Xe điện lậu bán tràn lan, người mua cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đình Nam

(Dân trí) - Các mẫu xe điện lậu không chỉ nhanh xuống cấp, thông số kém xa so với quảng cáo mà còn có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng do chất lượng khung kém, phanh không "ăn", thậm chí nguy cơ chập cháy.

Thị trường sôi động mùa tựu trường

Nhiều cửa hàng kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện tại Hà Nội tăng nhập hàng để đáp ứng nhu cầu nhiều hơn của khách hàng dịp này. Trong khi đó, các nhà sản xuất cũng tích cực ra mắt sản phẩm mới hay tung các chương trình khuyến mại kích cầu.

Xe điện lậu bán tràn lan, người mua cẩn thận “tiền mất, tật mang” - 1

Thị trường xe điện tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh

“Như mọi năm, tháng 6 đến tháng 9 là cao điểm của thị trường xe điện do vào mùa tựu trường”, anh Việt Thanh, chủ một hệ thống phân phối xe điện lớn tại Hà Nội, chia sẻ. “Năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhu cầu thấp hơn. Dù vậy dịp này, các cửa hàng cũng tăng gấp đôi doanh số so với tháng trước”.

Anh Thanh cho biết dòng xe điện được chuộng thời gian gần đây có mức giá 14-16 triệu đồng, phần lớn là cha mẹ mua cho con cái đi học. “Vài năm trước, dòng xe bán chạy có giá 9-12 triệu nhưng hiện nay nhu cầu đã chuyển dịch sang các loại đắt hơn, tốt hơn, khoảng cách di chuyển có thể đạt 70-100km cho mỗi lần sạc”, anh nói.

Xe điện nhái, xe lậu bán tràn lan

Tình trạng xe điện nhái của các thương hiệu uy tín đã diễn ra từ nhiều năm qua và đã được cơ quan chức năng vào cuộc nhưng đến nay vẫn tiếp diễn. “Điều chúng tôi lo lắng không phải là cạnh tranh giữa các hãng mà là sự xuất hiện của hàng lậu, các sản phẩm nhái, ngày càng tinh vi nhưng chất lượng vẫn rất kém và được bán tràn lan”, ông Đoàn Ngọc Linh, CEO hãng xe điện Pega chia sẻ.

Ông Linh ước tính có khoảng 700.000 xe đạp điện, xe máy điện và xe máy dưới 50cc được bán ra tại Việt Nam trong năm 2019, dựa trên số tem kiểm định mà cơ quan quản lý cấp ra. Tuy nhiên, lượng xe lưu thông trên thị trường thực tế phải lên đến 1 triệu chiếc các loại.

Xe điện lậu bán tràn lan, người mua cẩn thận “tiền mất, tật mang” - 2

Thị trường xuất hiện các mẫu xe điện lậu, nhái với chất lượng kém, ảnh hưởng tới người tiêu dùng và các nhà sản xuất khác

“90% xe điện lậu đánh vào phân khúc học sinh, sinh viên và những người cao tuổi vì nhóm khách hàng này dễ bị ‘qua mặt’. Một lượng lớn sản phẩm được tiêu thụ không có tem kiểm định. Thậm chí có những cửa hàng bày bán xe điện lậu, hàng nhái nhưng ngang nhiên dán tem giả mạo của cơ quan chức năng”, ông Linh cho hay. 

Các mẫu xe điện nhập lậu, hàng nhái không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của thương hiệu bị giả mạo mà còn làm mất lòng tin chung của người dùng với dòng sản phẩm này.

Cùng chung bức xúc trên, ông Nguyễn Thế Hiệp, CEO Xe Máy Điện Yadea Việt Nam đánh giá: "Không ít người tiêu dùng đã mua nhầm hàng nhập lậu, hàng nhái dẫn tới tâm lý nghi ngờ chất lượng xe điện thường kém, thậm chí coi như món hàng rẻ tiền".

"Điều này ảnh hưởng tới mục tiêu tạo dựng hình ảnh xe điện là phương tiện di chuyển hiện đại, chất lượng cao mà Yadea và nhiều hãng xe điện lớn đang hướng tới", ông Hiệp nói.

Người dùng “tiền mất, tật mang”

Nguyễn Đức Nghĩa (học sinh lớp 10 tại Thái Bình) đã trải qua “đau thương” khi mua phải xe đạp nhái. “Đồng hồ báo còn đi được 20 km nữa nhưng em chỉ đi hơn 3km là đã hết điện, làm em mấy lần phải dắt bộ về nhà”, Nghĩa nhớ lại.

Phanh xe không “ăn” lắm nên Nghĩa không dám đi nhanh vì sợ nguy hiểm, ngày mưa thì phanh trên xe lại bị bó nên đi rất nặng.

Xe điện lậu bán tràn lan, người mua cẩn thận “tiền mất, tật mang” - 3

Pin, ắc-quy là chi tiết được các hãng lớn bảo hành dài nhưng trên xe nhái lại nhanh bị hỏng, giảm chất lượng

Trong khi đó, bà Trần Thị Luyến (Hà Đông, Hà Nội) đã phải thay ắc-quy sau chưa đầy ba tháng mua xe điện. “Chiếc xe tôi mua 12 triệu, đi được một thời gian thì chạy yếu mà nhanh phải sạc, khi tôi ra cửa hàng để kiểm tra thì được báo phải thay bình với giá 2 triệu chứ họ không chịu bảo hành vì lấy hết lý do này với lý do khác”, bà cho hay.

Trong khi đó, những mẫu xe điện chính hãng thường có chính sách và thời gian bảo hành lâu dài. Có những mẫu xe được bảo hành động cơ và khung 36 tháng, pin hay ắc-quy, ECU, bộ đổi nguồn… 12 tháng. Trong khi đó, có hãng lại áp dụng bảo hành 18 tháng cho ắc-quy với chính sách 1 đổi 1...

Lãnh đạo một đơn vị phân phối cho rằng những chiếc xe đạp lậu, hàng nhái có giá sản xuất rất thấp và bất chấp chất lượng vì họ không có gì để mất, nhất là niềm tin với khách hàng.

“Những mặt hàng này rẻ hơn vài chục % so với xe điện chính hãng vì dùng các linh kiện rẻ tiền, lắp ráp ẩu, không qua kiểm định”, đại diện một đơn vị sản xuất cho hay.  

Để kiểm soát được vấn nạn xe lậu này cần có sự chung tay vào cuộc từ các cơ quan chức năng thông qua việc làm chặt nguồn vào, kiểm soát các điểm bán hàng, showroom trưng bày, vừa bảo vệ người tiêu dùng, cũng là để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn đúng đắn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm