1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thanh Hóa:

Băn khoăn từ một vụ cưỡng chế thi hành án

(Dân trí) - Ngày 23/11, Chi cục thi hành án dân sự TP Thanh Hóa ra quyết định cưỡng chế một ngôi nhà liên quan đến vụ tranh chấp dân sự về đất đai. Cuộc cưỡng chế bất thành vì vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía đương sự.

Băn khoăn từ một vụ cưỡng chế thi hành án - 1
Hàng trăm người tập trung xem vụ cưỡng chế nhà ông Dụy và ông Trưng
 
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Nguyễn Mậu Dụy và ông Tô Đình Trưng trình bày: Năm 1990, Công ty Rượu bia nước ngọt Thanh Hóa, thuộc Sở Thương mại Thanh Hóa trước đây, đã sang nhượng căn nhà số 17A và 17B Trần Phú có diện tích 236,5m2  cho hai ông, có làm đầy đủ thủ tục chuyển giao đất và phiếu nộp tiền 140 triệu đồng. Sau đó ông Đính chuyển nhượng lại cho gia đình ông Tô Đình Trưng.

Tuy nhiên, đến ngày 23/3/2002, ông Phạm Văn Vinh, trú tại khu tập thể Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa đã có đơn khởi kiện yêu cầu ông Dụy và ông Trưng phải có nghĩa vụ giao trả nhà đất ở số 17A và 17B Trần Phú, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa cho gia đình ông.

Lý do ông Vinh đưa ra là đầu năm 1961, ông có mua lại căn nhà trên của bà Nguyễn Thị Tuất, một nhà 2 gian cấp bốn trên diện tích 280m2, đất mang số 14B Trần Hưng Đạo, nay là số 17A và 17B Trần Phú, với số tiền 650đ, quy theo vàng là 2,2 cây vàng. Do chiến tranh nên toàn bộ giấy tờ đã bị thất lạc. Sau khi mua, gia đình đã vào ở, đến năm 1965 đi sơ tán. Năm 1969 ông trở về thấy cửa hàng rượu bia đang sử dụng làm nơi bán hàng. Sau năm 1975, gia đình ông từ nơi sơ tán trở về đã yêu cầu trả lại nhà đất nhưng của hàng rượu bia không trả.

Ngày 30/6/2003, TAND thành phố Thanh Hóa đã xét xử và ra bản án dân sự sơ thẩm số 04/DSST yêu cầu ông Dụy và ông Trưng trả lại căn nhà trên cho ông Vinh. Không đồng ý với bản án trên, ông Dụy và ông Trưng đã có đơn kháng nghị. Ngày 31/1/2005, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử phúc thẩm và ra bản án dân sự số 11/DSPT giữ nguyên bản án dân sự của TAND thành phố Thanh Hóa.

Trải qua hai cấp xét xử, ông Dụy và ông Trưng tiếp tục kháng nghị lên TAND Tối cao. Ngày 6/9/2005, tại Quyết định kháng nghị số 101/2005/DS-KN của TAND Tối cao đã quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND thành phố Thanh Hóa và dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa.
 
Lý do mà TAND Tối cao đưa ra là: Tòa các cấp chưa thu thập chứng cứ xác minh có hay không việc ông Vinh mua nhà đất của bà Tuất? Nếu có việc mua đất thì diện tích là bao nhiêu? Trên đất mà ông Vinh tranh chấp có phần đất của ông Lân không? (Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/10/2003, ông Vinh khai: Ông mua 2 gian nhà ngoài và toàn bộ đất, còn 3 gian nhà trong bà Tuất bán cho ông Đỗ Duy Lân và ông Lân xin ở nhờ lại trên đất của ông Vinh. Sau này ông Lân ở đâu ông Vinh không biết). Nhà nước có lấy đất của ông Vinh để mở rộng đường không?
 
Từ những lý do trên, TAND Tối cao khẳng định việc TAND các cấp TP và tỉnh Thanh Hóa quyết định buộc ông Dụy và ông Trưng trả nhà trên diện tích 236,5m2 cho ông Vinh là không có căn cứ.
 
Trong quyết định này còn nêu rõ: Nếu có việc ông Vinh mua 2 gian nhà số 17 đường Trần Phú (số 14B Trần Hưng Đạo cũ) của bà Tuất, nhưng do chiến tranh bị sập chỉ còn nền móng và Nhà nước đã bố trí cho Cửa hàng rượu bia nước ngọt sử dụng thì khi xét xử cần phải căn cứ vào Điều 4, khoản 1, điểm D Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ để quyết định không giao trả nhà đất đang tranh chấp cho ông Vinh.
 
Hơn nữa, TAND các cấp buộc ông Dụy và ông Trưng trả nhà cho ông Vinh, nhưng lại không giải quyết đồng thời việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa Công ty rượu bia nước ngọt với ông Dụy, ông Đính và giữa ông Đính với ông Trưng là không đảm bảo quyền lợi cho các đương sự. Do vậy, cần hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm để thu thập thêm chứng cứ và xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 28/8/2008, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm về việc: “Tranh chấp kiện đòi tài sản” và ra bản án số 48/2008/DS-PT buộc gia đình ông Trưng và ông Dụy phải trả lại diện tích đất trên cho ông Vinh.

Liên quan đến đơn kháng án của ông Dụy và ông Trưng, ngày 7/9/2010,VKSND tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo số 13/VKSTH-P5, đề nghị hai ông gửi đơn đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm vì theo quy định tại Điều 288 Bộ luật tố tụng dân sự, thời gian kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
 
Trong khi việc mua bán nhà đất giữa ông Dụy và ông Trưng với Công ty rượu bia nước ngọt Thanh Hóa chưa được giải quyết dứt điểm thì đến ngày 17/11/2010, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa có Quyết định số 03/QĐCC-THA về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất. Theo quyết định này, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa buộc Dụy và gia đình phải giao cho ông Vinh vào hồi 8h ngày 23/11/2010.
 
Đến sáng ngày 23/11/2010, Chi cục Thi hành án thành phố Thanh Hóa đã tổ chức các lực lượng liên quan tiến hành cưỡng chế số nhà 17 Trần Phú. Cuộc cưỡng chế đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía gia đình các đương sự nên bất thành. Cuộc cưỡng chế đã thu hút hàng trăm người dân trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tới xem.
 
Chiều ngày 23/11, trong buổi làm việc với báo chí, ông Đào Anh Tuấn, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc thi hành bản án trên là do Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa tiến hành, về phía tôi chưa nắm rõ. Nếu có ý kiến thì tôi sẽ xem xét lại. Tuy nhiên khi thi hành án thì chấp hành viên sẽ nắm rõ và có trách nhiệm trước vụ việc trên".

Việc thi hành các bản án đã được tuyên là đúng trình tự pháp luật. Tuy nhiên trong vụ án này, dư luận băn khoăn: Khi đương sự đang có đơn kháng nghị gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết thì việc ra quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án thành phố Thanh Hóa có hợp lý hay không?

Duy Tuyên