thường, bị cáo có được giao đất không?”, bị cáo Bột trả lời vòng vo nhưng cũng thừa nhận, cấp xã không có thẩm quyền bán đất. Cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa chính xác, bị cáo Bột cho rằng, bản thân bị cáo chỉ là người đi mua đất. Thời điểm đó, bị cáo không còn chức năng nhiệm vụ gì ở xã nữa. Từ đó, bị cáo xin HĐXX công minh xem xét.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Sơn (nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm) cho rằng, năm 2008, xã lập biên bản thống nhất giữa Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10/12/2002 là ghi nhận tinh thần của Hội nghị năm 2002.

Sơn khai rằng, các đối tượng là cán bộ xã không nằm trong danh sách được giao đất nhưng nhiều do nhiều người dân không mua vì chê đất nghĩa địa.

“Lúc đó, anh em thống nhất là người ta không mua thì giao cho anh em. Sau này được cán bộ điều tra giải thích tôi mới biết sai phạm của mình.” - bị cáo Sơn khai.

Nguyễn Văn Sơn bị cáo buộc giao đất trái thẩm quyền cho 4 hộ với tổng diện tích hơn 1.090 m2, thu tổng số tiền vụ lợi 28,5 triệu đồng (để ngoài ngân sách xã 15 triệu đồng); cấp, giao đất cho 11 hộ không đúng đối tượng với tổng diện tích 1.285 m2, không thu tiền sử dụng đất; giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân với tổng diện tích 2.638 m2, thu số tiền vụ lợi hơn 1,566 tỷ đồng (để ngoài ngân sách xã 50 triệu đồng).

Bản thân Nguyễn Văn Sơn được hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích 331,3 m2 không phải nộp tiền sử dụng đất.

13h30 chiều, Phần xét hỏi bắt đầu với bị cáo Nguyễn Văn Minh, nguyên Trưởng Công an xã Đông Tâm. Bị cáo Minh thừa nhận có ký vào biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10/12/2002.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh
Bị cáo Nguyễn Văn Minh

Tuy nhiên, bị cáo khai rằng, biên bản trên do Nguyễn Xuân Trường (nguyên cán bộ địa chính xã) đưa cho ký. Bị cáo Minh không xem, chỉ nghe bị cáo Trường nói các cơ quan nhất trí cho mỗi người một suất đất, nếu mua thì ký vào biên bảo nên Minh đã ký.

“Đến giờ tôi không biết diện tích đất, giá cũng không biết. Sau khi ký biên bản, tôi chưa làm thủ tục gì, không biết đất ở đâu.” - bị cáo Minh nói và khai rằng, bản thân không trong diện được giao đất nhưng do gia đình đông anh chị em, khi được thông báo có suất thì mua. “Hiện nay, tôi cùng không biết đất ở đâu, như thế nào, ai sử dụng. Khi có kiện cáo, tôi chưa làm nghĩa vụ tài chính và tôi đã có đơn xin không mua nữa, trả lại diện tích đất được giao.” - bị cáo Minh khai trước tòa.

Trước đó, sáng cùng ngày (8/8), phiên tòa xử các cựu cán bộ giao, cấp đất trái thẩm quyền ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn đang tiến hành phần xét hỏi các bị báo.

6 bị cáo trả lời thẩm vấn của HĐXX, gồm: Nguyễn Văn Đức (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã), Nguyễn Văn Khang (nguyên kế toán ngân sách xã), Bùi Văn Dũng (nguyên Trưởng ban Tài chính xã), Bùi Văn Hồng (nguyên Xã đội trưởng), Nguyễn Tiến Triển (nguyên Bí thư Đảng ủy xã) và Lê Đình Thuần (nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm).

Phần lớn các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, một số bị cáo “nại” nhiều lý do như áp lực công việc, thiếu hiểu biết pháp luật để bao biện cho sai phạm của mình.

Tiến Nguyên