Ôtô bị dán thêm tem: Chủ xe la ó lãng phí

Quy định dán nhãn năng lượng đối với ôtô con loại bảy chỗ trở xuống đang khiến không ít lãi xe băn khoăn. Họ cho rằng đó là sự lãng phí không cần thiết, chưa kể nguy cơ kính ôtô bị tem nhãn bịt kín!

Theo dự thảo mới của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các loại xe từ bảy chỗ trở xuống sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu sẽ phải dán nhãn năng lượng để thể hiện các nội dung liên quan đến mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe đã được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra và chứng nhận.

Dự kiến từ ngày 1/1/2015, quy định này có hiệu lực thi hành đối với xe nhập khẩu; với xe sản xuất, lắp ráp áp dụng từ 1/1/2015 đối với các kiểu loại mới, với những kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước ngày 1/1/2015 sẽ áp dụng dán nhãn năng lượng từ 1/1/2016.

Thêm lãng phí

Ôtô bị dán thêm tem: Chủ xe la ó lãng phí

Khi được hỏi việc dán nhãn năng lượng trên có cần thiết không, nhiều lái xe đã thể hiện quan điểm của mình, nhiều ý kiến cho rằng việc dán nhãn chỉ có tác dụng với cơ quan quản lý, không cần thiết đối với lái xe, thậm chí gây thêm phiền hà.

Trên một diễn đàn ô tô xe máy, nhiều thành viên đều tỏ ý kiến không đồng tình vì chưa rõ mục đích của việc dán thêm nhãn này. “Quy định của mỗi xe đều có ghi rồi nhưng đó là mức tiêu hao nhiên liệu định danh trong các điều kiện lý tưởng, còn lái ngoài đường mỗi lúc mỗi khác, mỗi tài xế khác nhau, mẫu loại xăng cũng khác nhau, lái đường trường khác với lái trong thành phố, miền Nam nắng nóng sẽ khác ở Hà Nội mùa lạnh,... Đến mình còn không để ý xe uống bao nhiêu lít/km, thì cái cái nhãn đó để làm gì? Liệu có cần thiết không?”, một thành viên chia sẻ.

Theo thành viên tên NNS, nhãn này họa may chỉ có ý nghĩa để các hãng xe không “bốc phét” về ưu việt tiết kiệm nhiên liệu của xe mà thôi. Anh cho rằng, chỉ cần đưa mục này vào danh sách các chỉ tiêu kiểm định chất lượng sản phẩm xuất xưởng, xe đáp ứng được mới đưa ra thị trường. Do đó, thêm cái nhãn này không có tác dụng nhiều.

Một lái xe khác lưu ý, việc dán nhãn làm giảm tầm quan sát của lái xe gây nguy hiểm. Theo thành viên này, hiện chiếc xe ô tô anh đang sử dụng còn phải dán thêm cả phí quốc lộ 5, tổng cộng 4 nhãn dán trên kính.

“Dán thêm một cái thì nhằm nhò gì. Xe em dán cái giấy phép vào phố cấm to tướng trên kính lái, mà em dán 3-4 cái. Mấy anh giao thông bảo bóc đi, em nói để vậy che nắng luôn”, thành viên diễn đàn kể. Anh nói thêm, ở Thái Lan có tới 5 cái nhãn dán vào kính xe. Việc này ở nước ngoài thực hiện từ lâu, kể cả những xe có lắp bộ lọc khí thải cũng được dán tem khuyến cáo.

Trước việc có thêm một nhãn dán trên xe ô tô, một số thành viên lo ngại sẽ phát sinh thêm chi phía dán nhãn và kiểm định, điều đó sẽ làm cho giá ô tô tăng, ảnh hưởng tới người mua. “Kiểu gì người mua xe cũng phải chịu chi phí cuối cùng. Tất cả chi phí hình thành nên chiếc xe người mua đều phải chi hết, kể cả mấy mẩu giấy lót sàn”, anh cho hay.

Không nhất thiết phải dán ở kính xe

Trong khi đó, một lái xe đồng tình với việc dãn nhãn vì cho rằng thông tư này chỉ áp dụng với các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước và các nhà nhập khẩu xe trước khi đưa xe ra thị trường tiêu thụ (xe mới), không áp dụng đối với xe đã qua sử dụng. Dán nhãn năng lượng để cho người mua quyền lựa chọn loại xe có mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp với mình đã được cơ quan chức năng chứng nhận.

“Em thấy cũng không ảnh hưởng gì đến mình đâu ạ, chỉ có cơ sở sản xuất, lắp ráp phải làm hàng năm thôi. Em hiểu đây là biện pháp để đảm bảo quyền lợi khách hàng, tránh kiểu xe tốn 10 lít mà các ông báo 5 lít. Cái này không quan trọng phải dán ở kính xe, có thể ở chỗ khác cũng được, miễn là cơ quan quản lý và người mua nhìn thấy được”, một thành viên nhận định.

Ôtô bị dán thêm tem: Chủ xe la ó lãng phí


Về phía cơ quan quản lý, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - cho rằng, việc dán nhãn mục đích là bảo vệ người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp, nhà sản xuất nhập khẩu công bố mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô không đúng thực tế. Khi quy định này có hiệu lực, người mua xe có cơ sở để tham khảo, so sánh mức tiêu thụ nhiên liệu đối với các loại xe và nhà sản xuất.

Ông Trí cũng cho rằng, nhãn này không nhất thiết phải dán lên kính phía trước làm giảm tầm nhìn cũng như thẩm mỹ như nhiều lái xe lo ngại. Nhãn năng lượng ít nhất phải duy trì trên xe trước khi được bán nên không phải lo ngại ôtô lưu hành sẽ có thêm tem thứ ba.

Theo D.Anh

Vef

Tâm lí đợi chờ