1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

An Giang:

Bị cáo thuộc diện "khó khăn" về nhà ở sở hữu hàng chục đất nền

(Dân trí) - Mỗi cán bộ thuộc diện “khó khăn” có liên quan trong vụ án này lại sở hữu thấp nhất là 3 nền, có nhiều bị cáo sở hữu từ 10 – 20 nền đơn cử như bị cáo Đồng Thanh Dũng sở hữu 18 nền, bị cáo Phạm Thanh Dũng sở hữu đến 21 nền,…

Trong ngày xét xử thứ 5 (23/8), HĐXX đưa ra thẩm vấn 11 bị cáo liên quan đến KDC thuộc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Long Xuyên (VPĐKQSDĐ).
 
Tại phiên toà, HĐXX đưa ra xét hỏi 11 bị cáo, gồm:  Đồng Thanh Dũng (sinh năm 1977), nhân viên tổ thẩm tra VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Trần Khánh Cương (sinh năm 1971), nguyên tổ phó Tổ đo đạc, VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Phạm Thanh Dũng (sinh năm 1983), nhân viên VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Phan Huỳnh Giang (sinh năm 1979), nhân viên Tổ thẩm tra VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Nguyễn Thiện Thanh (sinh năm 1976), cán bộ Kiểm tra Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Long Xuyên; Lý Thanh Tùng (sinh năm 1971), nguyên Phó Giám đốc VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Nguyễn Thị Tư (sinh năm 1958), nguyên Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường TP. Long Xuyên; Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1966), nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Long Xuyên, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Phước; Huỳnh Giang Sơn (sinh năm 1960), nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên; Trương Văn Đê (sinh năm 1972), nguyên Tổ trưởng Tổ thẩm tra, VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Bùi Phước Dũng (1965), nguyên Giám đốc VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên để làm rõ hành vi sai phạm của các bị cáo về tội: “Vi phạm về các quy định về sử dụng đất và vi phạm về các quy định quản lí đất; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và trốn thuế” như cao trạng của VKSND truy tố.

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Trả lời câu hỏi mục đích lập khu dân cư (KDC) để làm gì của HĐXX, lần lượt các bị cáo Bùi Phước Dũng (1965), nguyên Giám đốc VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên,  Đồng Thanh Dũng (1977), nhân viên tổ thẩm tra VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Trần Khánh Cương (1971), nguyên tổ phó Tổ đo đạc, VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên; Phạm Thanh Dũng (1983), nhân viên VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên đều cho rằng để giải quyết vấn đề “khó khăn” về nhà ở cho cán bộ nhân viên, có điều kiện làm kinh tế...?

Tuy nhiên, mỗi cán bộ thuộc diện “khó khăn” có liên quan trong vụ án này lại sở hữu thấp nhất là 3 nền, có nhiều bị cáo sở hữu từ 10 – 20 nền đơn cử như bị cáo Đồng Thanh Dũng sở hữu 18 nền, bị cáo Phạm Thanh Dũng sở hữu đến 21 nền,…

Một điều lạ tại phiên toà là các bị cáo thuộc VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên chỉ nhận “lệnh miệng” từ Bùi Phước Dũng là tiến hành mua đất nông nghiệp, đo đạc, chuyển mục đích sử dụng đất rồi tách thửa sang tên để lập KDC một cách nhanh chóng.

Các bị cáo tại phiên tòa

Bị cáo Nguyễn Thị Tư (1958), nguyên Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường TP. Long Xuyên  
Trả lời HĐXX về sáng kiến “đo đạc một lần” của 24.000m2 đất nông nghiệp để phù phép thành 227 nền thổ cư trong thời gian chớp nhoáng, bị cáo Bùi Phước Dũng cho biết, vì sợ tốn nhiều thời gian, cán bộ nhân viên cần có nơi ở sớm, hoặc thế chấp ngân hàng để làm ăn,… nên Dũng chỉ đạo cấp dưới “đơn giản hoá thủ tục” bằng cách đo đạc một lần, tiến hành tách thửa lớn thành nhiều thửa nhỏ rồi chuyển thành đất ở đô thị.

Như vậy, tại KDC thuộc VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên do Bùi Phước Dũng chủ mưu không có một văn bản pháp luật nào thuộc cơ quan có thẩm quyền về việc cho phép thành lập KDC, ngoài trừ 01 văn bản công nhận phù hợp qui hoạch của Phòng quản lí đô thị TP. Long Xuyên do ông Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1966), nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Long Xuyên ký.

Sau khi các nhân viên VPĐKQSDĐ nỗ lực biến hơn 24.000m2 đất nông nghiệp thành 227 thửa đất ở đô thị, ngoài 7 thửa sử dụng làm lối đi chung còn lại 220 thửa bị cáo Phước Dũng đã phân phối chuyển nhượng theo tiêu chuẩn cho 71 người là cán bộ công chức của VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên và Phòng TN&MT TP. Long Xuyên; Còn lại 149 thửa, Bùi Phước Dũng, Đồng Thanh Dũng, Trần Khánh Cương chuyển nhượng tự do hoặc tự đầu tư giá cơ bản rồi chuyển nhượng lại cho người khác với giá cao để hưởng lợi bất chính, với tổng số tiền trên gần 5 tỷ đồng.

Điều làm nhiều người quan tâm là sự xuất hiện của bị cáo Huỳnh Giang Sơn (1960), nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên. Trước vành móng ngựa, ông Sơn thành khẩn nhận sai sót của mình khi ký 227 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại KDC thuộc VPĐKQSDĐ TP. Long Xuyên. Theo ông, một mặt vì quá tin tưởng vào cấp dưới và vì do áp lực công việc (trong 2 năm TP. Long Xuyên bị khuyết 1 phó chủ tịch - PV) nên có ngày ông ký trên 200 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác.

Nguyễn Hành