8 án tử hình cho đường dây ma túy lớn nhất Sài Gòn
(Dân trí) - Sau 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 7/10, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phan Hữu Hiệu (sinh năm 1970, ngụ tại Nghệ An) mức án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Cùng tội danh, tòa tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thanh Nam (sinh năm 1981, tại Nghệ An), bị cáo Bùi Đình Trung (sinh năm 1969, tại Nghệ An), bị cáo Lý Thơ Phước (sinh năm 1967 tại TPHCM), bị cáo Ngô Hoàng Anh Dũng (sinh năm 1983 tại TPHCM), bị cáo Phan Thạch Dinh (sinh năm 1954, tại Quảng Trị), bị cáo Trần Đức Trầm (sinh năm 1957, tại Nghệ An), bị cáo Trần Ánh Nguyệt (sinh năm 1962 tại TPHCM) mức án tử hình. Riêng bị cáo Nguyễn Nhật Trường (sinh năm 1986, tại TPHCM) bị tuyên phạt mức án tù chung thân.
Sau khi nghe tòa tuyên án, nhiều người trong phòng xử gào khóc và ngất xỉu, khiến phiên tòa khá hỗn loạn. Phải cần một thời gian thì cảnh sát hỗ trợ tư pháp mới có thể dẫn giải các bị cáo rời khỏi phòng xử.
Tại phiên tòa, bị cáo Hiệu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Hiệu cho rằng mình chỉ là người làm công trừ nợ cho đối tượng Siva Tony, vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét lại vai trò của bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Nam kêu oan và cho rằng mình chỉ là lái xe cho Hiệu và không biết việc Hiệu mua bán ma túy. Nam chỉ làm theo chỉ đạo của Hiệu không được hưởng lợi bất chính. Việc Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo đồng phạm với Hiệu trong việc mua bán ma túy là không có căn cứ.
Bị cáo Dũng không thừa nhận hành vi phạm tội, Dũng khai nhận mình chỉ đi giao hàng cho Phước và không biết việc Phước mua bán ma túy. Bị cáo Nguyệt và bị cáo Trầm chỉ thừa nhận một phần hành vi cáo trạng truy tố.
HĐXX nhận định, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định từ đầu tháng 6/2018 đến ngày 11/7/2018, tại TP Đà Nẵng và TPHCM, Hiệu đã cùng đồng phạm mua bán tổng số 379 bánh heroine (tương đương 132kg) và 55kg methamphetamine. Bị cáo Phan Hữu Hiệu là người có vai trò chính, điều hành và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo khác có vai trò đồng phạm, là người thực hành và giúp sức tích cực.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Nam khai đã giúp Hiệu 3 lần vận chuyển ma túy từ Đà Nẵng vào TPHCM. Lời khai của Nam phù hợp với lời khai của Hiệu, quá trình đưa ma túy vào cốp xe để vận chuyển vào TPHCM có sự chứng kiến của Nam.
Bị cáo Dũng, Nguyệt, Trầm tại cơ quan điều tra cũng có lời khai thừa nhận hành vi phạm tội. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nội dung vụ án và lời khai của những bị cáo khác.Việc bị cáo Nam, Dũng, Nguyệt, Trầm thay đổi lời khai là không có căn cứ. Việc thay đổi lời khai của các bị cáo nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Bị cáo Hiệu cho rằng mình là đồng phạm của Siva Tony là không có căn cứ, bởi trong vụ án này chưa bắt được đối tượng Siva Tony nên Hiệu phải chịu trách nhiệm về khối lượng ma túy mình đã mua bán.
Trong vụ án này, các bị cáo phạm tội có tổ chức, bị cáo Hiệu là người cầm đầu nên phải chịu trách nhiệm nặng nhất. Hầu hết các bị cáo có nhân thân xấu, đơn cử bị cáo Dinh có 2 tiền án chưa được xóa án tích, bị cáo Trầm có 6 tiền án chưa được xóa án tích… Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm nên cần xử lý nghiêm. Quá trình lượng hình HĐXX cũng xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng…
Bị cáo Nguyệt và bị cáo Dũng mặc dù được Viện Kiểm sát đề nghị mức án tù chung thân, tuy nhiên HĐXX nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án có đủ căn cứ xác định, bị cáo Dũng đã đồng phạm với Lý Thơ Phước thực hiện hành vi mua bán trái phép 35 bánh heroin. Còn bị cáo Nguyệt đồng phạm với Dinh thực hiện hành vi mua bán trái phép 2 bánh heroine. Tại phiên tòa, các bị cáo không thành khẩn khai báo nên cần xử lý. Xét thấy, khối lượng ma túy các bị cáo mua bán lớn, vì vậy cần loại bỏ các bị cáo ra khỏi xã hội.
Riêng bị cáo Trường có hành vi mua bán 150g methamphetamine, vai trò có phần hạn chế, vì vậy, HĐXX quyết định giảm nhẹ 1 phần hình phạt cho bị cáo.
Xuân Duy