Toyota Hilux - Hoàn thiện hơn với động cơ mới
Sau gần một năm xuất hiện với diện mạo mới, Toyota Hilux cuối cùng cũng đã "hoàn thiện" sự thay đổi vào cuối tháng 10 vừa qua, khi những phiên bản đầu tiên của mẫu xe bán tải này đã chính thức được trang bị thế hệ động cơ mới mang kí hiệu GD-engine.
Động cơ mới, thiết kế mới, các trang bị hỗ trợ phong phú..., Toyota Hilux đã thực sự có đủ sự tự tin để giành lại thị phần từ các đối thủ khác. Và ở chừng mực nào đó, đây lại được coi như một sự "xuống nước" của Toyota đối với thị trường Việt Nam khi mà việc đánh giá chưa đúng đã khiến việc nâng cấp động cơ lần này, không làm tăng giá xe mà ngược lại, đã có thêm sự giảm giá để lôi kéo khách hàng, bù lại phiên bản trước đó không thể thuyết phục khách hàng khi chỉ duy nhất thay đổi ngoại thất ở phiên bản 2016.
Sự khác biệt trên thế hệ động cơ mới GD-engine này (phân biệt qua khe gió của hệ thống intercooler), là việc được trang bị hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp sử dụng đường dẫn chung, turbo tăng áp lớn hơn, kết hợp hệ thống làm mát khí nạp... giúp cho thế hệ động cơ mới, dù dung tích nhỏ hơn so với các phiên bản ra mắt trước đó, nhưng lại cho công suất và đặc biệt là mô men xoắn lớn hơn.
Cùng với các thiết bị điện tử an toàn hỗ trợ có sẵn trên xe bao gồm: hệ thống phanh ABS/EBD/BA, hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống hỗ trợ khởi động ngang dốc, hệ thống kiểm soát lực kéo... đã có sẵn trên phiên bản trước đó, Toyota Hilux mới sẽ có thêm một số trang thiết bị hỗ trợ để tăng thêm tính cạnh tranh ở phân khúc này, bao gồm hệ thống chế độ lái chủ động với ba chế độ (Eco/Normal/Power) giúp khai thác tối đa sức mạnh động cơ cũng như khả năng tiết kiệm nhiên liệu (chế độ Eco sử dụng hữu ích nhất khi chạy trên đường quốc lộ), hệ thống túi khí hàng ghế trước và túi khí đầu gối người lái (trang bị tiêu chuẩn) cùng túi khí hai bên hông, hệ thống giải trí với sự xuất hiện của màn hình DVD và camera lùi...
Toyota Hilux thể hiện sự ổn định ở địa hình lòng chảo, với sự hỗ trợ của hệ thống kiểm soát lực kéo; từng bánh xe được phân bổ lực kéo tùy theo độ bám đường và tốc độ của từng bánh xe khác nhau
Thế hệ động cơ mới của Toyota Hilux vận hành êm ái hơn so với thế hệ động cơ cũ. Ở các vị trí đo trong khoang động cơ, trước mũi xe và trong khoang lái ở chế độ không tải, Hilux 2017 có độ ồn thấp hơn 4 - 6 dB so với phiên bản cũ
Trong khi đó ở các dải tốc độ 40-60-80 km/h, khả năng cách âm của Toyota Hilux với động cơ mới cũng được cải thiện rất nhiều
Thế hệ động cơ hoàn toàn mới GD-FTV được trang bị hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp sử dụng đường dẫn chung, turbo tăng áp kết hợp Intercooler. Do đó giúp chiếc xe, dù có dung tích động cơ nhỏ (2.4L và 2.8L) nhưng lại cho công suất và đặc biệt là momen xoắn vượt trội hơn thế hệ động cơ cũ; với phiên bản Hilux 2.4L, sức mạnh đầu ra là 147 mã lực/ 343Nm (tăng 5 mã lực và 57 Nm so với động cơ 2.5L của phiên bản trước), với phiên bản Hilux 2.8L là 174 mã lực/450 Nm (tăng 13 mã lực và 90 Nm so với bản 3.0L cũ)