1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Quảng Nam:

Bị mưa lũ tàn phá, nông dân lại phải trắng đêm canh trộm nông sản

(Dân trí) - Chưa kịp khôi phục sản xuất sau đợt mưa lớn gây ngập úng vừa qua, người dân vùng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc - vựa rau lớn của tỉnh Quảng Nam) lại đứng ngồi không yên với nạn trộm cắp nông sản đang diễn ra hết sức lộng hành.

Câu chuyện “nóng hổi” sau đợt mưa lớn gây ngập úng, lũ lụt vừa qua ở các cánh đồng rau màu xã Đại An những ngày này, bên cạnh việc khôi phục sản xuất, là nạn trộm cắp nông sản xảy ra tại các cánh đồng rau trên địa bàn.

Người dân bức xúc trước nạn trộm nông sản lộng hành của các đối tượng trộm cắp
Người dân bức xúc trước nạn trộm nông sản lộng hành của các đối tượng trộm cắp

Các loại khổ qua, đu đủ, dưa leo, mướp... đến kỳ thu hoạch hầu như đêm nào cũng bị mất trộm. Người mất ít thì vài chục ký, người mất nhiều lên đến cả tạ.

Bà Huỳnh Thị Chín (70 tuổi, thôn Bàu Tròn, xã Đại An) mệt mỏi khi ban ngày vừa phải lo chăm sóc hơn 3 sào khổ qua, dưa leo… bị hư hại sau đợt mưa lụt vừa qua, vừa phải “trắng đêm” canh giữ ruộng rau màu của gia đình. Nhưng canh giữ vẫn không xuể, rau màu nhà bà Chín vẫn bị kẻ gian “ghé thăm”.

Canh giữ không xuể, người dân phải nghĩ nhiều biện pháp để bảo vệ nông sản như làm hai lớp hàng rào hoặc bao kín xung quanh ruộng rau
Canh giữ không xuể, người dân phải nghĩ nhiều biện pháp để bảo vệ nông sản như làm hai lớp hàng rào hoặc bao kín xung quanh ruộng rau

“Gia đình tôi neo đơn, chỉ có mấy sào rau để trông cậy vào thế mà cũng bị trộm cắp. Ban ngày lo khôi phục sản xuất, đến đêm già cả như tôi cũng phải trùm áo mưa ngồi trông ruộng rất cực khổ. Nhiều lúc thấy trộm cắp, tôi chỉ biết nấp trong ruộng rồi la thật to để kêu gọi mọi người đến giúp đỡ, chứ mình già rồi đâu dám làm liều”- bà Chín buồn rầu chia sẻ.

Nhiều người dân tranh thủ lúc nông sản vừa lớn thì hái gấp tránh nạn trộm cắp
Nhiều người dân tranh thủ lúc nông sản vừa lớn thì hái gấp tránh nạn trộm cắp

Nhiều nông dân ở xã Đại An cũng mệt mỏi với nạn trộm cắp nông sản như ông Huỳnh Văn Mạnh. Gia đình ông Mạnh có 5 sào đất, chia làm 2 thửa, canh tác khổ qua, dưa leo nhưng mỗi thửa một nơi nên không đủ sức giữ. Loại rau quả nào còn lại trên cánh đồng sau lụt cũng đều bị trộm.

Ông Mạnh bức xúc: “Mấy năm trước cũng có nhưng ít, ai ngờ năm nay trộm cắp nông sản lại rầm rộ như vậy. Lợi dụng lúc đêm tối khoảng 1-2 giờ sáng là chúng lại đi trộm. Trái lớn, trái nhỏ gì chúng cũng “tuốt” hết, chúng hái một lần là phải hơn 1 tuần sau chúng tôi mới hái được. Mình làm nông sản biết bao tiền của, công sức nhưng chúng chỉ cần đi một đêm thì công mình coi như mất toi”.

Bị mưa lũ tàn phá, nông dân lại phải trắng đêm canh trộm nông sản - 4
Đợt mưa lớn vừa qua gây thiệt hại khá lớn cho nông sản vụ Tết của người dân, nhưng chưa kịp khôi phục sản xuất thì những nông sản còn sót lại cũng bị trộm “ghé thăm”
Đợt mưa lớn vừa qua gây thiệt hại khá lớn cho nông sản vụ Tết của người dân, nhưng chưa kịp khôi phục sản xuất thì những nông sản còn sót lại cũng bị trộm “ghé thăm”

Nhiều nông dân luân phiên canh giữ nhưng đến nay chưa bắt quả tang được vụ nào, do hầu hết các vụ trộm xảy ra vào ban đêm. Mới đây, khi đi canh giữ ruộng dưa, ông Phạm Chín phát hiện có đối tượng khả nghi đứng gần ruộng khổ qua của người dân trong xã, nhưng vừa đến gần thì đối tượng liền lên xe phóng đi mất. Sau khi bị phát hiện, kẻ xấu đã bỏ lại 2 bao lớn khổ qua, mướp.

Theo ông Chín, người dân đã trình báo lên chính quyền nhưng vẫn chưa có biện pháp, chính quyền yêu cầu người dân tự bảo vệ nông sản của mình nhưng chúng tôi giữ không xuể, chưa kể nông dân ở đây toàn người lớn tuổi trong khi bọn trộm cắp có thể manh động hay không chúng tôi không lường được. Vì vậy, người dân tha thiết yêu cầu chính quyền có thể cử dân quân đi tuần giúp, mỗi tuần một lần cũng được.

Người dân bức xúc về nạn trộm cắp nông sản

Ông Huỳnh Bá Vĩnh - Trưởng thôn Bàu Tròn - cho biết, nạn trộm cắp nông sản thường xuyên xảy ra trên địa bàn; chính quyền địa phương có kiểm tra và nhắc nhở người dân luân phiên tuần tra, tăng cường công tác bảo vệ nông sản.

Trước tình trạng này, ông Trịnh Công Sơn (Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại An) khuyến cáo nông dân đề cao cảnh giác, nêu cao ý thức tự bảo vệ nông sản. Ông Sơn cũng lo ngại, khi bắt được tội phạm, do bực tức vì bị mất trộm nhiều, người dân sẽ không giữ được bình tĩnh, dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật đối với tội phạm.

“Khi phát hiện và bắt giữ người trộm cắp, người dân cần báo ngay công an viên và công an xã; không nên có hành vi đánh đập. Đồng thời khi xảy ra trường hợp bị mất nông sản, người dân cần báo ngay cho chính quyền và công an địa phương để kịp thời xử lý”- ông Sơn nói.

C.Bính-N.Linh