Bữa cơm đặc biệt dịp Tết của những người lầm lỗi
(Dân trí) - Bữa cơm tất niên là sự ghi nhận cố gắng trong quá trình lao động cải tạo của các phạm nhân. Hoạt động này đã khơi gợi tình cảm gia đình để họ vượt qua lỗi lầm, sớm được trở về.
Bữa cơm tất niên đã trở thành thông lệ, được Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức hàng năm. Đây là món quà Tết của Ban giám thị và cán bộ quản giáo, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của phạm nhân trong quá trình lao động cải tạo, chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật buồng giam... trong năm qua.
Thượng tá Đinh Trọng Dung - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết: "Vào những ngày Tết đến, Xuân về, ai cũng muốn sum vầy bên gia đình đón thời khắc năm mới. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm cho mong ước chính đáng này của các phạm nhân và tổ chức cho họ một bữa cơm tất niên.
Bữa cơm giúp họ cảm nhận được sự quây quần ấm áp, dẫu không được ở cạnh gia đình; giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà, khơi gợi những tình cảm tốt đẹp, hướng về gia đình để các phạm nhân yên tâm cố gắng cải tạo, để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình, với xã hội".
Sau phần chúc Tết ngắn gọn của Ban giám thị, 130 phạm nhân tiến vào những dãy bàn được bày biện sẵn mâm cỗ. Một cành đào phai cũng đã được cán bộ đưa vào trước đó, trang trí đèn nháy rực rỡ. Không khí Tết như tràn ngập không gian...
Mâm cỗ có bánh chưng, có thịt đông, có gà luộc, cá hấp, dưa món, cải xào, canh xương hầm củ quả và 1 chai nước ngọt. "Tất cả nguyên liệu để làm mâm cỗ này đều là thành quả lao động cải tạo của các anh chị em phạm nhân trong quá trình thi hành án tại đây", Trung tá Lê Xuân Hạnh - Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho hay.
Tiếng chạm ly leng keng, tiếng cười nói rôm rả... Những phạm nhân trẻ tuổi chọn những thức ăn ngon nhất gắp vào bát phạm nhân lớn tuổi. Ở nơi xa gia đình, xa người thân, dường như ai cũng muốn chia sẻ và đón nhận sự chăm sóc, yêu thương.
Không khí bỗng trầm lắng hơn. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân ùa về. Những đôi mắt bỗng chùng xuống, ngân ngấn nước. Bữa cơm Tất niên ở trại giam dẫu đầy đủ nhưng làm sao bằng bữa cơm sum họp gia đình. Niềm vui giản đơn và thiêng liêng ấy giờ đây là nỗi khát khao của những con người lầm lỡ...
Đây là lần đầu tiên phạm nhân Nguyễn Đình K. (SN 1973, trú huyện Yên Thành) ăn Tết ở trại giam. Người đàn ông này đang thụ án 25 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích".
"Khi bị bắt, bị kết án, tôi nghĩ mình đã không còn Tết nữa. Thực sự rất ngạc nhiên và xúc động khi được Ban giám thị, các cán bộ quản giáo tổ chức bữa cơm tất niên cho anh em phạm nhân chúng tôi. Dù không được đón Tết bên gia đình, bên vợ con nhưng tôi cũng thấy ấm lòng hơn", phạm nhân K. chia sẻ.
Nữ phạm nhân Bùi Thị Kim Q. (SN 1976, quê Nghĩa Đàn) lần thứ 2 đón Tết trong trại giam. Bản án 27 tháng về tội "Đánh bạc" đã sắp đi đến chặng cuối cùng. Những ngày tháng đi trả án là quãng thời gian đầy những hối hận và dằn vặt của người mẹ vì ham mê cờ bạc mà đẩy mình và các con vào cảnh xa lìa nhau.
"Vào đây rồi càng thấm thía hơn ai hết tình cảm gia đình, nhất là những ngày Tết đến, Xuân về. Lúc ở ngoài, tôi chưa suy nghĩ thấu đáo, không nghĩ rằng việc làm của mình lại gây hậu quả nặng nề cho gia đình và các con đến thế. Mong rằng mọi người biết sống và chấp hành đúng pháp luật, không rơi vào hoàn cảnh như tôi, phải trải qua những cái Tết phải xa lìa tình thân...", người phụ nữ này nghẹn ngào.
Chị không quên cảm ơn sự quan tâm, động viên của Ban giám thị, cán bộ quản giáo đã mang lại cho chị cũng như các phạm nhân khác trong bữa cơm đặc biệt này.
"Tình cảm, sự quan tâm, động viên kịp thời của Ban giám thị, của hội đồng cán bộ giúp chúng tôi vơi bớt nỗi buồn đón Tết xa nhà, xa người thân, để chúng tôi có thêm động lực và niềm tin, động viên nhau cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, xã hội", phạm nhân Q. bày tỏ.
Cùng với việc tổ chức bữa cơm tất niên, Thượng tá Đinh Trọng Dung cho biết, đơn vị cũng đã có những phần quà để khen thưởng cho các phạm nhân có thành tích xuất sắc trong lao động cải tạo. Bên cạnh đó, Trại tạm giam cũng có những suất quà Tết dành cho những phạm nhân không có người thân thăm nuôi.
"Đây không chỉ là tình cảm của Ban giám thị, cán bộ quản giáo mà thông qua đó, chúng tôi mong muốn các phạm nhân hiểu hơn về chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước để cải tạo tốt hơn, sớm trở về làm một người công dân tốt, có ích cho xã hội", Thượng tá Đinh Trọng Dung chia sẻ.
Hoàng Lam