Ssangyong và SAIC gặp rắc rối về pháp lý

(Dân trí) - Các công tố viên Hàn Quốc hôm 11/11 cho biết một thương vụ chuyển nhượng công nghệ hybrid xăng-điện từ nhà sản xuất ô tô Ssangyong (Hàn Quốc) cho Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) hồi năm 2006 đã vi phạm luật cấm chuyển nhượng thông tin nhạy cảm.

Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul đã truy tố 7 kỹ sư cấp cao của Ssangyong, thuộc sở hữu của SAIC, về tội danh làm lộ công nghệ quan trọng để phát triển xe hybrid xăng-điện.

 

Bản cáo trạng này được xem như đồng nghĩa việc kết luận SAIC ăn cắp công nghệ, nhưng văn phòng công tố cho biết họ không định kiện nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

 

Chính phủ Hàn Quốc chi gần một nửa số tiền dùng để phát triển công nghệ mới này trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2008, và các công tố viên kết luận rằng Ssangyong đã chuyển giao công nghệ do nhà nước hỗ trợ kinh phí phát triển mà chưa được phép của chính phủ.


Ssangyong và SAIC gặp rắc rối về pháp lý - 1
Nhà máy của Ssangyong Motor ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc (Ảnh: Korea Times)


Tháng 6/2004, Ssangyong Motor, nhà sản xuất ô tô nhỏ nhất của Hàn Quốc, đã phát triển thành công bộ phận kiểm soát hệ thống hybrid (HCU) với sự hợp tác của công ty FEV của Đức.


HCU là bộ phận giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng của xe hybrid.

 

Giữa lúc sự sụt giảm của thị trường ô tô trong nước gây tác động đến công ty, SAIC đã giành quyền sở hữu 48,9% cổ phần Ssangyong với giá 590 tỷ won vào tháng 1/2005, để trở thành cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc.

 

Gặp khó khăn trong việc tự sản xuất bộ phận tương tự, SAIC bị cho là đã dùng vị thế là cổ đông chính để ép các kỹ sư Ssangyong tham gia vào quá trình phát triển HCU phải chia sẻ các công nghệ.

 

Theo các công tố viên, 7 kỹ sư đã không thể chống lại và tiết lộ công nghệ cho SAIC khi chưa được phép của chính phủ vào tháng 7/2006. Tuy nhiên, các công tố viên cho biết các kỹ sư không hề được hưởng lợi về mặt tài chính từ việc này.

 

Cuộc điều tra về sự việc đã được triển khai từ tháng 1/2007 sau khi có sự cảnh báo của Cục tình báo quốc gia.

 

Trong thời gian đầu điều tra, Ssangyong đã phủ nhận mọi cáo buộc. Vụ việc cũng đã dẫn tới những ý kiến cho rằng SAIC đã thâu tóm công ty ô tô Hàn Quốc đang trong tình cảnh nợ nần để “ăn cắp” những công nghệ quý giá, rồi sau đó bỏ mặc Ssangyong.

 

Trên thực tế, SAIC đã ngừng rót tiền vào Ssangyong, phần nào dẫn tới việc nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc phải sa thải một số lượng lớn công nhân hồi đầu năm nay và kế đó là một vụ biểu tình có màu sắc bạo lực kéo dài 2 tháng do các công nhân bị sa thải phát động nhằm phản đối ban lãnh đạo tại nhà máy của Ssangyong ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi.

 

Bị ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình, Ssangyong cho biết  họ đã lỗ 316 tỷ won do sản xuất đình trệ. Một số nguồn tin cho biết Ssangyong đang đàm phán với 2-3 nhà đầu tư nước ngoài về khả năng chuyển nhượng công ty.

 

Nhật Minh

Theo Korea Times