Thú chơi xe điện của giới trẻ Đà Nẵng
Nếu bạn có dịp ghé qua Đà Nẵng, ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây, bạn sẽ nhận thấy một điều thật đặc biệt, đó chính là sự xuất hiện của những chiếc xe điện với số lượng đủ để xem đó như một nét văn hóa xe đặc trưng.
Đà Nẵng vốn nổi tiếng trong giới chơi xe máy cả nước với những “đặc sản” Vespa và những tay chơi xe cổ sành điệu có tiếng. Thế nhưng khi món “đặc sản” này ngày càng bị mai một, những chiếc xe cổ ngày càng ít xuất hiện tại Đà Nẵng, giới trẻ thành phố đã lấp đầy chỗ trống đó bằng những chiếc xe đạp điện, xe điện xinh xắn và “sạch”.
Cứ vào khoảng 6 giờ sáng hay lúc tan tầm, những đường phố trung tâm thành phố xuất hiện “bạt ngàn” xe điện. Nếu không đi thành nhóm thì riêng việc xuất hiện liên tục của những chiếc xe “xanh” này cũng đủ để người xem nhận thấy: Ở Đà Nẵng, xe điện được ưa chuộng và sử dụng phổ biến.
Đa phần những người sử dụng loại xe “xanh” này là học sinh cấp 3, tập trung tại 2 trường lớn nhất nhì Đà Nẵng là Phan Chu Trinh và Trần Phú. Tại những tuyến phố nằm cạnh 2 ngôi trường này, người ta có thể thấy những chiếc xe điện được xếp đầy trong sân và dựng kín vỉa hè. Ngoài ra, phải kể tới đối tượng người cao tuổi và bà nội trợ cũng chọn phương tiện này trong sinh hoạt đời thường.
Thị trường xe điện nhộn nhịp
Xe điện ở Đà Nẵng có chủng loại và mẫu mã hết sức phong phú. Những kiểu dáng được ưa chuộng nhất là loại “copy” phong cách của những chiếc xe tay ga, như Yamaha Mio, Honda SCR, Honda Air Blade..., thậm chí là kiểu dáng của những chiếc xe tay ga cỡ lớn như Honda @, SH hay Dylan.
Một chiếc xe điện kiểu dáng “ngoại cỡ”, có tính năng nghe MP3 với dàn loa lắp trên xe, cụm đèn hậu LED kiểu “Audi”, chìa khóa điện điều khiển từ xa, cốp đựng đồ rộng rãi có giá khoảng trên 13 triệu đồng. Hầu hết cửa hàng bán xe đều đưa ra thời gian bảo hành 2 năm.
Giá của phụ tùng cũng khiến giới trẻ dễ tiếp cận hơn với thú chơi mới của mình. Một chiếc bình ắc quy có giá 500.000 đồng. Những hỏng hóc về mô-tơ điện được những người bán hàng đảm bảo sửa chữa không quá khó khăn và với chi phí thấp.
Chơi xe điện không hẳn vì “xanh”!
“Nhà trường không cho phép tụi em đi xe máy tới trường, nhà em thì xa, ba mẹ không phải lúc nào cũng đưa em đi học được nên em chọn xe điện, vừa tiện đi lại nhanh chóng mà vẫn không bị phạt mỗi khi gặp công an hay phải để xe trong trường,” Tâm, một học sinh lớp 12 trường PTTH Phan Chu Trinh, nói.
“Từ khi có lệnh cấm học sinh đi xe máy tới trường, chúng em đâu có lựa chọn nào khác. Giờ chạy xe đạp chạy sao nổi, còn mỗi xe điện là khả thi. Kiểu dáng xe điện bây giờ cũng đẹp nữa nên bọn em thích,” An, học sinh trường Trần Phú, cùng chung quan điểm.
“Tụi học sinh khoái đi xe điện lắm, không cần bằng lái, không cần đăng ký, khỏi lo giá xăng tăng, đi học về là cắm xạc sáng hôm sau lại đi. Nhàn lắm! Đi xe điện chạy đâu có nhanh được, nên phụ huynh cũng yên tâm. Tôi cũng đang tính mua cho đứa nhỏ một chiếc. Năm nay nó mới vào cấp 3,” bác Minh chạy xe ôm gần trường cấp 3 Phan Chu Trinh nói.
“Công an bắt quá trời nhưng tụi nó đâu có sợ, tụi nó nắm hết quy luật và những con đường không có công an kiểm tra rồi nên tụi nó chạy hoài có bị xử lý đâu. Thông tin của tụi nó cũng nhanh nữa, nên công an có chặn chỗ này thì tụi nó lại đi đường khác thôi à,” bác Minh nói tiếp.
Hãy để xe điện là xe “xanh”
Nếu như rất nhiều thành phố lớn trên thế giới gặp khó khăn trong việc tạo thói quen sử dụng xe “xanh” trong giao thông nội thị, thì Đà Nẵng lại có rất nhiều điều kiện thuận lợi nhờ vào xu hướng chơi xe mới của giới trẻ.
Những chiếc xe “xanh” đúng nghĩa khi nó được sử dụng một cách hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên ngoài việc chấp nhận để học sinh sử dụng xe điện tới trường như là một phương tiện di chuyển hợp pháp đơn thuần và xử lý hiệu quả, đúng luật những trường hợp vi phạm, Đà Nẵng cần hơn nữa sự quan tâm nhằm tạo dựng và phát triển một nét văn hóa xe “xanh” cho một thành phố “sạch”.
Một số hình xe điện ở Đà Nẵng:
Theo Thụy Anh
Autopro