Ô tô đỗ trong ngõ bị người đàn ông đập vỡ kính

Gia An

(Dân trí) - Mạng xã hội xôn xao trước đoạn video ghi lại hình ảnh một người đàn ông dùng thanh gỗ đập phá chiếc ô tô đỗ trong ngõ, khiến xe bị vỡ phần kính phía sau.

Hình ảnh ghi lại cho thấy, chiếc Toyota Fortuner màu đen đỗ trong một con ngõ. Một người đàn ông mặc áo vàng đi từ trong nhà ra, cầm theo thanh gỗ rồi đập liên tiếp vào phía đuôi xe. Sau khi làm vỡ phần kính sau, người này tiếp tục "tấn công" cặp gương chiếu hậu và khu vực sườn xe.

Đoạn video được thành viên có nick Anh Dinh chia sẻ trong nhóm Facebook về giao thông đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Chưa rõ thời gian và địa điểm xảy ra sự việc.

Ô tô đỗ trong ngõ bị người đàn ông đập vỡ kính (Video: TNGT).

Trên mạng xã hội, nhiều thành viên tỏ ra bức xúc trước hành động của người đàn ông mặc áo vàng. "Chẳng biết ô tô có đỗ xe chắn cửa nhà không nhưng dù thế nào thì cũng không thể phá hoại tài sản của người khác như vậy", nick Vũ Thành nhận xét.

"Nóng giận như này thì quá dở rồi, chủ nhà đang đúng lại trở thành sai. Nếu người đi ô tô đỗ xe chắn lối, có nhiều cách văn minh để giải quyết cho trường hợp này mà. Đằng này, người đàn ông áo vàng lại đập phá như vậy, thiệt hại là không hề nhỏ", tài xế có tên Viết Công nêu ý kiến. 

Cộng đồng mạng cũng đưa ra lời khuyên cho chủ xe, rằng nên giữ nguyên hiện trường và mời cơ quan chức năng đến làm việc. "Nhìn trong video thì có lẽ chủ ô tô đỗ xe sai luật.

Tuy nhiên, đó không thể là lý do để tài sản của mình bị phá hoại như thế được. Theo tôi, cần mời công an khu vực xuống lập biên bản và xử nghiêm", tài khoản Linh Đàm viết.

Trước đó, đã có nhiều câu chuyện ô tô bị "dằn mặt" thậm chí là phá hoại khi đỗ bên đường. Gần đây là vụ Kia Morning bị tạt sơn lên kính sau một đêm đỗ ở đầu ngõ 639 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).

Về quy định dừng, đỗ xe, Khoản 4 điều 18 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định không được dừng, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe…

Trong khi đó, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định mức phạt tiền 10-50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá 2-50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp tái phạm; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị áp mức phạt tù 2-7 năm.