TPHCM

9 tháng, phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" 19 tỉ đồng

(Dân trí) - Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM) thống kê 9 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 2.816 cơ sở kinh doanh có sai phạm liên quan đến mại dâm, khiêu dâm, kích dục và xử phạt hơn 19 tỉ đồng.

Có hàng nghìn cơ sở hoạt động mại dâm

Vài năm trở lại đây, dạo quanh TPHCM, kể cả vùng ven, nhiều tụ điểm mại dâm hoạt động núp bóng không ngại dùng hình ảnh khiêu dâm, kích dục của nhân viên nam, người chuyển giới để kéo khách. Bên cạnh đó, không ít đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội, internet môi giới, giới thiệu mua, bán dâm. Chính vì vậy, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá nhiều ổ mại dâm nam, núp bóng cơ sở massage, spa…

5 (2)

Theo các chuyên gia khó để xử lý được mại dâm nam, đồng tính.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 8.864 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục (trong đó có 21 tụ điểm, tuyến đường có hoạt động tệ nạn mại dâm nơi công cộng). Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng đã kiểm tra 5.466 cơ sở, phát hiện 2.816 cơ sở kinh doanh có sai phạm liên quan đến mại dâm, khiêu dâm, kích dục và xử phạt hơn 19 tỉ đồng.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM phản ánh một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới, đồng thời chưa có biện pháp chế tài về xử lý đối với các đối tượng hoạt động mại dâm nam, mại dâm dồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.. trong khi đó những hành vi này đang diễn ra rất phổ biến trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở massage... nhằm mục đích cạnh tranh để câu khách.

Khó xử lý mại dâm nam, đồng tính

Pháp lệnh Phòng chống mại dâm chưa đề cập cụ thể đến xử lý mại dâm đồng giới, hành vi kích dục, khiêu dâm. Theo định nghĩa trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Theo đó, mua bán dâm là việc thỏa thuận trao đổi tiền hoặc lợi ích vật chất khác với mục đích giao cấu. Trong khi giao cấu được hiểu là việc quan hệ giữa nam và nữ, còn giữa nam với nam thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh trong pháp lệnh. Hơn nữa, những quy định hiện hành chưa hề đề cập việc xử lý tổ chức, cá nhân bao che, thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.

Từ thực tế nêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã kiến nghị Chính phủ bổ sung hành vi khiêu dâm, kích dục trong quy định xử phạt hành vi "Sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh". Ngoài ra, sở đề xuất phương án lấy ý kiến chính quyền địa phương khi cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Như vậy, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng kiểm soát chủ cơ sở vi phạm dùng "chiêu bài" thay tên, đổi chủ, xin cấp phép mới để "né" pháp luật.

Bày tỏ quan ngại về tệ nạn mại dâm nam, đồng tính, chuyển giới, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng các văn bản pháp luật liên quan đến tệ nạn xã hội cần có nội dung rõ ràng và cụ thể hơn. Về việc xử phạt, luật sư nhận xét cơ quan chức năng chiếu theo quy định xử phạt hành chính hiện hành. Theo đó, pháp luật quy hết tất cả đối tượng vào trường hợp có hành vi mua hoặc bán dâm. Song mức phạt còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Đơn cử, người bán dâm chỉ bị phạt cao nhất 500.000 đồng.

Luật sư băn khoăn: "Rất ít khi đối tượng có hành vi khiêu dâm, kích dục chịu trách nhiệm trước pháp luật dù hoạt động này diễn ra nhan nhản. Liệu cơ quan chức năng có "nhát tay" trước những hình thức mới mà pháp luật chưa kịp đề cập? Theo tôi, bên cạnh mại dâm "truyền thống", pháp luật nên phân định rõ ràng những đối tượng sai phạm khi xử phạt. Ví dụ: người bán hoặc mua dâm đồng tính chịu mức phạt bằng hoặc thấp hơn, cao hơn người bán dâm khác giới...".

Xuân Duy