Bị phạt vì hoạt động kích dục, chủ khách sạn kiện UBND TP ra tòa

(Dân trí) - Doanh nghiệp cho rằng nội dung xử phạt về sử dụng các hoạt động tình dục khác thì Đoàn kiểm tra thực hiện không đúng quy trình kiểm tra, chụp hình hiện trường trước khi công bố thành lập đoàn kiểm tra...

Ngày 16/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử, bác đơn khởi kiện của chủ doanh nghiệp tư nhân khách sạn Y. (trụ sở quận 12) kiện Chủ tịch UBND TPHCM về việc xử phạt hành chính.

Theo đơn khởi kiện, tháng 9/2016, chủ doanh nghiệp yêu cầu tòa án hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2364 ngày 11/5/2016 và Quyết định giải quyết khiếu nại số 4553 ngày 31/8/2016. Lý do vì Đoàn kiểm tra không xuất trình quyết định thành lập liên ngành và đoàn kiểm tra không đúng thành phần. Biên bản vi phạm hành chính không có chữ ký của Đoàn kiểm tra, không có chữ ký của người đại diện tổ chức vi phạm.

Cụ thể ông H. là quản lý khách sạn Y. nhưng tại thời điểm có đoàn kiểm tra làm việc thì tư cách đại diện theo ủy quyền hết hiệu lực. Đáng chú ý là nội dung xử phạt về sử dụng các hoạt động tình dục khác thì Đoàn kiểm tra thực hiện không đúng quy trình (kiểm tra, chụp hình hiện trường trước khi công bố thành lập đoàn kiểm tra).

Theo đó, tối ngày 20/4/2016, đoàn kiểm tra liên ngành văn hoá và xã hội tiến hành kiểm tra khách sạn - cơ sở massage với những biểu hiện khuất tất. Sau đó, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt tổng mức 79 triệu đồng và những hình thức phạt bổ sung khác. Doanh nghiệp có khiếu nại quyết định này nhưng bị bác nên khởi kiện ra toà.

Dù không có mặt tại phiên xử, nhưng trong buổi đối thoại với doanh nghiệp tại toà, phía UBND TPHCM cho rằng có quyết định thành lập đoàn kiểm tra và đoàn này hội đủ các thành phần kiểm tra. Khi kiểm tra, tuy vắng mặt người đại diện theo pháp luật của tổ chức vi phạm, nhưng có nhân viên khách sạn và trong biên bản vi phạm có thông báo về thời hạn giải trình của tổ chức vi phạm. Việc xử phạt sử dụng các hoạt động tình dục khác căn cứ vào biên bản phạm tội quả tang. Tại biên bản làm việc, đại diện phía doanh nghiệp thể hiện không quản lý chặt chẽ cơ sở của mình trong việc chấp hành pháp luật.

Tại phiên toà, Viện kiểm sát cho rằng về nội dung biên bản vi phạm hành chính và biên bản làm việc thể hiện có hành vi vi phạm sử dụng hoạt động kích dục làm phương thức kinh doanh; không chứng cứ tạo hiện trường giả; thành phần đoàn kiểm tra đủ 5 cơ quan hữu quan, mặc dù trong đó thiếu đại diện công an TPHCM., nhưng nội dung xử phạt đúng với hành vi vi phạm. Mặt khác, doanh nghiệp có quyền giải trình trong hạn luật định, do đó có cơ sở ban hành hai quyết định trên là đúng.

Theo toà, quyết định 2364 được ban hành trên cơ sở có biên bản vi phạm và biên bản làm việc thừa nhận của một khách và nhân viên đối với hành vi kích dục, thành viên đoàn kiểm tra lập biên bản có ông T.M.C. Do đó, ý kiến của đại diện người kiện cho rằng đoàn kiểm tra cho ông C. vào khách sạn trước khi đoàn kiểm tra làm việc, tạo hiện trạng giả là không có cơ sở. Về thành phần đoàn kiểm tra, toà đồng ý kiến với Viện kiểm sát.

Mặt khác sau khi lập biên bản vi phạm, trang 4 của biên bản có ghi rõ quyền giải trình của tổ chức vi phạm theo Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính, nhưng quá thời hạn quy định, tổ chức vi phạm vẫn không có ý kiến phản hồi. Và nội dung xử phạt về sử dụng các hoạt động kích dục làm phương thức kinh doanh, vi phạm Khoản 2 Điều 25 Nghị định 167/2013/NĐ-CP phạt tiền 50 triệu đồng, là đúng. Các quyết định được ban hành đúng trình tự quy định. Từ những phân tích trên, toà không chấp nhận yêu cầu của chủ doanh nghiệp tư nhân khách sạn Y.

Xuân Duy