“Ván cờ” cuối của thị trường ôtô
Thị trường ôtô Việt Nam 2017 đang như một “ván cờ” cuối cùng giữa người chơi là các nhà sản xuất và phân phối ôtô với một bên là người tiêu dùng. Ván chơi quyết định cho một phần thưởng lớn đặt sẵn lên bàn khiến cả phía đều đưa nhau vào những thế cờ khó.
Thế cờ nghẹt thở
Năm 2017 là quãng thời gian cuối cùng để các hãng xe chuẩn bị cho một giai đoạn bước ngoặt, trước khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) có xuất xứ từ các nước nội khối ASEAN giảm về 0%.
Dù không phải tất cả các loại xe nhập khẩu ASEAN đều được hưởng mức thuế suất này và kịch bản giá xe sẽ không hoàn toàn đơn giản như phép tính 1 + 1 = 2, song ít nhất, nó cũng vẽ ra một bức tranh mà người tiêu dùng chắc chắn đặt nhiều kỳ vọng. Chính điều đó đã đặt các hãng xe vào tâm thế có phần bị động.
Trong khi đó, trước một viễn cảnh được cho là sẽ nhiều màu hồng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt mình vào vị thế chủ động, sẵn sàng chờ đợi để nhận về những kết quả có lợi cho nhu cầu mua sắm.
Bởi thế, khi ván đấu chính thức được khởi động, cả hai phía đều có những nước khai cuộc một cách chậm rãi.
Ngay khi vào cuộc, những nước tấn công cơ bản nhất được các hãng xe triển khai bằng việc tung ra một loạt các chương trình giảm giá và khuyến mại ở mức độ vừa phải. Động thái “khích tướng” này nhằm vào mục tiêu đưa người tiêu dùng vào tư thế ứng phó bằng việc gia nhập cuộc chơi mua sắm.
Tuy nhiên, viễn cảnh về một đợt giảm giá diễn ra vào năm 2018 lại có phần lấn lướt, ít nhất là ở khía cạnh tâm lý. Đó là lý do người tiêu dùng vẫn tiếp tục thủ thế bằng những nước cờ chắc chắn. Cho dù các hãng xe đã cố ý “phơi ra” những nước cờ sơ hở bằng những động thái giảm giá và khuyến mại mạnh mẽ song không vì thế, người tiêu dùng nhiệt tình ngay bằng việc tham gia thị trường.
Kết quả là, cả người tiêu dùng lẫn các hãng xe đều đang “giam” nhau ở những thế cờ bí. Mỗi nước đi lúc này đều trở nên khó khăn bởi chưa chắc đã đem lại những kết quả như mong muốn.
Thậm chí cho đến tận thời điểm này, tức là chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đồng hồ thời gian chính thức chỉ sang năm 2018, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chờ đợi.
Sau cơn bão giảm giá, các hãng xe vẫn tiếp tục tung ra những đợt giảm giá và khuyến mại, dù nhỏ giọt hơn nhưng kéo dài như mùa mưa ngâu. Đến lúc này, giá bán lẻ các loại ôtô phổ thông đã thực sự xuống mức rất thấp và vì vậy, người tiêu dùng đã ít nhiều bị “ngấm”.
Tháng 8/2017, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường đã tăng trưởng trở lại 12% so với tháng liền trước, dù vẫn còn khá thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 9, những đợt kích cầu vẫn tiếp diễn và sức mua ôtô hoàn toàn có thể được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi.
Kịch bản khó đoán
Chấp nhận nén mình từ đầu năm đến nay, các hãng ôtô cũng đã bắt đầu có lợi thế cho những nước cờ tiếp theo trên ván đấu của mình. Ở phía đối diện, sự thủ thế một cách chắc chắn kể từ đầu năm đến nay cũng đã bắt đầu có kết quả, đó là giá xe đã buộc phải kéo xuống rất thấp, nhất là so với khoảng thời gian từ năm 2016 về trước.
Nhìn thoáng qua, những nước cờ của cả người tiêu dùng lẫn các hãng xe đã bắt đầu thoáng hơn, không còn thủ thế, vây bắt chắc chắn đến mức nghẹt thở như trước. Nhưng kịch bản của ván cờ cuối cùng trên thị trường ôtô năm 2017 vẫn đang thực sự khó dự đoán và có lẽ, kết quả sẽ chỉ được hình dung cho đến nước “chiếu tướng” cuối cùng.
Trên thực tế, ván cờ - ôtô - đang diễn ra một cách căng thẳng không phải do người tiêu dùng hay các hãng xe bày ra mà họ chỉ là những “kỳ thủ” bị buộc phải ngồi vào ván đấu. Người bày cờ, không ai khác, chính là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hay nói cách khác là Chính phủ của các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Có lẽ, chính tâm lý thụ động khi bước vào ván đấu đã khiến cả 2 người chơi trở nên thận trọng, cho dù phần thưởng cũng là không nhỏ.
Dẫu sao thì trong ván đấu, dù không rõ ràng nhưng các hãng xe vẫn ít nhiều nắm được lợi thế. Các hãng xe nắm rõ hơn những chi tiết về chính sách thuế, về mỗi loại xe theo từng mức thuế suất khác nhau và họ có thể chủ động cung cấp sản phẩm nào mà họ nhìn thấy lợi nhuận nhiều hơn. Đồng nghĩa, các hãng xe chính là bên có thể tính toán được những nước đi xa hơn so với người tiêu dùng.
Bằng chứng là đồng thời với những nước đi dồn dập về giá, các hãng xe vẫn đang chuẩn bị sẵn những phương án cho nước chiếu tướng cuối cùng và cho cả kế hoạch để tận dụng kết quả từ ván đấu.
Dồn dập giảm giá và kích cầu, thời điểm này, có thể thấy khá rõ các hãng xe đang chờ đợi để ngay khi bước sang năm 2018, một số mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia sẽ được tung ra thị trường. Đây đều là những mẫu xe sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo quy định tại ATIGA.
Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy số lượng các mẫu xe này là không nhiều, thậm chí đếm trên đầu ngón tay cũng là dư thừa.
Điều này cho thấy, kịch bản về một đợt giảm giá bắt buộc trên thị trường ôtô từ năm 2018 là chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, gần như chắc chắn câu chuyện giảm giá sẽ ít nhiều gây nên sự thất vọng đối với người tiêu dùng, nhất là với nhóm người tiêu dùng đã và vẫn sẵn sàng bỏ qua bão giá để chờ đợi.
Chưa kể, cùng với nhu cầu sở hữu xe, mỗi người tiêu dùng đều có sở thích hay nhu cầu riêng phù hợp với từng loại xe. Trong khi, như đã nêu ở trên, số lượng mẫu xe được hưởng thuế 0% là rất ít bởi tất cả những loại xe đó đều phải đáp ứng một điều kiện quan trọng là tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên.
Khi “ván cờ” càng gần nước chốt, lợi thế của người tiêu dùng có vẻ càng ít đi. Đặt giả thiết, nếu kết thúc ván đấu, kịch bản giảm giá của năm 2018 không như mong đợi, tức là tỷ lệ giảm giá nói chung không thấp hơn so với thời điểm hiện tại, người tiêu dùng chính là bên phải chịu thua thiệt.
Nhưng cũng không loại trừ một khả năng khác là các hãng xe buộc phải cắt giảm danh mục sản phẩm không được hưởng lợi từ thuế đề tăng cường những mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN theo thuế suất 0%. Khi đó, sự kìm nén nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng lại đem về kết quả tốt đẹp.
Dẫu sao thì khi ván đấu chưa kết thúc, kết quả vẫn chỉ là dự đoán và người chơi vẫn phải chờ đợi nước chiếu tướng hết cờ.
Theo Đức Thọ
Vneconomy