TPHCM:
Bản án “hợp lòng dân” sẽ được đưa vào đào tạo, nghiên cứu luật
(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó Chánh tòa Hành chính, TAND tối cao cho biết, trong thời gian tới sẽ áp dụng bản án của tòa vào hoạt động giảng dạy luật và nghiên cứu khoa học pháp lý tại Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, việc sử dụng bản án trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học pháp lý rất phổ biến ở các nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia theo hệ thống Thông luật (Common Law). Chính vì vậy, việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật và nghiên cứu khoa học pháp lý tại Việt Nam là việc cần triển khai để giúp giảng viên có điều kiện tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn xét xử.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Cường cho rằng, bản án như thế nào là đúng pháp luật để chọn lọc biên soạn thành sách án, tình huống, áp dụng vào giảng dạy, nghiên cứu là không hề đơn giản. Với kinh nghiệm của mình, ông Cường cho rằng, có những vụ án được luật sư bào chữa theo đơn đặt hàng. Trong 2 vụ án tương tự nhưng vụ thì luật sư kêu oan, vụ thì xin giảm án. “Luật sư bảo vệ theo đơn đặt hàng, không theo chỉ dẫn pháp luật thì rất nguy hiểm”, ông Cường nói.
Vì vậy, theo Phó Chánh tòa Hành chính, TAND Tối cao, bản án được chọn lọc vào giảng dạy, nghiên cứu là bản án không đơn thuần đúng người, đúng tội mà phải là bản án “hợp lòng dân”.
Nói về vấn đề này, GS.TS.NGƯT Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, phải rất cẩn trọng khi đưa bản án vào trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu pháp lý. Phải là tình huống có thực chứ không đưa tình huống ảo để phục vụ quan điểm của giảng viên đã thể hiện trong giáo trình. Phải cho sinh viên nói về tình huống thực, nhận xét về bản án và đưa ra quan điểm, kết luận của bản thân về phán quyết của tòa.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động giảng dạy luật, Tiến sĩ Đỗ Thị Mai Hạnh cũng cho rằng, không nên áp đặt quan điểm của người dạy mà cần phải khơi dậy trí tuệ của người học. “Hãy để sinh viên đánh giá phán quyết của tòa án. Sinh viên phải phản biện giải pháp mà tòa xử lý trong vụ án bằng kiến thức và tư duy pháp lý”, Tiến sĩ Hạnh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó Chánh tòa hành chính, TAND Tối cao cho rằng, giữa lý luận và thực tiễn phải gắn chặt nên việc nghiên cứu bản án trong thực tiễn rất có ý nghĩa.
Về việc làm sao để giáo viên, nhà trường lấy được các phán quyết, bản án của tòa để sử dụng trong hoạt động giảng dạy, Tiến sĩ Cường cho biết: “TAND Tối cao hiện đang triển khai Án lệ và phát hành, công bố tất cả các bản án trên mạng internet. Các trường Đại học, sinh viên luật có thể trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập”.
Công Quang