Ngày xét xử thứ 4 vụ Tham ô tài sản tại ALCII:
Các bị cáo đồng loạt kêu oan, không nhận tội tham ô
(Dân trí) - Ngày 19/9, Phiên tòa xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại công ty cho thuê tài chính II – ALCII (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) tiếp tục với phần bào chữa. Các bị cáo đồng loạt kêu oan, không nhận tội "Tham ô tài sản".
Bào chữa cho bị Hoàng Lộc, nguyên Tổng giám đốc công ty Cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam – Vinaco, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng VKS không có căn cứ quy kết tội “Tham ô tài sản” đối với Hoàng Lộc. Bị cáo Lộc cho có sai phạm nhưng không phạm tội "Tham ô" như VKS kết luận. Nếu có thì bị cáo chỉ có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn… do nể nang bạn bè mà thôi. Bị cáo Lộc không hề biết Vũ Quốc Hảo là ai. Sau này bị cáo Lộc mới được điều tra viên vụ án cho biết là công ty Cát Long Hải bán tàu cho công ty ALCII với giá là 130 tỷ đồng. Sau đó thì công ty ALCII giải ngân cho công ty Cát Long Hải 130 tỷ đồng.
Vị luật sư cho rằng, trong sự việc này bị cáo Hoàng Lộc chỉ làm công việc thuần túy là thẩm định giá đối với tàu lặn Tinro 2, khi Phạm Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cát Long Hải) nhờ thẩm định để vay vốn ngân hàng. Hoàng Lộc căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký tạm thời để tiến hành thẩm định. Tàu lặn Tinro 2 lúc này thuộc công ty Cát Long Hải, có đầy đủ giấy tờ như: giấy chứng nhận tạm thời tàu biển Việt Nam, giấy chứng nhận khả năng đi biển, giấy chứng nhận cấp tàu. Nếu là đống sắt vụn như VKS kết luận thì tại sao cục Đăng kiểm lại cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, Hoàng Lộc còn căn cứ vào hồ sơ nghiệm thu của Nga. Trong đó đánh giá con tàu vận hành bình thường, các hệ thống đều hoạt động đảm bảo yêu cầu, tàu lặn sâu 400m, giá trị tàu còn 85%. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, tham khảo giá cả từ trang Web về xuất xứ của con tàu này để so sánh giá cả, Hoàng Lộc đưa ra giá khoảng 80 – 130 tỷ đồng. Việc thẩm định này rất khó vì ở Việt Nam không có chiếc thứ hai.
Cũng theo LS Nguyễn Thị Hằng Nga thì với tội "Tham ô" thì dấu hiệu bắt buộc là mặt chủ quan của tội phạm do lỗi cố ý trực tiếp, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, động cơ phạm tội là tư lợi. Nhưng, ngoài khoản tiền thù lao 39 triệu đồng theo hợp đồng mà công ty Cát Long Hải trả cho Vinaco thì bị cáo Lộc không hề được hưởng về vật chất hay lợi ích nào từ việc thẩm định trên. Vì vậy không có cơ sở kết luận bị cáo Hoàng Lộc có hành vi tham ô.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Xuân Bính (Đoàn luật sư Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Hòa, giám đốc công ty Cát Long Hải cho rằng thân chủ của mình không đồng phạm tội “Tham ô tài sản” với Vũ Quốc Hảo.
Theo luật sư, trong việc ký các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc đề nghị thẩm định giá tàu Tinro 2 ( hợp đồng với công ty Vinaco) và ký hợp đồng mua bán tàu Tinro 2 với công ty ALCII; ký hợp đồng cho thuê tài chính với tàu Tinro 2, Vũ Đức Hòa (là em họ của Vũ Quốc Hảo) đều làm theo sự chỉ đạo, sắp xếp trước của Vũ Quốc Hảo và Phạm Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cát Long Hải). Do đó, Vũ Đức Hòa là thụ động, bị sai khiến và không thể làm khác được, giống như một nhân viên làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Còn bị cáo Hòa một mực khẳng định,“Nếu biết sai trái thì bị cáo đã không làm theo lời sai khiến của ông Hảo”.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TPHCM) bào chữa cho bị Lê Thị Minh Huệ (Kế toán trưởng Cát Long Hải) cho rằng bị cáo chỉ làm việc theo yêu cầu, hồ sơ sẵn có. Huệ chỉ thỏa thuận với công ty Cát Long Hải với mức giá rẻ hơn. Huệ không hề hưởng lợi gì từ việc mua bán này. Nên VKS quy kết bị cáo tội tham ô tài sản là không có căn cứ. Đề nghị HĐXX xem xét không tuyên bị cáo tội "Tham ô tài sản".
Bị cáo Huệ thành khẩn: “Bị cáo chỉ làm công ăn lương, không tham gia bàn bạc gì về vụ việc này. Sau này mới biết vụ mua bán của công ty Cát Long Hải là để xử lý nợ xấu cho ALCII”.
Luật sư Hồ Hoài Nhân (Đoàn luật sư TPHCM) đề nghị HĐXX xem xét về mặt tội danh đối với bị cáo Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng giám định công ty Vinaco). Luật sư lập luận, bị cáo chỉ là nhân viên giám định việc theo yêu cầu của Thẩm định viên lúc đó. Bị cáo Lê Phúc Đức cũng kêu oan, khi cho rằng mình không hưởng lợi gì trong vụ án này và cũng không biết gì cả. Bị cáo chỉ đơn thuần chỉ giám định kỹ thuật.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó Tổng giám đốc ALCII), Phạm Xuân Nghị (nguyên trưởng phòng cho thuê ALCII), Đinh Nguyên Tý (nguyên Phó phòng cho thuê ALCII) và Nguyễn Văn Thọ (nguyên Phó phòng cho thuê ALCII), Phùng Văn Đồng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh ALCII) đều cho rằng VKS cáo buộc các bị cáo tội "Tham ô tài sản" là không phù hợp, không có cơ sở và đề nghị xem xét lại tội danh. Còn các bị các một mực kêu oan.
Trong khi đó, bị cáo Vũ Quốc Hảo mong muốn kết thúc vụ án sớm, đề khắc phục hậu quả thông qua việc bán đấu giá tài sản. Đồng thời, bị cáo Hảo mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho các đồng nghiệp vì “đã giúp sức cho bị cáo không vì mục đích lợi nhuận mà chỉ vì xử lý nợ xấu của các công ty con”.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào thứ Hai (22/9), với phần đối đáp giữa đại diện VKS, các luật sư và bị cáo, PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin
Quốc Anh