1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Băn khoăn trách nhiệm hình sự của người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tại phiên thảo luận hội trường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 hôm qua (26/10).

Trách nhiệm thuộc người lớn

Liên quan đến khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội, đa số các ĐBQH cho rằng Dự thảo Luật quy định vậy sẽ không đảm bảo tính công bằng về chính sách hình sự, tính khoa học, tính triết học.

Theo ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), quy định này không phù hợp thực tế tình hình vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện trong thời gian qua. ĐB dẫn chứng, theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn quốc phát hiện 34.685 vụ, 59.562 người chưa thành niên (NCTN) phạm tội, riêng 6 tháng đầu năm 2016 cả nước phát hiện 2.582 vụ, 3.699 NCTN phạm tội.

Điều này cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm, nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do NCTN thực hiện có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua. Mặt khác, ĐB Xuân cho rằng, quy định như Dự thảo Luật sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội lợi dụng, sử dụng, lôi kéo NCTN vào thực hiện tội phạm.

Từ phân tích trên, ĐB Xuân đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 như BLHS năm 1999 quy định là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” để xử lý hiệu quả hơn tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) bày tỏ: “Việc cho rằng không xử lý hình sự với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tiếp tục thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước là không thỏa đáng, không phù hợp”. ĐB chia sẻ, nhiều cử tri quan tâm và bức xúc về vấn đề này, cử tri cho rằng đã là pháp luật thì phải nghiêm, nếu pháp luật nhân đạo với người phạm tội thì sẽ không nhân đạo với nạn nhân của tội phạm.

Còn ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với nội dung mà Chính phủ trình và thể hiện trong Dự án Luật cũng như những lập luận mà Ủy ban Tư pháp đã thể hiện trong báo cáo thẩm tra. Vì theo ĐB Hoa, trẻ em ở tuổi 14 đến 16 thực sự là chưa hoàn thiện nhân cách, với độ tuổi này đây là giai đoạn thích nổi loạn, thích thể hiện mình và cũng là một giai đoạn rất dễ bị kích động dẫn đến những hành vi thiếu suy nghĩ. Chính vì vậy, ở tuổi này chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định những hành vi của mình.

ĐB Hoa cũng cho rằng, chúng ta đang rất băn khoăn về vấn đề đạo đức xã hội, những ứng xử trong xã hội giữa người lớn với người lớn sẽ có những tác động đến trẻ. “Vấn đề môi trường sống xung quanh trẻ liệu đã an toàn chưa?”, ĐB đặt câu hỏi và nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình, của nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ.

Dẫn kết quả nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình phạm tội có đưa ra số liệu, đối với tội phạm vị thành niên thì 11% là do bố mẹ ly hôn, 29% là do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu, 5% là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến con trẻ, ĐB nhấn mạnh đến trách nhiệm của người lớn (cha mẹ, người thân trong gia đình) đối với hành vi của trẻ em, nhất là trẻ em ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. Do đó, “chúng ta phải có những giải pháp khác và phải lắng nghe trẻ nhiều hơn. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của người lớn”, ĐB Hoa nói.

Nên hay không nên giám định hàm lượng ma túy?

Cho rằng không nên quy định xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự như trong Dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, khi thực hiện hành vi phạm tội về ma túy các đối tượng không cần biết, không quan tâm đến ma túy tinh chất, các đối tượng chỉ quan tâm có bao nhiêu bánh ma túy, bao nhiêu tép ma túy.

ĐB Thủy cũng đề nghị QH cần quy định rõ vấn đề này trong luật, không để các cơ quan hướng dẫn. “Vì đây là vấn đề liên quan đến quyền sống, quyền chết của con người, liên quan đến sự an toàn của cả xã hội mà bản thân giữa các ngành tố tụng đang không có sự thống nhất. Về quan điểm cá nhân, tôi lựa chọn cách quy định như luật các nước là không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất mới phù hợp”, bà Thủy nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với ĐB Thủy, ĐB Phạm Huyền Ngọc (đoàn Ninh Thuận) đề nghị chỉ thực hiện giám định trong các trường hợp ma túy ở thể rắn nhưng được pha loãng thành dung dịch, ma túy ở thể lỏng được pha loãng, sái thuốc phiện, thuốc gây nghiện và thuốc tâm thần.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử cùng chủ trương Bộ luật hình sự ngày càng nhân đạo, hướng thiện, giảm hình phạt tử hình…, ĐB Trương Phi Hùng (đoàn Long An) đề nghị cần giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy như quy định của BLHS năm 1999 và BLHS 2015.

Theo Phạm Diệu

Pháp luật Việt Nam