Vì sao xe chạy điện không thể giúp chấm dứt tình trạng ô nhiễm không khí?
(Dân trí) - Ô tô chạy điện có động cơ không xả thải, nhưng một số bộ phận khác của xe vẫn nhiệt tình "chung tay" gây ô nhiễm không khí.
Chính phủ Anh vừa công bố kết quả một nghiên cứu về tác động của ô nhiễm không khí với sức khoẻ con người khi tiếp xúc với khí thải từ các phương tiện giao thông. Theo đó, xe điện không thể giúp chấm dứt hoàn toàn tình trạng ô nhiễm môi trường.
Báo cáo này cho thấy ống xả, phanh và lốp xe bị mòn đều tạo bụi mịn PM2,5 và PM10 - hai loại bụi mịn có tác động nguy hiểm đến sức khoẻ con người.
Cụ thể, tỷ lệ hạt NEE (khí thải dạng hạt phát ra từ các lốp xe mòn, phanh và ma sát với mặt đường) chỉ chiếm dưới 10% phát thải dạng hạt (PM). Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng khi tỷ lệ xe chạy điện trở nên phổ biến hơn.
Nhiều điểm thu thập dữ liệu thực tế đã được thiết lập để khảo sát tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó có 2 địa điểm ở thành phố London là khu vực Kensington và đường Marylebone. Kết quả thu được tại 30 khu vực gần đường và 15 con đường cho dữ liệu phát thải trung bình tại mỗi khu vực.
Tình hình thực tế
Số liệu trung bình từ 30 khu vực gần đường cho thấy khí thải từ các ống xả đóng góp 1% vào tỉ lệ bụi mịn PM10 và 2% tỉ lệ bụi mịn PM2,5; trong khi tỉ lệ này từ phát thải do phanh và lốp mòn gây ra là 2% cho PM10 và PM2,5. 1% PM10 và PM2,5 là do ma sát giữa lốp với mặt đường.
Tại khu vực Bắc Kensington ở London, tại một địa điểm gần đường khác, ô nhiễm khí thải từ ống xả đo được ở mức 2% hạt PM10 và 4% hạt PM2,5; tỉ lệ phát thải do ma sát là 2% ở cả 2 dạng hạt.
Tại 15 con đường được khảo sát, tỷ lệ phát thải PM10 là 4% và PM2,5 là 5%; tỷ lệ phát thải do lốp mòn và phanh là 11% đối với hạt PM10 và 8% đối với hạt PM2,5; tỉ lệ phát thải do ma sát là 4% với cả hạt PM10 và PM2,5.
Tại khu vực sát đường Marylebone, London, tỷ lệ phát thải từ ống xả lần lượt là 6% và 9% với hạt PM10 và PM2,5. Tỷ lệ phát thải từ phanh và lốp mòn là 16% và 13 đối với hạt PM10 và PM2,5. Tỷ lệ phát thải từ ma sát là 6% với hạt PM10 và 5% với hạt PM2,5.
Khảo sát được tiến hành ở những điểm có tỉ lệ trung bình giống với các khu vực trên toàn nước Anh, nên được coi là con số đại diện cho tỉ lệ trung bình tại Anh.
Ô nhiễm bụi mịn nguy hiểm như thế nào?
Cả 2 loại hạt PM1,5 và PM10 đều tác động nghiêm trọng tới sức khoẻ con người. Chúng có thể xâm nhập vào hệ hô hấp bất kể con người tiếp xúc với các loại hạt này trong ngắn hạn hay dài hạn.
Các loại bụi mịn nói trên có thể gây ra các bệnh lý về hô hấp hay tim mạch, ví dụ như hen suyễn, hay các bệnh nguy hiểm chết người khác như ung thư phổi hay các bệnh về tim mạch.
Theo các kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bụi mịn PM2,5 có khả năng gây tử vong cao hơn so với hạt PM10.
Cũng theo thống kê của WHO vào năm 2018, trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có tới 7 triệu người chết vì ô nhiễm bụi mịn.
Làm thế nào để cải thiện ô nhiễm?
Tại Anh hiện nay hầu như có rất ít quy định về việc quản lý khí thải t phanh và lốp xe. Tuy nhiên, dự kiến trong tương lai gần, các điều luật này sẽ sớm được quy chuẩn.
Tuy nhiên, có thể các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra phương án để giảm lượng phát thải hạt PM10 và PM2,5 do lốp xe.
Năm 2020, giải thưởng James Dyson đã được trao cho các nhà sản xuất phụ tùng xe với phát minh thiết bị “bắt” hạt vi nhựa từ lốp xe. Đây là một thiết kế của nhóm The Tyre Collective, một nhóm sinh viên thuộc trường Cao đẳng Imperial ở London và trường Cao đẳng Nghệ thuật hoàng gia Anh. Thiết bị này sẽ được lắp vào lốp xe để thu thập các hạt vi nhựa trong quá trình xe lưu thông trên đường phố. Thiết bị này đồng thời cũng giảm lượng phát thải từ lốp xe và phanh xe.