Thị trường ô tô Mỹ khép lại một năm đầy biến động
(Dân trí) - 2009 là một năm có nhiều biến cố và xáo trộn lớn trên thị trường ô tô Mỹ, trong đó nổi bật nhất là sự kiện GM và Chrysler đệ đơn xin bảo hộ phá sản, kế đến là đợt thu hồi xe lớn nhất trong lịch sử Toyota.
Giờ đây, sau một năm đầy biến động, họ, cùng với các nhân viên, các nhà cung cấp và các đại lý đang dần ổn định lại hoạt động.
Trước khi bước sang năm mới 2010, hãy cùng điểm lại 10 câu chuyện đáng nhớ nhất tại Mỹ, thị trường ô tô mang tính định hướng toàn cầu, trong năm 2009, do ban biên tập tờ Automotive News tổng hợp:
GM và Chrysler nộp đơn xin bảo hộ phá sản
Sau nhiều thập kỷ chìm trong những quyết định sai lầm và trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, hai “đại gia” ô tô Mỹ là Chrysler và General Motors (GM) đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của luật phá sản Mỹ để tài sản không bị các trái chủ trưng thu trừ nợ.
Nhờ tiền cứu trợ khẩn cấp của chính phủ, lấy từ tiền thuế của người dân, hai nhà sản xuất ô tô Mỹ đã ra khỏi tình trạng bảo hộ phá sản. Nhưng hơn 2.000 đại lý đã phải đóng cửa. Lương, thưởng của ban lãnh đạo công ty phải tạm dừng. Lương và phúc lợi của lao động thời vụ bị cắt giảm. Các chủ nợ mất hàng tỷ USD.
GM và Chrysler giờ đây đã có cơ hội thứ hai, và có thể là cuối cùng. Chính quyền tổng thống Obama tuyên bố sẽ không chi thêm tiền cứu trợ cho các nhà sản xuất ô tô.
Chỉ tiền cứu trợ của chính phủ Mỹ thì không đủ giúp Chrysler tồn tại. Nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 nước Mỹ còn cần một đối tác nước ngoài hỗ trợ quản lý và cung cấp động cơ dành cho xe cỡ nhỏ và cơ sở gầm bệ. Trong nỗ lực mở rộng hoạt động tại thị trường Bắc Mỹ, tập đoàn Fiat trở thành đối tác đáp ứng được cả 3 nhu cầu này của Chrysler.
Tuy nhiên, CEO Sergio Marchionne của Fiat đưa ra một đề xuất khá “rắn”: Fiat không bơm thêm tiền cho Chrysler mà chỉ cung cấp công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Nhà sản xuất ô tô Mỹ không thể không chấp thuận đề xuất này, vì nếu không có Fiat, chính quyền tổng thống Obama có thể sẽ phải giải tán Chrysler hoặc sáp nhập công ty vào với GM. Giờ đây ông đã kiêm luôn vị trí CEO của Chrysler.
Trong năm 2009, Chrysler đã loại bỏ 789 đại lý trong thủ tục bảo hộ phá sản, còn GM cho đóng cửa 1.350 đại lý. Hai tập đoàn yêu cầu các đại lý còn lại ký thỏa thuận mới, từ bỏ nhiều quyền lợi được bảo vệ bởi luật pháp.
Tuy nhiên, 3 đại lý bị đóng cửa cửa hàng - Tammy Darvish, Jack Fitzgerald và Alan Spitzer -- đã thành lập Ủy ban khôi phục quyền lợi đại lý. Mục tiêu của họ là khôi phục lại các đại lý đã bị tập đoàn hủy bỏ. Kiến nghị của họ đã được Hạ viện thông qua, nhưng bị ách lại ở Thượng viện, dẫn đến các cuộc thương lượng với GM và Chrysler về một thỏa thuận riêng.
Tháng 12/2009, các nhà sản xuất dừng các cuộc đàm phán. Vì vậy, sau 6 tháng vận động của ủy ban và các nhóm đại lý, Quốc hội Mỹ đã thông qua điều luật cho phép một số đại lý giành lại cửa hàng của mình thông qua phân xử trọng tài.
Chương trình kích cầu xe mới
Chương trình kích cầu xe mới trị giá 3 tỷ USD của chính phủ Mỹ được triển khai nhằm thúc đẩy tiêu thụ ô tô và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Theo đó, những người bỏ xe cũ mua xe mới tiết kiệm nhiên liệu hơn sẽ được hỗ trợ từ 3.500 USD đến 4.500 USD/xe. Chương trình nhận được sự hưởng ứng ngoài dự kiến, nên đã hoàn tất chỉ trong 1 tháng, khiến tiêu thụ ô tô trên thị trường Mỹ tăng khoảng 300.000 xe.
Doanh số sụt giảm mạnh
Thị trường ô tô Mỹ cực kỳ ảm đạm trong năm 2009, với mức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 10,3 triệu xe, giảm gần 25% so với năm 2008 và hơn 30% so với năm 2007. Trên thực tế, đây là năm doanh số thấp nhất kể từ năm 1982, dù đã có chương trình kích cầu xe mới của chính phủ.
Thập kỷ vừa qua có quá nhiều xáo trộn với Toyota. Họ đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, là thương hiệu bán chạy nhất tại Mỹ. Nhưng cùng với đó là một năm 2009 nhiều chuyện buồn.
Doanh số tại Mỹ của tập đoàn sụt giảm mạnh và sản lượng tại Bắc Mỹ cũng phải cắt giảm. Toyota đã phải gác lại kế hoạch sản xuất xe Prius hybrid tại Tupelo, tiểu bang Mississippi, và công bố đóng cửa nhà máy NUMMI liên doanh với GM vào năm 2010.
Cũng trong năm 2009, ông Akio Toyoda đã lên thay chủ tịch Katsuaki Watanabe. Akio Toyoda là cháu nội người sáng lập tập đoàn Toyota. Ngay sau khi tiếp nhận cương vị mới, ông đã đưa cựu giám đốc Toyota Mỹ, ông Yoshi Inaba, trở lại ban lãnh đạo, sau một thời gian nghỉ hưu, để dẫn dắt Toyota tại Mỹ. Ngay khi trở lại, ông Inaba đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng của tập đoàn: hàng loạt đợt thu hồi xe lớn nhỏ và những lời cáo buộc bưng bít thông tin.
Chỉ riêng việc không phải ra trước tòa án phá sản trong năm 2009 đã là một thành công lớn của Ford về mặt quan hệ công chúng. Trong khi chính phủ phải chi hàng tỷ USD để cứu GM và Chrysler, thì Ford vẫn trụ vững và tạm ổn.
Thêm vào đó, trong quý III, Ford đã thông báo đã có lợi nhuận trước thuế đầu tiên - 1,1 tỷ USD - kể từ quý I/2008. Và các sản phẩm của công ty đang dần đi đúng hướng trở lại. Ví dụ, Ford đã thiết kế lại mẫu Fusion cho model 2010 và bổ sung một phiên bản hybrid. Tính đến hết tháng 11, doanh số của Fusion đã tăng 18%.
GM có 3 CEO trong 9 tháng
CEO của GM, trong suốt nhiều thập kỷ, đây là đỉnh cao danh vọng trong giới kinh doanh Mỹ, và ai nắm giữ vị trí này thường tại vị nhiều năm. Giờ mọi thứ đã khác.
Tháng 3/2009, chính phủ Mỹ đã yêu cầu CEO Rick Wagoner từ chức. Đến tháng 12, Ed Whitacre, chủ tịch GM mới cho chính phủ bổ nhiệm, đã “tống tiễn” người kế nhiệm ông Wagoner là Fritz Henderson.
Hội đồng quản trị GM đã bổ nhiệm ông Whitacre vào vị trí CEO tạm thời của tập đoàn. Ông lập tức có một số thay đổi nhân sự cấp cao. Rõ ràng GM đang có một cuộc “thay máu”. Hiện chưa rõ ai sẽ chính thức ngồi vào ghế CEO của GM trong năm 2010, nhưng ứng viên sáng giá nhất hiện nay có vẻ là Chris Liddell, giám đốc tài chính (CFO) của Microsoft vừa được GM chiêu mộ về vị trí tương đương từ năm 2010.
Chính phủ siết tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu
Sức ép chính trị đối với tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu của ô tô tại Mỹ đã có từ nhiều năm nay. Giá xăng 4 USD/gallon (khoảng 1 USD/lít) của năm 2008 đã tạo động lực mạnh cho chính quyền tân tổng thống Obama xúc tiến nhanh việc siết tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu của xe hơi tại Mỹ. Theo đó, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của toàn bộ xe của một nhà sản xuất ô tô được ấn định ở mức 35,5 dặm/gallon (khoảng 6,6 lít/100km) từ model 2016 trở đi. Năm 2009, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của ô tô tại Mỹ là 25,3 dặm/gallon (9,3 lít/100km).
Để đạt được tiêu chuẩn trên, các hãng phải hạn chế sử dụng động cơ V8 và giảm trọng lượng xe. Sức ép cắt giảm chi phía sẽ “thúc” các nhà sản xuất ô tô sử dụng ứng dụng tiết kiệm nhiên liệu, như bộ tăng áp và hệ thống hybrid.
Vấn đề quan trọng là liệu các nhà sản xuất ô tô có thể thuyết phục được khách hàng Mỹ - những người lâu nay vẫn quan niệm nhỏ là rẻ - chịu trả thêm tiền cho ô tô cỡ nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu.
Khủng hoảng tín dụng
Khi lực lượng đặc trách ngành ô tô của chính quyền tổng thống Obama chỉ định công ty GMAC Financial Services thay thế Chrysler Financial làm đơn vị hỗ trợ tài chính cho các đại lý của Chrysler, nhiều đại lý lâm vào khó khăn.
Những người đã vay hàng triệu USD của Chrysler Financial để trang trải chi phí nâng cấp cửa hàng và mở rộng mạng lưới không thể sử dụng dịch vụ của GMAC nếu chưa hoàn trả tiền cho Chrysler Financial. Điều đó có nghĩa là một số cửa hàng cuối cùng cũng đi đến kết cục phải đóng cửa vì họ không tìm được nguồn tài chính khác.
Nhật Minh
Theo Automotive News