TPHCM:
Bất ngờ với lý do không kháng cáo của "siêu lừa" Dương Thanh Cường
(Dân trí) - Dương Thanh Cường cho rằng mình đang thi hành án tù chung thân và sắp đủ thời gian xét giảm án nên không kháng cáo.
Ngày 9/12, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ án Dương Thanh Cường (cựu Tổng Giám đốc công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT công ty Thanh Phát) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trầm Bê (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng đồng phạm về tội cho vay sai quy định gây thiệt hại cho ngân hàng.
Phiên tòa do thẩm phán Hoàng Thanh Dũng làm chủ tọa, HĐXX còn có thẩm phán Phan Văn Yên và Phạm Trí Tuấn, dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 11/12.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo của các bị cáo và ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cùng kháng nghị của Viện KSND TPHCM và Viện KSND cấp cao tại TPHCM đối với bản án sơ thẩm của TAND TPHCM.
Tòa triệu tập 10 bị cáo cùng bị hại là ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (nay là Sacombank) và 18 cá nhân, đơn vị liên quan... Ngoài ra, tòa cũng triệu tập cả người giám định là Tổ giám định thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Cường 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với các bản án khác, bị cáo này phải chấp hành chung là tù chung thân.
Bị cáo Trầm Bê bị phạt 3 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đồng phạm của ông Bê là ông Phan Huy Khang (cựu Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng) bị phạt 2 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ 1 năm án treo đến 2 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bị cáo Cường có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại là 505 tỷ đồng cho Sacombank. Việc lừa đảo của Cường là nguyên nhân chính dẫn đến toàn bộ thiệt hại.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Ngô Văn Huổl, Phan Thị Hồng Vân, Nguyễn Văn Phong kháng cáo xin được hưởng án treo, còn các bị cáo còn lại trong vụ án không kháng cáo.
Tiếp đó, Viện KSND TPHCM và Viện KSND cấp cao tại TPHCM kháng nghị tăng hình phạt đối với tất cả các bị cáo. Đồng thời đề nghị HĐXX buộc Cường phải trả 185 tỷ đồng đã chiếm đoạt và 9 bị cáo trên liên đới bồi thường 320 tỷ đồng cho ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), tổng cộng là 505 tỷ đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo và đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên kháng cáo và kháng nghị.
Mặc dù không kháng cáo nhưng Dương Thanh Cường vẫn được trích xuất tới tham gia phiên tòa. Tại tòa, bị cáo Dương Thanh Cường cho rằng mình đồng ý với cáo buộc của bản án sơ thẩm về hành vi của mình. Về dân sự, bị cáo Cường cho rằng cấp sơ thẩm đã chèn ép bị cáo, buộc bồi thường số tiền 505 tỷ đồng, bị cáo chỉ đồng ý bồi thường số tiền 331 tỷ đồng.
Lý giải lý do không kháng cáo, bị cáo Cường cho rằng mình đang thi hành án cho nhiều bản án tù chung thân và sắp đủ thời gian để xem xét giảm án xuống 30 năm.
"Nếu bị cáo kháng cáo thì lại bị bắt tạm giam, không thể lao động và ảnh hưởng tới quá trình xét giảm án sau này", bị cáo Cường trình bày.
Bị cáo Ngô Văn Huổl, Phan Thị Hồng Vân, Nguyễn Văn Phong cho rằng mức án sơ thẩm tuyên phạt quá nặng. Các bị cáo phạm tội với vai trò hạn chế, phụ thuộc vào hành vi của người khác, hoàn cảnh gia đình khó khăn, quá trình tạm giam đã ăn năn hối cải nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Còn bị cáo Trầm Bê xin giảm nhẹ hình phạt và xin bán tài sản để tất toán các khoản nợ cho ngân hàng. Bị cáo Bê cho rằng mức hình phạt cấp sơ thẩm tuyên buộc là nặng, bị cáo xin HĐXX giao tài sản đảm bảo cho bị cáo rồi bị cáo sẽ bồi thường phần thiệt hại trong vụ án.
Phiên tòa tiếp tục xét hỏi.