1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Khánh Hòa:

Các thuộc cấp của Dương Chí Dũng đều thừa nhận hành vi phạm tội

(Dân trí) - Trong ngày xét xử đầu tiên vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines năm 2008, các thuộc cấp của Dương Chí Dũng đều thừa nhận hành vi phạm tội và thành khẩn khai báo tại tòa.


Sau phần đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng, bị cáo Phạm Bá Giáp (SN 1972), Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) được đưa ra xét hỏi đầu tiên.

Ba bị cáo khác gồm: Trần Hải Sơn (SN 1960), cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Văn Quang (SN 1976), Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng (SN 1979), Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin đã được cách ly độc lập tại các phòng riêng trong thời gian HĐXX tiến hành xét hỏi công khai bị cáo Giáp.

Vụ tham ô sửa chữa ụ nổi 83M: Dương Chí Dũng “ung dung” nghe tòa xét xử thuộc cấp
Vụ tham ô sửa chữa ụ nổi 83M: Dương Chí Dũng “ung dung” nghe tòa xét xử thuộc cấp
Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng được dẫn giải đến tòa án tỉnh Khánh Hòa trong buổi xét xử chiều nay, 11/11.

Theo kết quả điều tra, trong vụ án này, Sơn, Quang đã móc nối với Hùng và Giáp thực hiện hành vi gửi giá và lập khống khối lượng vật tư sửa chữa ụ nổi 83M trong 2 hợp đồng vào ngày 12/8/2008 (sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn) và hợp đồng ngày 20/8//2008 (sửa chữa một số công việc phần van, ống, máy, phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M) để rút tiền Nhà nước chiếm hưởng cá nhân. Trong đó, Sơn chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng; Quang chiếm đoạt 857 triệu đồng; Hùng chiếm đoạt hơn 395 triệu đồng và Giáp chiếm đoạt hơn 178 triệu đồng.

Trong hồ sơ vụ án cho thấy, vào đầu tháng 7/2008, khi việc sửa chữa phần vỏ ụ nổi 83M gần kết thúc, Hùng thấy còn một số khối lượng phần vỏ ụ nổi bằng thép và kẽm chống ăn mòn cần phải được thay nên nói với Quang cho Hùng thi công hạng mục này. Để ký và thanh quyết toán phần việc sửa chữa này, Hùng đã gặp Giáp để nhờ cho mượn pháp nhân Công ty Nguyên Ân.

Theo cơ quan công tố, Giáp đã thực hiện hành vi cho mượn tư cách pháp nhân Công ty Nguyên Ân để ký hợp đồng, ký thanh quyết toán và thanh lý hợp 2 hợp đồng ngày 12/8/2008 và 20/8/2008 để giúp Sơn, Quang tham ô, riêng Giáp chiếm đoạt hơn 178 triệu đồng.

Tại tòa, bị cáo Giáp thừa nhận hành vi phạm tội của mình, bản cáo trạng truy tố bị cáo với vai trò giúp sức là thỏa đáng. Giáp khai quy trình thanh toán là Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines chuyển thẳng tiền vào tài khoản rồi Giáp rút ra để giao lại cho Hùng. Còn việc chi tiêu, chia chác sau đó là quyền của Hùng.

Giáp nói mình chỉ đứng ra ký kết, thanh quyết toán hợp đồng chứ không hề nghe Hùng nói đến việc nâng giá sắt, nâng khối lượng vật tư hay gửi giá. “Bị cáo chỉ biết ký kết hợp đồng, còn việc Hùng thi công như thế nào thì bị cáo không biết. Bị cáo cũng không biết tiền đó là tiền tham ô của nhà nước”, bị cáo Giáp khai.

Các bị cáo bị truy tố đứng trước vành móng ngựa.
Các bị cáo bị truy tố đứng trước vành móng ngựa.

Bị cáo thứ 2 được Tòa đưa ra xét hỏi là Trần Bá Hùng, Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin. Việc xét hỏi bị cáo Hùng kéo dài từ trưa ngày 11/11 đến hơn 15h chiều cùng ngày.

Tại tòa, Hùng thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố bị cáo là đúng. Hùng thừa nhận tại tòa việc mình hưởng lợi số tiền 395 triệu đồng là vi phạm pháp luật. Trả lời tại tòa, Hùng khai việc đưa tiền chia chác cho Giáp đó là “lợi nhuận thi công” chứ không đề cập số tiền đó là do chiếm đoạt bất hợp pháp, tham ô mà có.

Bị cáo Trần Văn Quang, Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là người được xét hỏi tiếp theo. Cũng như 2 bị cáo trước, Quang thừa nhận hành vi phạm tội bị truy tố là đúng và khai trong số tiền 2,2 tỷ đồng từ hợp đồng đầu tiên (sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn) mà Hùng chuyển cho bị cáo và bị cáo đã báo cáo cho Sơn biết. Sau đó, theo chỉ đạo của Sơn, Quang đã chuyển số tiền này cho Sơn.

Đến khoảng 17h ngày 11/11, tòa tạm hoãn việc xét hỏi bị cáo Quang. Dự kiến ngày mai, tòa tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Quang, Sơn cùng các nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines ngồi khá “ung dung” ở hàng đầu nghe tòa xét xử thuộc cấp.
Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines ngồi khá “ung dung” ở hàng đầu nghe tòa xét xử thuộc cấp.
Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines ngồi khá “ung dung” ở hàng đầu nghe tòa xét xử thuộc cấp.

Trong ngày xét hỏi đầu tiên, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng được triệu tập tới tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Dương Chí Dũng ngồi dự tòa ở hàng nghế đầu tiên khá thoải mái, ung dung và trao đổi với người thân trước khi tòa bắt đầu làm việc và sau khi tòa kết thúc xét xử.

Theo tòa việc triệu tập Dương Chí Dũng có vai trò quan trọng trong việc làm rõ vụ án. Vì tại cơ quan điều tra, Sơn khai trong số tiền chiếm đoạt đã đưa cho Dương Chí Dũng 150 triệu đồng vào các dịp lễ, tết và Dũng thừa nhận khoản tiền này. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng cho rằng việc Sơn biếu là tự nguyện, Dũng không ép buộc hay hứa hẹn gì và không hề biết nguồn gốc số tiền này.

Ngày mai (12/11), tòa tiếp tục xét xử.

Viết Hảo