1. Dòng sự kiện:
  2. Gia đình 4 người bị truy sát

Hà Nội:

“Bắc thang hỏi ông trời” vì gửi gia tài cho Chi nhánh vàng Agribank Hà Đông

(Dân trí) - Đến trụ sở chi nhánh vàng có gắn mác “Agribank” gửi hàng trăm cây vàng, người dân yên tâm ra về với hợp đồng chữ ký tươi rói, con dấu đỏ và một số giấy tờ liên quan. Nào ngờ vàng của họ lại bị “sếp lớn” chiếm đoạt, sử dụng cá nhân.

 
Vụ lừa đảo “siêu tinh vi” này diễn ra tại Chi nhánh vàng Agribank, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP. Kẻ đã khiến hàng loạt người dân lâm vào cảnh trắng tay, tan cửa nát nhà là Nguyễn Tuấn Anh (SN 1968, ngụ tổ 7, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội).

Phó Giám đốc hiện hình “siêu lừa đảo”

Hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 6/5/2012, ông Kiều Doãn Truật (ngụ 39B ngõ 2 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội tố cáo Nguyễn Tuấn Anh đã chiếm đoạt của ông 12,5 lượng vàng SJC. Ngày 9/5/2012, cơ quan công an đã ra Lệnh bắt khẩn cấp đối với Tuấn Anh để phục vụ công tác điều tra.
 
Trụ sở Agribank Chi nhánh vàng Hà Đông
Trụ sở Agribank Chi nhánh vàng Hà Đông

Kết quả điều tra sau đó đã xác định Tuấn Anh phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự với thủ đoạn như sau:

Ngày 30/9/2009, Tuấn Anh được phân công làm Phó giám đốc phụ trách Chi nhánh vàng Hà Đông. Chi nhánh vàng này được phép thực hiện dịch vụ nhận giữ vàng cho khách hàng có nhu cầu.

Ngày 22/10/2011, ông Kiều Doãn Truật đến Chi nhánh vàng Hà Đông gửi 12,5 lượng vàng SJC chất lượng 99,99%. Tuấn Anh chỉ đạo nhân viên là Trần Ngọc Minh (SN 1970, ngụ tổ 2, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) lập hợp đồng nhận giữ vàng với ông Truật, lập phiếu nhập kho và giấy nhận giữ vàng.

Về phía Minh, đối tượng này là nhân viên kinh doanh của Trung tâm vàng, bạc Hà Đông, đơn vị trực thuộc Chi nhánh vàng Hà Đông. Minh không có nhiệm vụ giao dịch với khách hàng tại Chi nhánh nhưng vì muốn lấy lòng Tuấn Anh nên Minh vẫn thực hiện mệnh lệnh của “sếp”. Sau đó Minh trình Tuấn Anh ký đóng dấu pháp nhân Chi nhánh vàng Hà Đông và giao cho ông Truật một bộ giấy tờ gửi vàng.

Sự việc trên diễn ra tại phòng làm việc của Tuấn Anh. Sau khi nhận vàng của ông Truật, Tuấn Anh không nhập vào kho mà chiếm đoạt, sử dụng cá nhân. Ngày 22/1/2012, ông Truật đến rút vàng nhưng Tuấn Anh không trả được. Vì thế ông Truật tố cáo sự việc ra Công an.

Qua điều tra mở rộng, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội xác định: Cũng với thủ đoạn trên, năm 2011, Tuấn Anh còn làm hợp đồng cho một số người khác gửi vàng vào Chi nhánh vàng Hà Đông và cũng không đưa vào hệ thống sổ sách của Chi nhánh, không nhập vàng vào kho. Thay vào đó, Tuấn Anh nhận số vàng này rồi chiếm đoạt và sử dụng cá nhân.
 
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (phải) và bị cáo Trần Ngọc Minh
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (phải) và bị cáo Trần Ngọc Minh

Các nạn nhân gồm có: 1. Bà Cao Thị Liên (ngụ thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa) gửi 180 chỉ vàng SJC; 2. Ông Cao Văn Bổng (em ruột bà Liên, ngụ số 2 ngõ 2 phố Phan Đình Giót, quận Hà Đông) gửi 65 chỉ vàng SJC; 3. Bà Nguyễn Thị Thiếc (ngụ thôn Bình Đà 1, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) gửi 180 chỉ vàng SJC; 4. Chị Nguyễn Thanh Tú (ngụ 12 đường Thanh Bình, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) gửi 90 chỉ vàng AAA; 5. Bà Lê Thị Nhung (ngụ 34 ngõ 7 đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông) gửi 386 chỉ vàng SJC; 6. Ông Nguyễn Thanh Quang (ngụ tổ 2, phường La Kê, quận Hà Đông, đều thuộc Hà Nội) gửi 510 chỉ vàng SJC và 250 chỉ vàng AAA.

Sau đó, Tuấn Anh chỉ trả lại được cho ông Bổng 65 chỉ vàng, trả cho ông Quang 250 chỉ vàng. Còn lại, Tuấn Anh chiếm đoạt của 6 người 1.471 chỉ vàng (gồm 1.131 chỉ vàng SJC và 340 chỉ vàng AAA). Tại thời điểm gửi, số vàng này trị giá 6.464.970.000 đồng.

Viện kiểm sát đề nghị một đằng, Tòa phán quyết một nẻo

Hơn 1 năm sau ngày bị bắt, ngày 23/5/2013, Nguyễn Tuấn Anh bị truy cứu ra trước vành móng ngựa của TAND TP.Hà Nội về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Cùng hầu tòa với Tuấn Anh còn có bị cáo Trần Ngọc Minh bị xét xử về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Đến tham dự phiên tòa, những người bị hại có hai nguyện vọng. Một là về trách nhiệm hình sự, các nạn nhân mong Tòa xử phạt các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Hai là về trách nhiệm dân sự, các nạn nhân mong Tòa sẽ buộc Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP phải bồi thường và trả lại số vàng mà họ đã gửi tại Chi nhánh Vàng Hà Đông.

Về trách nhiệm hình sự, Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Anh 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, phạt bị cáo Trần Ngọc Minh 3 năm tù về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND TP.Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 618 Bộ luật Dân sự để buộc Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP phải bồi thường cho các bị hại 6.464.970.000 đồng và buộc bị cáo Nguyễn Tuấn Anh phải thanh toán lại cho Tổng Công ty số tiền trên.

Tuy nhiên, Tòa xác định: Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh đã lạm dụng chức vụ và vượt quá nhiệm vụ được giao, trực tiếp chiếm đoạt vàng và sử dụng cho cá nhân, không đưa vàng vào kho và không đưa hồ sơ nhận gửi giữ vàng vào hệ thống sổ sách của Chi nhánh. Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP không biết việc chiếm đoạt vàng của bị cáo, chưa quản lý vàng nhận gửi. Do đó, Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các nạn nhân! Thay vào đó, Tòa buộc bị cáo Nguyễn Tuấn Anh phải thực hiện công tác bồi thường này!

Phán quyết của Tòa án không chỉ phủ nhận đề nghị của đại diện VKS mà còn đẩy các nạn nhân vào nguy cơ trắng tay bởi ai cũng biết bị cáo Nguyễn Tuấn Anh không còn khả năng chi trả. Vì thế, các nạn nhân đã kháng cáo và mong chờ vào một phán quyết “thấu tình, đạt lý” trong phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.

Nhận định về vụ án này, Luật sư Chu Mạnh Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm:

“Tôi nhận thấy phán quyết của Tòa sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, chưa bảo đảm được quyền lợi chính đáng của những người bị hại. Không những thế, cách giải quyết như vậy còn có thể tạo ra một “tiền lệ” rất nguy hại cho xã hội.
 
Về trách nhiệm dân sự trong vụ án này, điều quan trọng là cần xác định bị cáo Nguyễn Tuấn Anh có thẩm quyền ký kết các hợp đồng, các giấy tờ liên quan đến việc gửi giữ vàng với những người bị hại, có nhân danh pháp nhân hay không? Trong trường hợp giao dịch này là đúng thẩm quyền, hợp pháp, nhân danh pháp nhân thì Pháp nhân đã trao quyền, đã giao nhiệm vụ cho bị cáo Tuấn Anh trong việc đứng ra nhận vàng ký gửi của người dân không thể không có trách nhiệm đối với thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu.

Đại diện VKSND TP.Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 618 Bộ luật Dân sự để buộc Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP phải bồi thường cho các bị hại 6.464.970.000 đồng và buộc bị cáo Nguyễn Tuấn Anh phải thanh toán lại cho Tổng Công ty số tiền trên. Tôi cho rằng đây là đề nghị có cơ sở pháp lý, hợp tình hợp lý.

Bên cạnh đó, Điều 93 Bộ luật Dân sự có quy định: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Đối chiếu quy định này, nếu xác định các hợp đồng gửi giữ vàng do Tuấn Anh kí kết là “nhân danh pháp nhân”, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, có đóng con dấu của pháp nhân... thì cần xem xét trách nhiệm dân sự của Tổng công ty vàng Argribank đối với các giao dịch này.

Ở góc độ khác, khi người dân đem vàng đến ký gửi tại các cơ sở có chức năng giữ vàng đến gửi tại các tổ chức tín dụng không có nghĩa vụ phải biết hết các quy định cũng như cách bố trí nhân sự tại mỗi cơ sở nhận.

Trong vụ án này, người dân đã trực tiếp mang vàng đến tận trụ sở Chi nhánh vàng Agribank Hà Đông (nơi họ đã đặt niềm tin), rồi được trực tiếp ông Phó Giám đốc phụ trách đón tiến, ký hợp đồng, làm các thủ tục bàn giao vàng cho cán bộ chi nhánh (tại trụ sở), khi ra về họ đã được cầm trong tay các giấy tờ có đầy đủ chữ ký, con dấu của tổ chức. Vậy về nguyên tắc, người gửi vàng đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết để gửi vàng vào Chi nhánh vàng Agribank. Thời điểm chuyển giao tài sản, rủi ro chính là khi họ đã bàn giao vàng cho người của Chi nhánh và nhận các giấy tờ chứng minh việc ký gửi”.

Vũ Văn Tiến