1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bi kịch đến từ phút thay lòng

Không vượt qua được cám dỗ, vợ đã thay lòng với người chồng đồng cam cộng khổ để có con với người đàn ông khác và bi kịch đã xảy ra

Một buổi sáng cuối năm 2017, Huỳnh Thị Kim Phượng (38 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) lầm lũi cô độc trong phiên xử về tội "Vô ý làm chết người" của Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TP HCM.

Người phụ nữ siết chặt đôi bàn tay vào nhau, cúi gầm đầu xuống mặt bàn khóc nức nở. Chị cay đắng thừa nhận hành vi gây ra cái chết đối với con gái nhưng cho rằng bản thân "bấn loạn tinh thần" do bị chồng chửi đánh vì ngoại tình.

Mù quáng

Chị Phượng và anh Nguyễn Trang kết hôn vào năm 2000, sinh được 2 con rồi dắt díu nhau từ Bắc Ninh vào TP HCM kiếm kế sinh nhai. Những ngày đầu nơi đất khách, vợ chồng họ phải cực khổ đạp xích lô, buôn bán nhỏ mới kiếm được miếng ăn qua ngày.

Vài năm sau, cả hai đi làm thuê cho một xưởng may gia công. Siêng năng, chịu khó học hỏi, người chồng học được nghề cắt may. Gom góp nhiều năm, vợ chồng có chút vốn lại có kinh nghiệm buôn bán quần áo nên vay mượn thêm rồi mua sạp hàng ngoài chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP HCM). Ai ngờ, đến khi có tiền, cuộc sống khá giả hơn, họ lại rơi vào bi kịch.

Ngày ngày, chị Phượng ra chợ bán hàng tới tận tối mịt mới trở về nhà. Còn anh Trang thì ở nhà cắt may, trông nom thợ may gia công, đi gom hàng chở ra chợ cho vợ bán. Cuộc sống khấm khá nhưng gia đình không còn hạnh phúc như trước. Người vợ sau đó bị cho là thay đổi tính nết, không còn chung thủy với chồng. Chị mù quáng ngoại tình với một người đàn ông cùng buôn bán tại chợ bất chấp người này đã có vợ con.

Cuối năm 2013, Phượng sinh con gái thứ 3 tên là N.B.N. Do nghi ngờ N. không phải là con ruột nên anh Trang đưa bé đến bệnh viện để xét nghiệm ADN về huyết thống. Nhận được kết quả, người chồng bàng hoàng khi biết mình không phải là cha bé.

Bị cáo Huỳnh Thị Kim Phượng cúi mặt khóc tại tòa
Bị cáo Huỳnh Thị Kim Phượng cúi mặt khóc tại tòa

Đêm 9-2-2016, anh Trang kêu vợ vào phòng hỏi sự việc nhưng Phượng né tránh, không trả lời. Tức giận, anh đánh Phượng rồi đóng cửa phòng lại, không cho vợ ra ngoài. Rạng sáng hôm sau, anh Trang mở cửa phòng cho vợ xuống tầng trệt ngủ với 2 con gái.

Trong lúc nằm với các con, Phượng sợ anh Trang mời cha mẹ ruột vào để nói chuyện dẫn đến gia đình bị xấu hổ, đồng thời lo lắng sau này chồng sẽ đối xử không tốt với con riêng.Trong dòng suy nghĩ miên man, Phượng ra khỏi phòng tìm cách tự tử nhiều lần nhưng đều bị anh Trang phát hiện ngăn cản.

Đến khoảng 5 giờ cùng ngày, Phượng bế con gái lên phòng ngủ ở lầu 1. Một lúc sau, Phượng mỏi tay nên để con xuống nền nhà thì phát hiện con gái đã ngưng thở. Phượng liền lấy kéo cắt đứt gân cổ tay. Khi anh Trang kéo mền gọi Phượng dậy thì phát hiện vợ bị thương, cháu N. tím tái, ngưng thở nên đưa chị đi cấp cứu.

Làm việc với cơ quan điều tra, Phượng nói vì ôm chặt con để ngủ khiến những chiếc vòng đeo tay cấn vào cổ bé gây ngạt, chứ không cố ý giết con.

Cô độc

Phiên xử Phượng vỏn vẹn chỉ gần chục người nhưng không khí trong căn phòng nhỏ dường như căng ra vì quá ngột ngạt. Họ là chồng và họ hàng bên chồng của Phượng, tuyệt nhiên không người thân nào của chị có mặt tại phiên tòa.

Phượng trong trang phục áo trắng và mái tóc rủ xuống che gần hết khuôn mặt. Đôi mắt ráo hoảnh của chị chất chứa bao nỗi buồn đau và niềm ân hận. Phượng tìm kiếm sự động viên nhưng chẳng có ai đứng về phía chị cả.

Với những chất vấn của HĐXX, Phượng trả lời nhát gừng trong tiếng nức nở: "Lúc đó, bị cáo rất buồn, mang trong lòng nhiều nỗi niềm chất chứa mà không biết phải giải tỏa làm sao. Bị cáo chỉ biết ôm siết chặt con vào người khiến bé bị ngạt, tử vong lúc nào không hay. Lúc bị cáo phát hiện ra thì đã quá muộn màng nên nghĩ đến chuyện tự tử để chết cùng con".

Có mặt tại tòa, anh Trang và cha đứa bé đều không có ý kiến về tội danh Phượng bị truy tố, xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho chị. Nhắc đến con gái không cùng huyết thống của mình, anh Trang run run: "Lúc chưa biết sự việc, tôi thương cháu nhiều hơn cả 2 đứa con đầu. Khi N. mới vài tháng tuổi, chính một tay tôi bồng bế chăm sóc để vợ đi buôn bán ngoài chợ. Nghe người ta đồn thổi, tôi đều cố bỏ ngoài tai. Nào ngờ, ngày đưa N. đi xét nghiệm ADN, tôi bàng hoàng, gần như gục ngã…".

Phượng quay xuống nhìn chồng rồi vội vàng quay lên cúi mặt khi chạm phải ánh mắt lạnh lùng của anh và những tia nhìn gay gắt như có lửa của những người họ hàng. Phượng quay về phía nhân tình và được đáp trả bằng cái ngoảnh mặt đầy nghi ngại. Được tòa hỏi suy nghĩ thế nào về việc ngoại tình với Phượng dẫn đến sự việc đau lòng, ông này im lặng...

Chấp nhận nguyên tắc suy đoán vô tội!

Tòa từng trả hồ sơ để làm rõ tội danh của Phượng là "Giết người" hay "Vô ý giết người". Kết quả giám định pháp y không đủ cơ sở xác định Phượng đã dùng một lực bao nhiêu để tác động vào vùng cổ bé N. và nạn nhân có phản xạ.

HĐXX nhận định có căn cứ xác định bé N. tử vong khi nằm ngửa trên người mẹ. Lòng bàn tay của người mẹ áp vào cổ bé làm chẹn đường hô hấp trên ở vùng cổ dẫn đến chết vì ngạt. Thế nhưng, không đủ cơ sở xác định hành vi của Phượng nhằm mục đích cố ý làm chết con.

Nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, giới hạn của việc xét xử nên HĐXX chấp nhận quan điểm truy tố của VKS, tuyên bị cáo Huỳnh Thị Kim Phượng 2 năm tù về tội "Vô ý giết người".

Theo Quốc Chiến

Người lao động