11 địa phương xây dựng được quỹ giúp đỡ người lầm lỗi vay vốn, tạo việc làm
(Dân trí) - 11 địa phương đã xây dựng được các mô hình quỹ, huy động nguồn vốn đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Bộ Công an vừa trả lời cử tri tỉnh Lào Cai xung quanh việc phối hơp với các bộ ngành liên quan thực hiện Nghị định 80/2011 của Chính phủ về quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Theo đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết thực hiện Nghị định số 80 giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2017; tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/2018 về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó nêu rõ những nhiệm vụ công tác trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2020 quy định chi tiết thi hành Luật này về tái hòa nhập cộng đồng thay thế Nghị định số 80/2011.
Nghị định số 49 là văn bản pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, các cấp chính quyền triển khai có hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng. "Đến nay, đã có 31 UBND cấp tỉnh, 50 Công an các đơn vị, địa phương gửi kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020 về Bộ Công an, trong đó có tỉnh Lào Cai"- Bộ Công an cho hay.
Thống kê đến tháng 7/2020 cho thấy, cả nước có 339 mô hình tái hòa nhập cộng đồng đang được duy trì hoạt động hiệu quả. Nhiều mô hình được lồng ghép trong thực hiện các mô hình của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Đặc biệt, có 11 địa phương đã xây dựng được các mô hình quỹ, huy động nguồn vốn đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tiêu biểu như: Mô hình "Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự" của tỉnh Đồng Nai, đã huy động được 25 tỷ đồng, cho trên 1.200 người lầm lỗi vay vốn, tạo việc làm; mô hình "Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng" của tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã có số vốn quay vòng trên 19 tỷ đồng, đã hỗ trợ vay vốn cho 682 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù...
Thời gian tới, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả những mô hình tái hòa nhập cộng đồng đang hoạt động để có biện pháp duy trì, phát huy và nhân rộng; đồng thời, tham mưu xây dựng mới các mô hình hỗ trợ giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng phù hợp thực tế của địa phương.
Ghi nhận đóng góp của cử tri tỉnh Lào Cai, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang; trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ công an nói chung, cán bộ làm công tác thi hành án hình sự nói riêng. Việc này nhằm đảm bảo phù hợp với tính chất, đặc điểm công việc của từng lực lượng, cùng với nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.