Vụ CSGT "chê" bằng lái quốc tế: Việt Nam chấp nhận loại giấy phép lái xe nào?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - khẳng định: Cảnh sát giao thông (CSGT) nói bằng lái xe quốc tế theo Công ước Vienna “vô giá trị tại Việt Nam” là sai, tuy nhiên cách xử lý của CSGT là có cơ sở.

Để làm rõ về giá trị của Giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế theo Công ước Vienna, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái. Đây là cơ quan chủ trì và cấp GPLX quốc tế.


Ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái

Ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái

- Phóng viên: Vừa qua, trên mạng xuất hiện video ghi lại hình ảnh Đội CSGT Cát Lái - TPHCM cho rằng bằng lái quốc tế là "vô giá trị tại Việt Nam" và tạm giữ xe ô tô của người vi phạm trên đại lộ Mai Chí Thọ, ông đã xem video này chưa?

- Ông Nguyễn Thắng Quân: Tôi đã xem video. Tôi khẳng định GPLX quốc tế theo Công ước Vienna 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là Công ước 1968) có hiệu lực đối với 85 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

- Tại thời điểm xử lý vi phạm, Đội CSGT Cát Lái khẳng định “GPLX quốc tế vô giá trị tại Việt Nam”, ông nghĩ sao về việc này?

- Điều đó không đúng. Các quốc gia tham gia Công ước 1968 chấp nhận GPLX của các nước thành viên tại chính nước mình. Việc CSGT trong quá trình xử lý vi phạm cho rằng GPLX quốc tế theo Công ước Vienna không có giá trị tại Việt Nam là sai.

GPLX quốc tế được Việt Nam cấp, có giá trị lưu hành sử dụng tại 84 quốc gia thành viên của Công ước 1968
GPLX quốc tế được Việt Nam cấp, có giá trị lưu hành sử dụng tại 84 quốc gia thành viên của Công ước 1968

- Nhưng khi giải quyết vi phạm tại Phòng CSGT thành phố, đơn vị đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, ông có bình luận gì về việc này?

- Theo giải thích của lãnh đạo Phòng CSGT, khi đến trụ sở cơ quan CSGT để giải quyết vi phạm, chủ phương tiện đã mang theo cả GPLX nội địa của quốc gia và GPLX quốc tế nên đã thay đổi biện pháp xử lý, họ xử lý vi phạm hành chính rồi cho chủ phương tiện lấy xe về, việc xử lý vi phạm của CSGT lúc này là có sơ sở.

Lí do là GPLX quốc tế chỉ hợp lệ khi người điều khiển phương tiện phải đồng thời có cả GPLX do quốc gia sinh sống cấp. Tức là, trong trường hợp này, chủ phương tiện người Đức phải có GPLX quốc tế và GPLX nội địa Đức cấp thì mới hợp lệ khi giải quyết vi phạm giao thông.

- Hiện nay tại Việt Nam chấp nhận những loại GPLX nào, thưa ông?

- Ở Việt Nam hiện nay chỉ chấp nhận giá trị của 2 loại GPLX, đó là GPLX do quốc gia cấp và GPLX quốc tế theo Công ước 1968.


Các quốc gia thành viên của Công ước Vienna

Các quốc gia thành viên của Công ước Vienna

Tôi xin nhắc lại, người điều khiển phương tiện khi sử dụng GPLX quốc tế tại Việt Nam thì phải có cả GPLX nội địa của quốc gia cấp, phải có đồng thời 2 GPLX thì mới hợp lệ khi tham gia giao thông. Tương tự, công dân Việt Nam khi ra nước ngoài và sử dụng GPLX quốc tế tại nước bạn cũng phải mang theo GPLX nội địa của Việt Nam cấp.

Hiện có những người điều khiển phương tiện cũng sử dụng một số loại GPLX của các Hiệp hội giao thông quốc tế cấp, nhưng GPLX đó không có giá trị tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Thông tư 29/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, việc cấp và sử dụng GLPX quốc tế chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2015. GPLX quốc tế có hiệu lực tại 85 nước thành viên của Công ước Vienna, trong đó có Việt Nam. Thời hạn của GPLX theo quy định chung của Công ước từ 1 - 3 năm. Trên GLPX in 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX đó.

Châu Như Quỳnh

Vụ CSGT "chê" bằng lái quốc tế: Việt Nam chấp nhận loại giấy phép lái xe nào? - 4