Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Việt
Kết quả từ các nghiên cứu về an toàn giao thông (Sở hữu và sử dụng xe máy tại TP. Hồ Chí Minh; Nguyên nhân tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và giải pháp cho TP. Hồ Chí Minh; Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông xe máy tại Thái Nguyên) do Quỹ An toàn Giao thông VAMM tài trợ cho thấy: xe máy hiện vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân trong sinh hoạt hằng ngày.
Cụ thể, mỗi hộ gia đình ở TP. Hồ Chí Minh có trung bình 4,12 thành viên, trong đó 2,29 người có việc làm và sở hữu 2,33 xe máy. Thói quen sử dụng xe máy của người dân là không dễ từ bỏ vì sự tiện lợi và tính kinh tế của phương tiện này trong khi các loại phương tiện công cộng khác chưa đủ hấp dẫn đại đa số người dân.
Kết quả nghiên cứu tại Thái Nguyên cũng cho thấy ước tính trong một năm nhu cầu đi lại toàn tỉnh Thái Nguyên là khoảng 854,1 triệu chuyến đi, trong đó trên 75% chuyến đi có sử dụng xe máy. Bình quân xe máy trên đầu người là 0,5 nghĩa là cứ 2 người sẽ có 1 người sử dụng xe máy. Điều đó cho thấy xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của cả người dân khu vực thành thị và nông thôn, miền núi.
Liên quan tới vấn đề ATGT xe máy, nghiên cứu cũng chỉ rõ tai nạn giao thông gây ra do nguyên nhân chủ quan chiếm tới 86% trong tổng các nguyên nhân. Trong đó, nhóm nguyên nhân do hành vi lái xe không an toàn (phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá gần, sử dụng điện thoại khi lái xe) chiếm 42,2%; nhóm nguyên nhân liên quan tới kỹ năng lái xe (phanh gấp, …) chiếm 21,2%; liên quan tới hành vi vi phạm luật ATGT (đi ngược chiều, uống rượu/bia khi lái xe,….) là 22,6% và nhóm nguyên nhân khách quan do môi trường lái xe (đường xấu, trời mưa, lái xe buổi tối) chỉ chiếm 14%.
Việc sử dụng xe máy cũ cũng được khẳng định làm cho mức độ tai nạn nghiêm trọng hơn: với xe sử dụng từ 6 đến 10 năm, tỉ lệ xe gặp tai nạn ở mức nhập viện có thể lên đến 40%; trong khi xe sử dụng từ 1 đến 3 năm, tỉ lệ này chỉ có 7%.
Liên quan tới tai nạn giao thông xe máy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, kết quả nghiên cứu cho thấy tai nạn phần lớn xảy ra trên đường quốc lộ và đường đô thị (chiếm 68%), người điều khiển xe máy ở khu vực thành thị cũng đối mặt với nguy cơ tan nạn nhiều hơn ở khu vực nông thôn.
Trong số ba nguyên nhân được nhóm nghiên cứu đánh giá thì yếu tố con người đóng góp tới 80% số vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là vi phạm các quy tắc an toàn giao thông (vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia…) và thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Đường xấu và thiếu ánh sáng đèn đường vào buổi tối gây ra khoảng 13% các vụ tai nạn. Ngoài ra, có mối liên hệ giữa vụ tai nạn và các phương tiện được sử dụng lâu năm.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra nhiều thông tin quan trọng về vấn đề tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em hiện nay. Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2015, số lượng tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tại TPHCM tăng đáng báo động 190% và số lượng thanh thiếu niên tử vong vì TNGT tăng 217%. Trong đó, tỷ lệ học sinh cấp ba chiểm tới 70%, học sinh cấp hai 20%, còn lại học sinh tiểu học và mẫu giáo chiếm 10%. Tỉ lệ trẻ không đội mũ bảo hiểm là rất cao, cụ thể: mẫu giáo 80%, học sinh tiểu học trên 50%, học sinh cấp 2 và cấp 3 là trên 15%.
Từ các kết quả này, nhóm nghiên cứu đã đề ra các kiến nghị như: tiếp tục thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục ATGT với những cách tiếp cận hiệu quả nhằm nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ giao thông của người dân, tăng cường các hình thức chế tài cụ thể đối với những hành vi tiềm tàng rủi ro tai nạn giao thông cùng chính sách quản lý thời gian sử dụng xe và kiểm định xe máy định kỳ để tăng yếu tố an toàn khi sử dụng xe; Xem xét quản lý chặt chẽ việc điều khiển xe máy điện, xe đạp điện ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay; Nâng mức phạt vi phạm, thiết kế hợp lý điều khiển giao thông một số khu vực để giảm vi phạm, cải tạo hạ tầng đường….
Theo Nguyễn Hà
Hải quan Online