Toyota dùng người thay cho robot để tăng chất lượng xe

(Dân trí) - Nhà máy lâu đời nhất của Toyota ở Nhật Bản đang đi ngược lại xu hướng chung của ngành chế tạo ô tô, khi quyết định quay trở lại thay thế dần một số robot bằng người. Chính sách này nhằm tăng tính tỉ mỉ, trau chuốt trong sản xuất.

Toyota dùng người thay cho robot để tăng chất lượng xe

Trước đây, thợ thủ công thường được gọi là “thần thánh” (Kami-sama trong tiếng Nhật) trong các nhà máy của Toyota, vì họ là những lao động có năng lực nhất.

Giờ đây, Toyota muốn đưa họ trở lại. Đây là động thái có vẻ như lạc điệu giữa thời đại hiện đại hóa hiện nay. Người đang dần thay thế một số máy móc tại các nhà máy của Toyota trên khắp Nhật Bản, để công nhân có thể phát triển kỹ năng mới và tìm kiếm các giải pháp giúp tăng hiệu quả và chất lượng của dây chuyền sản xuất và quy trình sản xuất ô tô.

Làm chủ máy móc

“Chúng tôi cần trở nên thống nhất hơn và trở về với những gì cơ bản, để trau dồi kỹ năng chế tạo thủ công và phát triển chúng lên tầm cao hơn. Khi mới vào nghề, những người thợ lành nghề thường được gọi là "thần thánh", và họ có thể làm mọi thứ," ông Mitsuru Kawai - người phụ trách triển khai chính sách nói trên của Toyota - cho biết.

“Chúng tôi không thể chỉ đơn giản phụ thuộc vào máy móc cứ lặp đi lặp lại một công việc ngày này qua tháng khác. Để làm chủ được máy móc, bạn phải có kiến thức và kỹ năng để điều khiển máy móc,” ông Kawai nói.

Ông Kawai, 65 tuổi, bắt đầu làm việc tại Toyota trong suốt thời Taiichi Ohno, là cha đẻ của Hệ thống sản xuất Toyota từng được ngưỡng mộ trong ngành chế tạo ô tô trong suốt nhiều thập kỷ, với sừ kết hợp giữa tính hiệu quả và chất lượng. Điều đó có nghĩa là ông Kawai đã sống gần như cả đời tuân theo các nguyên tắc Kaizen, hay Không ngừng cải tiến, và monozukuri, có nghĩa là nghệ thuật chế tạo.

“Hệ thống máy móc hoàn toàn tự động không thể tự tiến hóa," giáo sư Takahiro Fujimoto ở Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuộc Đại học Tokyo, nói. “Bản thân việc cơ khí hóa không có gì hại, nhưng cứ theo một kiểu cơ khí hóa nhất định thì có thể dẫn tới việc không cải tiến.”

“Ông Akio Toyoda thấy Toyota đang mắc "bệnh doanh nghiệp lớn" và quá bận rộn với việc sản xuất,” ông Jeff Liker - tác giả đã viết 8 cuốn sách về Toyota - cho biết.

Sự trở lại của những người thợ lành nghề cho thấy quyết tâm của ông Akio Toyoda - CEO của Toyota - trong việc chuyển hướng từ chính sách trọng tăng trưởng sang trọng chất lượng và hiệu quả. Ví dụ, ông áp dụng chính sách không mở rộng đối với các nhà máy mới trong vòng 3 năm để tập trung vào chất lượng.

Xét về dài hạn, Toyota có thể hưởng lợi từ chính sách không mở rộng nhà máy mới nói trên và chính sách tăng cường sử dụng con người thay cho một số máy móc. Tuy nhiên, công ty sẽ phải đánh đổi bằng sự tăng trưởng doanh số trong ngắn hạn và để cho GM và Volkswagen đe dọa vị trí số 1 về doanh số toàn cầu của Toyota bằng sự bành trướng tại các thị trường lớn như Trung Quốc.

Cái giá của tăng trưởng nóng

Toyota dùng người thay cho robot để tăng chất lượng xe

Toyota đã phải trả giá cho việc chạy theo doanh số. Công ty đã phải triệu hồi hơn 10 triệu xe trên toàn thế giới để sửa các lỗi liên quan đến tình trạng xe tăng tốc ngoài kiểm soát. Sự việc đã làm hỏng danh tiếng về chất lượng của công ty.

Tháng trước, Toyota đã đồng ý trả mức phạt kỷ lục 1,2 tỷ USD để chấm dứt cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về việc công ty cố tình che giấu thông tin lỗi sản phẩm.

Hậu khủng hoảng, ông Toyoda đã tạm dừng khai trương nhà máy lắp ráp ô tô mới trong khi GM và Volkswagen không ngừng đầu tư tăng công suất.

Nhiều năm trước khi diễn ra hàng loạt đợt triệu hồi xe, ông Kawai cũng đã nhiều lần tỏ ý lo ngại về việc Toyota tăng trưởng quá nhanh. Theo ông, một trong những giải pháp giúp tránh tái diễn tình trạng trên là tạo điều kiện để con người làm chủ máy móc.

“Chừng nào tồn tại một công nghệ không có khiếm khuyết và luôn cho ra đời những sản phẩm hoàn hảo, thì chúng ta sẽ sẵn sàng sử dụng,” ông Kawai nói. “Chẳng có thứ máy móc nào ổn định mãi mãi.”

An Nhiên

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm