Vì sao quốc gia châu Âu này đột ngột quay lưng với ô tô điện?

Nhật Minh

(Dân trí) - Là nước có tỷ lệ mua ô tô điện cao nhất thế giới, nhưng Na Uy giờ đây lại đang không khuyến khích người dân mua xe điện nữa, mà tập trung phát triển phương tiện giao thông công cộng. Lý do là gì?

Trong nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu, Na Uy là nước có tỷ lệ mua ô tô điện cao nhất thế giới, với 87% doanh số xe mới là xe thuần điện, theo thống kê của Hiệp hội đường bộ Na Uy.

Vì sao quốc gia châu Âu này đột ngột quay lưng với ô tô điện? - 1

Chính phủ Na Uy cho rằng ô tô điện không giải quyết được vấn đề nội tại của các đô thị (Ảnh minh họa: Getty Images).

Lý do Na Uy thay đổi chiến lược là nước này không có ngành sản xuất nội địa và chuỗi cung ứng xe điện không được hưởng ứng. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với các nước như Trung Quốc.

Nền kinh tế của Na Uy gắn liền với xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Không như Trung Quốc, một thế lực lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất xe điện, Na Uy phụ thuộc nhiều vào xe điện nhập khẩu.

Một yếu tố quan trọng trong sự thành công của Na Uy là điều kiện địa lý và xã hội. Với lịch sử bắt nguồn từ nền kinh tế nông nghiệp, quá trình đô thị hóa sau chiến tranh của Na Uy song hành cùng sự nở rộ của ô tô.

Ngay từ ban đầu, chính phủ Na Uy không cố biến nước này thành trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu, nhưng đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích xe điện, như miễn thuế mua ô tô, phí đường bộ, phí đỗ xe, và thậm chí cả phí cầu phà. Chính sách này đã khiến tiêu thụ xe điện ở Na Uy tăng mạnh.

Điều thú vị là chính sách khuyến khích xe điện của Na Uy không xuất phát từ nhu cầu phát triển sản xuất hay kiểm soát chuỗi cung ứng xe điện. Thay vào đó, chúng nhằm thực hiện cam kết của nước này trong việc sử dụng năng lượng sạch, vì Na Uy chủ yếu dựa vào thủy điện.

Tuy nhiên, một số phân tích gần đây cho thấy việc khuyến khích xe điện mang tới một số hệ lụy ngoài dự đoán. Mặc dù chính sách của Na Uy đã giúp giảm khí thải ra môi trường, nhưng nó cũng gây ra sự phân hóa giàu nghèo và khuyến khích việc sở hữu xe cá nhân. Việc này đi ngược lại các giá trị của chủ nghĩa quân bình mà Na Uy theo đuổi.

Chính sách khuyến khích xe điện chủ yếu có lợi cho người giàu và việc tăng số lượng xe điện không tốt cho các thành phố. Số tiền dùng để hỗ trợ xe điện có thể được dùng để phát triển mạng lưới giao thông công cộng để tất cả người dân được hưởng lợi.

Quan trọng hơn, chính sách khuyến khích xe điện triệt tiêu nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng và xe đạp của người dân, trong khi đây là các biện pháp hiệu quả hơn để giảm khí thải và cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị.

Cố vấn khí hậu của thị trường thành phố Oslo, bà Tiina Ruohonen, cho biết: "Mọi người đều ủng hộ ô tô điện. Đó là điều không cần bàn cãi. Vấn đề là liệu người dân có thực sự cần sở hữu một chiếc ô tô ở Oslo hay không".

Quan điểm chính quyền Oslo được thể hiện khá rõ qua việc cắt giảm hơn 4.000 chỗ đỗ xe kể từ năm 2016, ưu tiên làn đường dành cho xe đạp và có chính sách khuyến khích việc đi bộ.

Chiến lược này dẫn tới kết quả là ở Oslo không có người đi bộ hay đi xe đạp nào tử vong vì tai nạn giao thông vào năm 2019. Việc đó cho thấy lợi ích về mặt an toàn và lối sống của môi trường đô thị không có ô tô.

Tuy nhiên, chính sách khuyến khích xe điện đôi khi xung đột với tham vọng của các địa phương trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào ô tô.

Sức hấp dẫn của xe điện, đến từ các chính sách hỗ trợ như miễn phí gửi xe, miễn phí đường bộ, đã thúc đẩy nhu cầu sở hữu ô tô của nhiều người dân Na Uy. Và xu hướng này gây ảnh hưởng tới việc đầu tư vào các dự án giao thông công cộng.

Các dự án giao thông công cộng đầy tham vọng của Oslo gặp rào cản về tài chính khi nguồn thu từ phí đường bộ sụt giảm do người dân tăng cường mua ô tô điện. Khuyến khích xe điện mà không loại bỏ nhu cầu sử dụng ô tô có thể phải đánh đổi bằng các mục tiêu môi trường và xã hội quan trọng khác.

Vì sao quốc gia châu Âu này đột ngột quay lưng với ô tô điện? - 2

Nhiều ý kiến cho rằng ô tô điện đã được hưởng ưu đãi quá lâu ở Na Uy (Ảnh minh họa: Getty Images).

Gần đây, Na Uy đã cắt bớt các chính sách khuyến khích xe điện; chính phủ bắt đầu thu phí đỗ xe, phí đường bộ và phí cầu phà đối với xe điện.

Chính phủ Na Uy cũng hủy bỏ chính sách miễn thuế Giá trị gia tăng (VAT), đặc biệt là với xe điện hạng sang, từ ngày 1/1/2023.

Ô tô điện có giá trên 500.000 NOK (khoảng 1,1 tỷ đồng) đã không còn được miễn thuế VAT. Chính sách thuế VAT trở nên linh hoạt hơn; xe điện càng đắt bị áp thuế càng cao.

Hiệp hội ô tô điện Na Uy, đại diện cho khoảng 110.000 chủ xe điện ở nước này, đã thể hiện sự thất vọng trước chính sách thuế VAT mới. Tổng Thư ký Christine Bu chỉ trích sự thay đổi chính sách 180 độ như vậy là cực kỳ tệ hại.

Cơ quan quản lý đường bộ của Na Uy từng đề xuất một số thay đổi đối với chính sách khuyến khích xe điện. Trong thư gửi Bộ Giao thông, cơ quan này đề xuất cấm xe điện sử dụng làn đường dành riêng cho xe buýt và taxi như hiện tại.

Bản kế hoạch này cũng đề xuất tăng phí đường bộ đối với xe điện từ mức 50% hiện tại lên 70% từ nay đến năm 2025. Sau đó, xe điện cần bị tính phí đường bộ như bình thường, trùng thời điểm Na Uy dự kiến sẽ chỉ cho phép bán xe không khí thải.

Tờ BPN của Na Uy đã dẫn lời bà Ingrid Dahl Hovland, Giám đốc Cơ quan Quản lý đường bộ nước này, cho biết: "Ô tô cũng chiếm chỗ như các xe khác khi tham gia giao thông. Chúng tôi muốn giảm số lượng ô tô ở các thành phố. Với nửa triệu xe điện đang lăn bánh trên đường, đã đến lúc chúng ta cân nhắc việc bỏ chính sách miễn phí đường bộ".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Na Uy Jon-Ivar Nygard nhấn mạnh tầm quan trọng của các loại hình phương tiện thay thế hấp dẫn hơn: "Ô tô điện là phương tiện "xanh" hơn, nhưng cũng gây xung đột với phương tiện giao thông công cộng ở khu vực đô thị. Chúng ta cần làm sao để người dân thích dùng phương tiện công cộng, đi xe đạp và đi bộ hơn".

Theo WapCar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm