Thủ tục thanh lý xe vi phạm giao thông nhiêu khê

Để thanh lý xe vi phạm phải thực hiện quá nhiều thủ tục khiến thời gian kéo dài, làm quá tải các kho bãi, hư hao tài sản

Trong hàng chục ngàn ôtô, xe máy vi phạm giao thông đang bị bỏ lăn lóc ngoài mưa nắng, có rất nhiều phương tiện phạm lỗi thuộc diện phải tịch thu hoặc nhiều phương tiện quá thời hạn tạm giữ nhưng người dân không đến để xử lý lấy tài sản về... Với những trường hợp này, theo quy định là phải tịch thu, đấu giá sung vào công quỹ. Tuy nhiên, do thủ tục nhiêu khê khiến việc xử lý thường kéo dài, làm quá tải các kho bãi, hư hao tài sản.

 

Xe vi phạm để phơi mưa nắng tại bãi giữ xe ở quận Long Biên - Hà Nội. Ảnh: Thế Kha
Xe vi phạm để phơi mưa nắng tại bãi giữ xe ở quận Long Biên - Hà Nội. Ảnh: Thế Kha

 

Mất cả năm chưa thanh lý được

 

Thượng tá Lưu Thiên Minh, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết với các phương tiện bị tạm giữ , cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trông coi, bảo quản, người dân không đến lấy thì phải làm thủ tục thanh lý.

 

Để thanh lý phương tiện, thủ tục khá phức tạp, phải thông báo trên toàn quốc, thành lập hội đồng... nên nhiều phương tiện cả năm trời vẫn chưa thanh lý được. Nếu có chủ trương cho người dân bảo lãnh phương tiện vi phạm về sẽ tốt hơn vì lúc đó cơ quan chức năng không phải mất công bảo quản, còn người dân không còn lo phương tiện bị hư hỏng.

 

Một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hải Phòng cũng cho biết đối với những phương tiện vi phạm dù đã xác định vô chủ nhưng quá trình để thanh lý mất rất nhiều thời gian do quy trình rườm rà.

 

Theo quy định hiện hành, khi hết thời hạn tạm giữ mà chủ phương tiện không đến làm thủ tục thì cơ quan công an phải đăng báo 2 số liên tiếp tìm chủ sở hữu, 30 ngày sau sẽ tiến hành tịch thu sung công quỹ. Tuy nhiên, để thanh lý phải mất khá lâu với các thủ tục như thẩm định chất lượng, thành lập hội đồng định giá, mời thầu, đấu giá…

 

Liên quan đến những khó khăn trong việc xử lý số lượng lớn phương tiện giao thông bị tạm giữ, đại tá Trần Văn Thực, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của Bộ Công an hướng xử lý số lượng xe vi phạm đã quá thời gian quy định về xử lý hành chính”.

 

Chờ nghị định mới ban hành

 

Theo đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, khảo sát mới đây của Bộ Công an khi xây dựng dự thảo nghị định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu cho thấy các điểm giữ xe vi phạm đa phần không đạt yêu cầu; nhiều điểm ở Hà Nội, TPHCM, xe chất cao lút đầu người hoặc bị “tống” vào bãi không được che mưa nắng, thậm chí còn bị đối tượng xấu ăn trộm, đánh tráo thiết bị. Tình trạng này sẽ cải thiện ít nhiều khi nghị định được thông qua. Theo đó, bắt buộc các điểm giữ phương tiện ít nhất phải bảo đảm yêu cầu về mái che cho phương tiện và an toàn phòng chống cháy nổ” - đại tá Quân nói.

 

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT, cho biết nhiều hành vi vi phạm thuộc diện bị tạm giữ phương tiện hiện hành sẽ được thay đổi trong thời gian tới, khi Chính phủ phê duyệt Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (thay thế Nghị định 71 và Nghị định 34). Dự thảo nghị định này sắp được trình Chính phủ (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7) đã lược bỏ khá nhiều hành vi vi phạm thuộc diện phải giữ xe, như vượt đèn đỏ, không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển phương tiện…

 

“Việc loại bỏ nhiều hành vi vi phạm bị giữ xe xuất phát từ ý kiến phản ánh của người dân. Chúng tôi cũng thấy nhiều lỗi vi phạm khi bị lập biên bản xử phạt thì đã ngăn chặn, không còn khả năng tái diễn vi phạm ngay lập tức” - ông Thuấn nói.

 

Theo ông Thuấn, tới đây các lỗi vi phạm buộc phải giữ xe 7 ngày bao gồm nhóm lỗi về điều khiển xe không bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường, không có bằng lái, lái xe khi chưa đủ độ tuổi cho phép, trong người có nồng độ cồn hoặc ma túy, chống người thi hành công vụ, điều khiển xe lạng lách, đánh võng… Trường hợp cần phải giữ xe để xác minh thêm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự thì cơ quan chức năng sẽ quyết định thời gian tạm giữ.

 

Dễ xâm hại lợi ích hợp pháp của công dân

 

Theo đại tá Trần Thế Quân, việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính chỉ nhắm tới mục đích răn đe người điều khiển phương tiện. Trong khi đó, phương tiện (ô tô, xe máy) là tài sản cá nhân của công dân, không có lỗi trong việc để xảy ra vi phạm. Việc tạm giữ tài sản của công dân để ngăn ngừa hành vi vi phạm phát sinh mà không bảo đảm được tính nguyên vẹn của tài sản là xâm hại đến lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Theo một chuyên gia luật, khi tạm giữ phương tiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành lập biên bản chi tiết về phương tiện sẽ bị tạm giữ, tiến hành niêm phong đối với những phần, thiết bị, phụ tùng, phụ kiện... cấu thành của phương tiện và có sự tham gia ký nhận của chủ phương tiện, người làm chứng, đại diện cơ quan ra quyết định. Tuy nhiên, quy định chỉ là quy định, rất nhiều người sau khi lấy xe ra phát hiện khá nhiều hư hỏng, mất mát phụ tùng nhưng không biết khiếu nại với ai.

 

T.Kha

 

Theo Thế Kha - Hải Vũ - Tuyên Nghệ - Trọng Đức

Tiền Phong