1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nghệ An

Bắt nhóm bảo kê máy gặt, thu nhiều dao, súng tự chế

(Dân trí) - Nhóm của Mạnh sử dụng hung khí đe dọa, ép buộc các chủ máy gặt muốn làm ăn trên địa bàn phải “làm luật”. Để được yên ổn làm ăn, các chủ máy gặt phải đóng phí “bảo kê” cho nhóm này 20 nghìn đồng/sào.

Bắt nhóm bảo kê máy gặt, thu nhiều dao, súng tự chế - 1

Trần Văn Mạnh được xác định là đối tượng cầm đầu ổ nhóm chuyên bảo kê máy gặt ở địa phương.

Ngày 17/5, Trung tá Trần Văn Hùng – Phó Trưởng CA huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Văn Mạnh (SN 1982), Phạm Công Bảo (SN 1987), cùng trú tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương và Nguyễn Bá Sự (SN 1992), trú tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trước đó, Công an huyện Thanh Chương nhận được trình báo của nhiều chủ máy gặt trên địa bàn về việc bị một nhóm thanh niên đe dọa để đòi tiền bảo kê. Nếu chủ máy gặt nào không chấp nhận đóng tiền bảo kê sẽ bị nhóm thanh niên này dọa đánh, phá máy móc.

Sau một thời gian xác minh, thu thập chứng cứ, ngày 6/5, Công an huyện Thanh Chương bắt quả tang Trần Văn Mạnh, Phạm Công Bảo và Nguyễn Bá Sự đang “làm luật” 1 triệu đồng đối với chủ máy gặt Nguyễn Văn H. (SN 1981), trú tại huyện Đô Lương khi anh này đang gặt thuê cho người dân tại xã Thanh Long. Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ 4 khẩu súng tự chế, 3 mã tấu và một số tang vật khác.

Bắt nhóm bảo kê máy gặt, thu nhiều dao, súng tự chế - 2
Nhóm đối tượng chuyên bảo kê máy gặt vừa bị Công an huyện Thanh Chương bắt giữ.

Cầm đầu nhóm “bảo kê” máy gặt là Trần Văn Mạnh. Đây là đối tượng có 6 tiền án về các tội “Trộm cắp tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng”, “Hủy hoại tài sản”, “Mua bán trái phép chất ma túy”, mới ra tù năm 2017. Sau khi ra tù với tiền án dày đặc, Mạnh tập hợp các đối tượng nghiện ma túy, không có việc làm, đi tù về, các đối tượng cộm cán trong và ngoài địa bàn… hình thành ổ nhóm chuyên cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản.

Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2019, khi nhiều máy gặt công nghiệp đến địa bàn để gặt lúa cho người dân, Mạnh và đàn em tìm cách đe dọa, ép buộc các chủ máy gặt phải “làm luật”. Nếu muốn yên ổn làm ăn, các chủ máy gặt phải đóng cho nhóm của Mạnh 20 nghìn đồng/sào lúa thu hoạch. Chủ máy gặt nào không chấp hành sẽ bị “xử đẹp”.

Vụ việc đang được Công an huyện Thanh Chương tiếp tục điều tra mở rộng.

Hoàng Lam